|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

JD.com thắng Alibaba trong vụ kiện độc quyền

11:10 | 31/12/2023
Chia sẻ
Tòa án Nhân dân Tối cao Bắc Kinh hôm 29/12 phán quyết Alibaba lạm dụng vị thế thống trị thị trường bằng cách sử dụng chiến thuật "chọn một trong hai". Đối thủ JD.com cáo buộc rằng các hành vi độc quyền của Alibaba đã cản trở sự cạnh tranh trong thị trường thương mại điện tử Trung Quốc và xâm phạm quyền lợi của các nhà bán hàng và người tiêu dùng.

Gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc - JD.com tuyên bố họ đã thắng vụ kiện chống độc quyền trước đối thủ chính, Alibaba Group Holding. Tòa án Bắc Kinh đã ra phán quyết buộc Alibaba phải bồi thường một tỷ nhân dân tệ (khoảng 141 triệu USD), theo South China Morning Post.

Hôm 29/12, Tòa án Nhân dân Tối cao Bắc Kinh đưa ra phán quyết Alibaba lạm dụng vị thế thống trị thị trường"và sử dụng chiến thuật độc quyền được gọi là "chọn một trong hai", gây thiệt hại cho hoạt động kinh doanh của JD.com.

"JD.com hoan nghênh phán quyết của tòa án, khẳng định rằng các hành vi độc quyền như "chọn một trong hai" đã cản trở sự cạnh tranh thị trường và xâm phạm quyền lợi của các thương hiệu, nhà bán hàng và người tiêu dùng", phía JD.com cho biết.

 Alibaba và JD.com là hai gã khổng lồ của ngành Thương mại điện tử Trung Quốc. (Ảnh: Retail Gazette).

Chiến thuật "chọn một trong hai" (pick one from two) là một phương pháp mà các công ty thương mại điện tử lớn như Alibaba sử dụng để buộc các nhà bán hàng trực tuyến phải độc quyền mở gian hàng và tham gia các chương trình khuyến mãi trên nền tảng của họ.

Chiến thuật này có thể gây hại cho cạnh tranh và người tiêu dùng. Đối với các nhà bán hàng, việc bị buộc phải độc quyền mở cửa hàng trên một nền tảng có thể hạn chế khả năng tiếp cận khách hàng của họ và làm giảm cạnh tranh giữa các nền tảng thương mại điện tử. Đối với người tiêu dùng, việc có ít lựa chọn hơn có thể dẫn đến giá cả cao hơn và dịch vụ kém hơn.

Chính sách "chọn một trong hai" dường như là một luật ngầm tồn tại nhiều năm trên thị trường thương mại điện tử Trung Quốc cho tới khi một cuộc điều tra chống độc quyền đối với Alibaba diễn ra vào tháng 12/2020.

Phát ngôn viên của Alibaba cho biết công ty đã nhận được thông báo về phán quyết và tôn trọng phán quyết của tòa án.

Kết quả của vụ kiện này diễn ra trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa JD.com và Alibaba trên thị trường thương mại điện tử Trung Quốc - nơi mà cả hai phải đối mặt với những thách thức từ các đối thủ đang lên như nhà bán lẻ trực tuyến giá rẻ Pinduoduo do PDD Holdings vận hành và nền tảng mua sắm livestream Douyin, thuộc sở hữu của ByteDance.

JD.com, công ty thương mại điện tử lớn thứ hai của Trung Quốc, đã đệ đơn kiện vào năm 2017, khoảng hai năm sau khi họ chính thức nộp đơn khiếu nại lên Cục Quản lý Công nghiệp và Thương mại Nhà nước Trung Quốc cáo buộc Alibaba cạnh tranh không lành mạnh và yêu cầu điều tra.

Năm 2021, cuộc điều tra của Cục Quản lý Điều tiết Thị trường (SAMR) về các hoạt động của Alibaba đã kết thúc. Kết quả là Alibaba bị phạt kỷ lục 18,2 tỷ nhân dân tệ và bị yêu cầu khắc phục hành vi sai trái.

Vào thời điểm đó, SAMR cho biết Alibaba đã "lạm dụng vị thế thống trị thị trường trong mảng dịch vụ nền tảng bán lẻ trực tuyến của Trung Quốc kể từ năm 2015" bằng cách buộc các nhà bán hàng trực tuyến phải độc quyền mở gian hàng và tham gia các chương trình khuyến mãi trên các nền tảng mua sắm trong nước của Alibaba.

Đầu tuần này, cả JD.com và nền tảng Taobao của Alibaba đã triển khai chính sách hoàn tiền không cần trả hàng, cho phép người tiêu dùng giữ lại hàng hóa đã mua rồi đưa ra khiếu nại sau. Đây là chính sách mà Pinduoduo đã áp dụng từ năm 2021.

JD.com thông báo hồi giữa tuần trước rằng họ sẽ tăng gần gấp đôi mức lương cho nhân viên tuyến đầu, bao gồm cả nhân viên mua sắm và bán hàng, từ ngày 1/1/2024. Nhân viên tại bộ phận bán lẻ của họ sẽ được tăng lương trung bình 20% trở lên vào đầu năm tới.

Thuỳ Trang

Vì sao Mỹ chật vật với lạm phát hơn châu Âu?
Lạm phát có thể đã giảm mạnh từ các mức cao nhất hàng chục năm qua ở cả hai bờ Đại Tây Dương, nhưng tiến triển ở Mỹ đã chững lại, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện được dự đoán sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất chậm hơn nhiều so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).