|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Nối gót Ngô Diệc Phàm, sếp Alibaba cũng bị cáo buộc xâm hại tình dục: Khi văn hoá 'chén rượu là đầu câu chuyện' lên ngôi tại nhiều doanh nghiệp

07:43 | 17/08/2021
Chia sẻ
Vụ bê bối xâm hại tình dục tại ông lớn thương mại điện tử Alibaba và trước đó là hàng loạt cáo buộc liên quan tới nam ca sĩ Ngô Diệc Phàm đã làm lộ ra một vấn nạn lớn trong môi trường công sở Trung Quốc: văn hóa uống rượu.

Đầu tuần trước, một nữ nhân viên của gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Alibaba, đã đăng bài trên mạng xã hội và cho biết cô bị một nam quản lý ép uống rượu trong bữa tiệc của công ty vào ngày 27/7. Sau đó, cô bị đối tác quấy rối và cuối cùng, bị sếp xâm hại tình dục.

Tuy đã báo cáo vụ việc với các quản lý cấp cao vào ngày 2/8, cô cho biết không có ai hành động gì sau khi nhận được tố cáo, thậm chí cô còn bị cản trở đưa vụ bê bối ra ánh sáng, theo Global Times.

Đến ngày 9/8, CEO Daniel Zhang của Alibaba ra thông báo sa thải người quản lý sau khi anh ta thừa nhận có "hành động thân mật" với nữ nhân viên khi cô say rượu. Ngoài ra, hai quản lý cấp cao khác phải từ chức và giám đốc nhân sự của Alibaba bị khiển trách vì không kịp thời phản hồi tố cáo của cô.

Song, vụ việc vẫn đang gây rúng động và thổi bùng phong trào #MeToo tại Trung Quốc, đặc biệt là sau hàng loạt cáo buộc chống lại nam ca sĩ Ngô Diệc Phàm (Kris Wu) hồi cuối tháng 7.

Trong thông báo, CEO Daniel Zhang còn cật lực lên án "văn hóa ép uống rượu xấu xí" của ông lớn thương mại điện tử Alibaba.

Cùng với các cáo buộc Ngô Diệc Phàm dùng rượu chuốc say người hâm mộ để thực hiện hành vi đồi bại, công chúng Trung Quốc đang đặt câu hỏi về văn hóa uống rượu ở cả môi trường công sở và xã hội ở nước này.

Từ bê bối xâm hại tình dục của Alibaba đến văn hóa doanh nghiệp Trung Quốc: Khi chén rượu làm đầu câu chuyện - Ảnh 1.

Nam ca sĩ tai tiếng Ngô Diệc Phàm cũng là một nhân tố khiến công chúng Trung Quốc đặt câu hỏi về văn hóa uống rượu. (Ảnh: Getty Images).

Làm việc hết sức, uống rượu hết mình

Theo SCMP, vụ án hiếp dâm tại Alibaba đã gây chú ý trực tiếp đến cách người dân Trung Quốc coi việc uống rượu như một hình thức gắn kết, giao lưu xã hội.

Chuyên gia pháp lý Jason Li (Thượng Hải) cho biết uống rượu đã trở thành một thói quen thường trực trong môi trường công sở ở đất nước tỷ dân, như một phần của văn hóa làm việc "996": làm sức, chơi hết mình.

"Tôi cũng uống vài lần mỗi tháng, chủ yếu là vì công việc", ông Li chia sẻ. "Đó là cách làm ăn của chúng tôi, nó giúp tôi giải quyết các vấn đề vướng mắc trong công việc", ông Li tiếp tục.

"Uống rượu giúp mọi người xích lại gần nhau hơn. Mọi người thường bộc bạch tấm lòng khi uống rượu, và tôi còn có thể đoán ra tính cách thật của một người", chuyên gia Li nói thêm.

"Vì vậy, tôi cho rằng một người lao động có uống rượu hay không phần lớn liên quan đến môi trường làm việc của anh ta. Khi còn là một công chức nhà nước cách đây 10 năm, tôi và các đồng nghiệp thậm chí còn uống nhiều hơn bây giờ", ông Li kể lại.

Từ bê bối xâm hại tình dục của Alibaba đến văn hóa doanh nghiệp Trung Quốc: Khi chén rượu làm đầu câu chuyện - Ảnh 2.

Người dân thưởng thức bia tại Lễ hội Bia Quốc tế tại Thanh Đảo. (Ảnh: Getty Images).

Zhu Zimei, nhân viên bán hàng 26 tuổi tại một công ty IT ở Bắc Kinh, đồng ý rằng môi trường công sở thường khuyến khích người lao động uống rượu.

