'Thịnh vượng chung' là gì và tại sao Chủ tịch Tập Cận Bình muốn biến ý tưởng này thành hành động?
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang triển khai một chiến lược mới nhằm cải cách nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, với trọng tâm là thúc đẩy "thịnh vượng chung".
Bắc Kinh hy vọng các động thái chính sách, biện pháp can thiệp thị trường và hoạt động từ thiện sẽ giúp giải quyết cuộc khủng hoảng giàu nghèo đang gây hại cho nền kinh tế và trở thành mối đe dọa đối với chính phủ.
Giới chức Trung Quốc đã nhắm mục tiêu vào một số doanh nghiệp tư nhân thành công bậc nhất đất nước, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ. Điều này đã khiến các nhà đầu tư phải lo lắng không yên.
Ngoài ra, Bắc Kinh còn ra sức trấn áp những hành vi xã hội mà chính phủ cho là thái quá như văn hóa fandom (thần tượng người nổi tiếng), tình trạng dạy thêm học thêm và trò chơi điện tử.
1. Vấn nạn bất bình đẳng ở Trung Quốc nghiêm trọng đến mức nào?
Theo Bloomberg, thu nhập của 20% người giàu nhất Trung Quốc cao gấp 10 lần so với 20% người nghèo nhất. Cách biệt này lớn hơn nhiều so với ở Mỹ hoặc các quốc gia châu Âu như Đức và Pháp. Hơn nữa, từ năm 2015 đến nay, khoảng cách giàu nghèo tại đất nước tỷ dân thậm chí không hề cải thiện.
Dù tỷ lệ người dân sống trong cảnh nghèo đói cùng cực đã giảm đáng kể trong thập kỷ qua, hơn 600 triệu người - khoảng một nửa dân số Trung Quốc, vẫn đang sống bằng thu nhập từ 12.000 nhân dân tệ (tương đương 1.858 USD) trở xuống.
Ở chiều ngược lại, nhờ tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và một số cải cách thị trường do chính phủ ban hành mà khối tài sản của người giàu Trung Quốc ngày càng bùng nổ.
Hiện nay, Trung Quốc có khoảng 81 tỷ phú nằm trong bảng xếp hạng 500 người giàu nhất thế giới của Bloomberg, chỉ xếp sau cường quốc đứng đầu là Mỹ. Ngoài top 500, Trung Quốc còn có thêm hàng nghìn tỷ phú và triệu phú khác.
2. "Thịnh vượng chung" có phải một chủ đề mới?
Đây không phải là ý tưởng mới mà từng được nhà lãnh đạo Mao Trạch Đông đưa vào các văn kiện của đảng cầm quyền Trung Quốc với mục tiêu xây dựng một xã hội bình đẳng hơn.
Khẩu hiệu trên không còn được sử dụng thường xuyên dưới thời nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình vì ông ưu tiên xây dựng kinh tế, chủ trương cho phép "một số người làm giàu trước".
Năm 2017, Chủ tịch Tập Cận Bình mới đưa "thịnh vượng chung" trở thành một phần trọng tâm trong bài phát biểu đánh dấu nhiệm kỳ thứ hai của ông. Và đến năm 2021, nội dung này mới thực sự được quan tâm hơn hết.
3. Tại sao ông Tập chọn chọn hành động ngay bây giờ?
Một giả thuyết cho rằng ông Tập đang muốn phục vụ thêm nhiệm kỳ thứ ba và "thịnh vượng chung" là một phần trong kế hoạch tham vọng để nhà lãnh đạo đạt được mục tiêu.
Một khả năng khác là những biện pháp này từ lâu đã nằm trong chương trình nghị sự của Chủ tịch Tập Cận Bình, nhưng có một số vấn đề đã cản trở Bắc Kinh hành động.
Sau bài phát biểu năm 2017, Trung Quốc bị cuốn vào cuộc chiến thương mại với Mỹ. Không lâu sau khi hai nước đạt được thỏa thuận giai đoạn một, đại dịch COVID-19 lại ập đến. Giờ đây, ông Tập mới có cơ hội biến ý tưởng thành hành động thực tế.
Trước lễ kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc, Bắc Kinh tuyên bố vừa hoàn thành một nỗ lực lâu dài nhằm tạo ra một "xã hội thịnh vượng công bằng". Động thái này giúp mở ra cánh cửa để ông Tập theo đuổi "thịnh vượng chung" như một đường lối chỉ đạo mới.
Ngoài ra, một số ông lớn công nghệ của Trung Quốc hiện còn có tầm ảnh hưởng lớn hơn cả các công ty nhà nước và nhà sáng lập của những doanh nghiệp tư nhân này cũng đã tích lũy được khối tài sản khổng lồ. Điều đó có thể là một mối đe dọa về mặt chính trị đối với chính quyền ông Tập.
4. Chính phủ Trung Quốc đã làm gì với doanh nghiệp?
Bắc Kinh đã tuyên bố cải cách sâu rộng ngành giao dục tư nhân trị giá 100 tỷ USD, qua đó cấm các công ty dạy thêm hoạt động và tìm kiếm lợi nhuận.
