Ông Tập thử nghiệm chính sách 'thịnh vượng chung' tại quê nhà của Alibaba và các siêu tỷ phú
Để hiểu được Chủ tịch Tập Cận Bình hình dung như thế nào về "thịnh vượng chung", chúng ta nên theo dõi chương trình thí điểm đang được thi hành tại Chiết Giang. Tỉnh giàu có này là nơi sinh sống của 65 triệu người và là quê nhà của một số công ty lớn nhất Trung Quốc.
Chiến dịch phân bổ của cải của ông Tập đã gây ra làn sóng chấn động khắp nền kinh tế, châm ngòi cho các đợt bán tháo trên thị trường chứng khoán. Không ít người đồn đoán Trung Quốc sẽ đảo ngược những cải cách đã nâng cao thu nhập quốc gia và tạo ra tầng lớp tỷ phú quyền lực.
Trên thực tế, đã có những bằng chứng cho thấy Bắc Kinh định đi xa đến đâu. Vào tháng 6, chính phủ chỉ định Chiết Giang - tỉnh giàu thứ ba của Trung Quốc - thí điểm các chính sách được thiết kế để giảm bất bình đẳng.
Ông Kevin Chen, Giám đốc Trung tâm Phát triển Nông nghiệp và Nông thôn ở Bắc Kinh cho biết: "Lý do Chiết Giang được chọn cho chương trình thí điểm có lẽ là vì tỉnh này có nền kinh tế thị trường rất mạnh".
Chiết Giang là nơi đặt trụ sở chính của hai tập đoàn hàng đầu Trung Quốc là gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba và nhà sản xuất ô tô Zhejiang Geely. 4 trong số 10 người giàu nhất Trung Quốc đặt trụ sở kinh doanh tại thủ phủ Hàng Châu. Khu vực tư nhân đóng góp 66% GDP của Chiết Giang, cao hơn 6 điểm % so với toàn quốc, Bloomberg cho biết.
Dưới đây là 6 yếu tố trong kế hoạch Chiết Giang có thể nhanh chóng được áp dụng sang các tỉnh thành khác:
Mục tiêu khiêm tốn
Khoảng cách lớn nhất về mức sống ở Trung Quốc là giữa các thành phố nhộn nhịp và vùng nông nghiệp lạc hậu. Tính trên toàn quốc, dân thành phố kiếm được gần gấp ba lần dân nông thôn.
Chiết Giang là một tỉnh tương đối bình đẳng. Cuối năm 2020, cư dân thành thị trung bình kiếm được gấp đôi so với người dân nông thôn. Kế hoạch mới kêu gọi giảm chênh lệch xuống còn gấp 1,9 lần trong 5 năm. Chiết Giang đã vượt chỉ tiêu, với hệ số thu nhập thành thị/nông thôn hiện tại là 1,8 lần.
Mục tiêu của chính phủ cũng bao gồm giảm bất bình đẳng giữa các thành phố và tăng tỷ lệ đóng góp của lương bổng người lao động cho GDP lên hơn 50%. Ông Zeng Gang, Giáo sư nghiên cứu đô thị tham gia quá trình lập kế hoạch cho biết các mục tiêu chủ yếu được đưa ra dựa trên xu hướng hiện tại, do đó "việc hoàn thành chúng chẳng khó khăn gì".
Tăng trưởng nhanh chóng
Ông Yuan Jiaju, quan chức cao cấp nhất của Chiết Giang, mô tả tăng trưởng kinh tế là "nền tảng" của thịnh vượng chung, giúp dễ dàng giảm bất bình đẳng mà không gây ra xung đột. Dự kiến tốc độ tăng trưởng kép hàng năm của thu nhập bình quân trên địa bàn tỉnh Chiết Giang là 7,4% trong 4 năm tới.
Để đạt được mục tiêu này, kế hoạch đẩy mạnh mô hình đô thị hóa và nâng cấp ngành sản xuất thành các lĩnh vực công nghệ cao hơn. Chiết Giang nhắm đến mức độ đô thị hóa 75% vào năm 2025, tăng nhẹ so với mức 72% năm 2020, nhờ đầu tư nhà nước vào cơ sở hạ tầng.
Thị trường nhà đất yên ắng
Giá nhà đất tăng cao là một trong những nguyên nhân gây bất bình ở Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc không muốn thấy nhà đắt hơn nữa.
Giáo sư Zeng nói: "Chính phủ trung ương muốn Chiết Giang khám phá và xây dựng một hệ thống có thể kiềm chế giá nhà ở một cách hiệu quả, để chính phủ không phải phụ thuộc vào việc bán đất và khu vực bất động sản nữa".
Phát triển nông thôn
Các công ty sản xuất ở nông thôn – trong lĩnh vực đồ điện tử, dệt may và nội thất - là động lực tăng trưởng chính của Chiết Giang trong những năm 1980. Nhưng nhiều công ty đã chuyển từ nông thôn ra thành phố vào những năm 1990, khiến khoảng cách giữa thành thị và nông thôn nới rộng thêm.
Trong thập kỷ qua, ngành du lịch và nông nghiệp phát triển đã phục vụ cho các cư dân thành thị giàu có. Kế hoạch Chiết Giang kêu gọi hỗ trợ các công ty dịch vụ nông thôn hiện có cũng như sự trở về của doanh nghiệp sản xuất.
Truyền hình nhà nước đã mô tả nhà máy thủy tinh do Schott AG của Đức xây dựng ở miền nam Chiết Giang là loại dự án mà nước này muốn có thêm.
Tăng cường giáo dục
Chiết Giang sẽ chi tiêu nhiều hơn cho y tế và giáo dục để củng cố lực lượng lao động. Tỉnh muốn giảm chi phí nhà trẻ và 70% sinh viên độ tuổi lao động được theo đuổi giáo dục bậc cao trước năm 2026. Tỷ lệ trung bình hiện nay của Chiết Giang là 62%, cao hơn các nước giàu có trong OECD là 58%.
Quan chức Trung Quốc nói rằng với lao động mạnh khỏe, có trình độ thì không cần đến phúc lợi nhà nước. Tuần trước, ông Han Wenxiu, quan chức cấp cao trong ủy ban kinh tế hàng đầu của đất nước nói rằng Trung Quốc không thể "mớm ăn cho những kẻ lười biếng", và so sánh "chủ nghĩa phúc lợi xã hội" với "cái bẫy".
Từ thiện
Kế hoạch cũng kêu gọi tầng lớp doanh nhân giàu có đóng góp nhiều hơn cho xã hội. Theo Bloomberg, Chiết Giang là quê nhà của ít nhất 10 tỷ phú, với tổng tài sản ròng 236 tỷ USD.
Những người giàu nhất tỉnh đã nhanh chóng trao tặng các món quà lớn. Tổ chức được thành lập bởi ông Colin Huang, nhà sáng lập sàn thương mại Pinduoduo đã cam kết tài trợ 100 triệu USD cho Đại học Chiết Giang.
Ông Tập đã nói rằng các công ty và cá nhân sẽ được thúc đẩy bởi áp lực xã hội và nghĩa vụ đạo đức. Bắc Kinh cũng có khả năng thuyết phục đáng nể.
Hơn 20% công ty đại chúng của Trung Quốc đã quyên góp cho các nỗ lực xóa nghèo kể từ khi bắt đầu chiến dịch vào năm 2016, theo một nghiên cứu được công bố vào năm 2020. Các công ty có xu hướng đóng góp khi ngành của họ đang đối mặt với nguy cơ bị điều tra chống tham nhũng.