"Tôi thường uống trong những dịp xã giao khi đi chơi với bạn bè, nhưng thỉnh thoảng vẫn phải đi với đồng nghiệp vì lý do công việc. Trong khi đó, tôi hiếm khi uống cùng gia đình và chưa bao giờ đi một mình", Zhu cho hay.

Các xu hướng đáng lo

Một nghiên cứu được công bố vào năm 2019 và đăng tải trên tạp chí y khoa The Lancet cho thấy, mức tiêu thụ rượu của Trung Quốc đã tăng gần 70% trong giai đoạn 1990 - 2017.

Theo một nghiên cứu chuyên sâu hơn về Gánh nặng Bệnh tật Toàn cầu liên quan đến rượu năm 2018, Trung Quốc đứng đầu thế giới về số ca tử vong có liên quan tới chất có cồn. Cụ thể, giai đoạn 1990 - 2016, nước này báo cáo 59.000 ca tử vong do rượu ở nữ giới và 650.000 ca ở nam giới.

Giáo sư Xu Gelin từ Trường Y (trực thuộc Đại học Nam Kinh), người cũng đóng góp vào nghiên cứu trên, cho biết sự tăng trưởng thần tốc của nền kinh tế Trung Quốc trong 40 năm qua là động lực chính làm thay đổi hành vi xã hội xoay quanh việc uống rượu.

"Yếu tố hàng đầu đằng sau mức tiêu thụ rượu bia ở Trung Quốc chính là tăng trưởng kinh tế. Trong quá khứ, khi nền kinh tế èo uột, người dân không sử dụng thức uống có cồn nhiều. Số liệu tăng lên khi kinh tế đất nước thăng hoa", ông Xu nhấn mạnh.

"Sau nhiều năm kinh tế phát triển mạnh mẽ, năng lực mua hàng của người tiêu dùng Trung Quốc ngày nay là rất lớn", giáo sư Xu tiếp tục.

"Trong số các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng do rượu gây ra mà chúng tôi thấy là tổn thương tuyến tụy, gan, thận, bạo lực và tai nạn giao thông", vị giáo sư thông tin.

Năm ngoái, các nhà khoa học đã thực hiện một nghiên cứu khác về rối loạn chất gây nghiện, cụ thể là về mức tiêu thụ rượu ở Trung Quốc trước và trong đại dịch COVID-19. Kết quả là, tổng lượng rượu tiêu thụ giảm nhẹ trong thời COVID-19, song các hành vi rủi ro như uống say bí tỉ lại tăng lên, đặc biệt là ở nam giới.

Từ bê bối xâm hại tình dục của Alibaba đến văn hóa doanh nghiệp Trung Quốc: Khi chén rượu làm đầu câu chuyện - Ảnh 3.

Một nhóm thanh niên say bí tỉ sau một trận nhậu ở thành phốTây An, tỉnh Thiểm Tây. (Ảnh: AFP).

Tuy nhiên, mặc dù các chuyên gia y tế ngày càng cảnh báo về tác hại do uống rượu, việc tiêu thụ rượu vẫn tiếp tục gia tăng, nhà nghiên cứu Ye Pengpeng tại Trung tâm Phòng Ngừa và Kiểm soát bệnh mãn tính và không lây nhiễm Trung Quốc cho hay.

"Hàng năm, chúng tôi sẽ triển khai khảo sát về chế độ dinh dưỡng và các bệnh mãn tính của cư dân Trung Quốc. Khảo sát thăm dò 160.000 người từ 18 tuổi trở lên ở hơn 3.000 quận, huyện trên toàn quốc. Qua đó, chúng tôi nhận thấy cả lượng rượu tiêu thụ trung bình và các hành vi nguy hiểm liên quan đều tăng trong những năm gần đây", ông Ye nói.

Giáo sư Xu từ Đại học Nam Kinh cho biết, còn có một yếu tố khác đang thúc đẩy người trẻ uống rượu, chính là ảnh hưởng của các chương trình truyền hình và tác phẩm văn học.

"Nhiều người trẻ tuổi tin rằng hút thuốc, uống rượu là dấu hiệu của sự trưởng thành. Một bộ phận lớn thanh niên ngày nay uống rượu vì muốn noi gương người khác", ông Xu chia sẻ.

"Sự đi lên của các dịch vụ phát trực tuyến cũng ảnh hưởng đến cách mọi người nhìn nhận về việc uống rượu. Một số người cố gắng thu hút công chúng bằng cách tiêu thụ lượng lớn đồ uống có cồn", giáo sư Xu nói thêm.

Một trường hợp cực đoan xảy ra vào năm 2019, một thanh niên đến từ đông bắc Trung Quốc muốn trở thành người nổi tiếng trên mạng đã tử vong sau khi quay phim cảnh mình uống rượu và những món khác hàng ngày trong ba tháng.

Khả Nhân