Gần đây, chính phủ của ông Tập Cận Bình còn công khai một kế hoạch khác đối với dịch vụ khám chữa bệnh tại các bệnh viện công nhằm ngăn chi phí leo thang nhanh chóng và xử lý tình trạng giá thuốc cũng như vật tư y tế quá cao.
Ngoài ra, Bắc Kinh còn kêu gọi các công ty gọi xe và đặt đồ ăn phải cải thiện điều kiện làm việc cho nhân viên thu nhập thấp. Tòa án tối cao Trung Quốc cũng đã công bố một bài luận dài, lên án văn hóa làm việc "996", tức là làm việc từ 9h sáng đến 9h tối, 6 ngày mỗi tuần.
5. Với xã hội thì sao?
Chính phủ Trung Quốc dường như đang cố nhào nặn những công dân kiểu mẫu, Bloomberg nhận xét.
Đầu tuần này, Bắc Kinh đã giới hạn thời gian chơi game trực tuyến cho trẻ vị thành niên xuống còn 3 giờ mỗi tuần. Chính phủ còn sử dụng các cáo buộc về lạm dụng tình dục tại ông lớn Alibaba Group Holding để bày tỏ thái độ không bằng lòng về văn hóa uống rượu trong doanh nghiệp.
Hơn nữa, các nhà chức trách đã tuyên bố sẽ tăng cường điều tra hành vi trốn thuế ở những người có thu nhập cao và lấy vụ việc nữ diễn viên Trịnh Sảng để làm gương cho công chúng. Trịnh Sảng bị yêu cầu nộp tổng cộng 299 triệu nhân dân tệ tiền thuế quá hạn và tiền phạt.
Ngoài ra, chính phủ Trung Quốc còn đang ra sức làm suy yếu ảnh hưởng của các ngôi sao trong cộng đồng người hâm mộ. Cơ quan quản lý đã chỉ đạo các hãng phim giới hạn mức lương của diễn viên và tránh xa những cá nhân có quan điểm "chính trị sai lệch" hoặc "thẩm mỹ méo mó" (ám chỉ các nam diễn viên có ngoại hình được cho là nữ tính, ẻo lả).
Các trang web của người hâm mộ không còn được phép đăng tải bảng xếp hạng người nổi tiếng và phải chặn quyền truy cập đối với trẻ vị thành niên. Triệu Vy, nữ diễn viên nổi tiếng với gia tài phim ảnh đồ sộ cùng cơ ngơi kinh doanh riêng, đã biến mất hoàn toàn khỏi mạng internet Trung Quốc. Đến nay cũng chưa ai biết tung tích của Triệu Vy.
6. Chính phủ Trung Quốc chưa dừng lại?
Trong nhiều năm qua, Bắc Kinh đã cố gắng điều tiết giá nhà ở, đặc biệt là ở các thành phố lớn và khẳng định nhà là nơi để ở chứ không phải để đầu cơ.
Có nhiều dấu hiệu cho thấy chính phủ Trung Quốc đang chuẩn bị triển khai một ý tưởng đã được thảo luận từ lâu: áp thuế bất động sản nhà ở để ngăn chặn đầu cơ. Chính quyền các thành phố Thượng Hải và Trùng Khánh đã thử nghiệm từ năm 2011 bằng cách đánh thuế đối với căn nhà thứ hai của người dân hoặc với những căn nhà có giá quá cao.
Đến nay, Bắc Kinh chưa đặt ra bất kỳ mục tiêu cụ thể nào, khiến công chúng càng thêm suy đoán về kế hoạch "thịnh vượng chung" và khả năng quốc hữu hóa các công ty tư nhân.
Song, một số nhà đầu tư lưu ý rằng ông Tập vẫn quan tâm và mong muốn hỗ trợ sự phát triển của doanh nghiệp. Vào tháng 6, Bắc Kinh đã chỉ định tỉnh Chiết Giang, quê nhà của Alibaba và ông lớn ngành ô tô Trung Quốc Zhejiang Geely Holding Group, làm hình mẫu để thử nghiệm các sáng kiến thịnh vượng chung.
7. Giới tỷ phú phản ứng ra sao?
Các tỷ phú Trung Quốc đang mở "hầu bao" sau khi ông Tập ra lời kêu gọi các nhóm thu nhập cao cũng như doanh nghiệp phải chia sẻ nhiều hơn với xã hội.
Trong 8 tháng đầu năm nay, 7 tỷ phú Trung Quốc đã trao tổng cộng 5 tỷ USD để làm từ thiện, con số này vượt qua tổng giá trị quyên góp trên toàn quốc trong năm ngoái. Trong vài tháng tới, lĩnh vực tư nhân sẽ còn đóng góp thêm.
Ngoài ra, hãng ô tô Geely cho biết họ có kế hoạch giúp nhân viên làm giàu bằng cách trao tặng cổ phiếu của công ty. Tencent Holdings đã cam kết dành khoảng 15 tỷ USD cho các chương trình trách nhiệm xã hội, còn Alibaba hứa hẹn chi 15,5 tỷ USD. Sàn thương mại điện tử Pinduoduo dự kiến dành 1,5 tỷ USD lợi nhuận trong tương lai cho các dự án nông nghiệp.