|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Liên hoàn chính sách của Trung Quốc đang phá hoại nền kinh tế

11:45 | 26/08/2021
Chia sẻ
Chiến dịch của Trung Quốc nhằm kiểm soát nhiều lĩnh vực từ thép đến giáo dục và bất động sản đang làm chao đảo thị trường tài chính và hạn chế triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Bắc Kinh đã phát tín hiệu sẽ tăng cường giám sát doanh nghiệp trong những năm tới. Tuy nhiên, các nhà kinh tế cảnh báo rằng giới chức trách cần phải thận trọng về tốc độ và cường độ để tránh gây tổn hại cho nền kinh tế vốn đang suy yếu nhanh hơn dự đoán vì đợt bùng phát mới của đại dịch COVID-19.

Mặc dù rất khó để xác định tác động trực tiếp của các quy định mới đối với tăng trưởng, Bloomberg đã ước tính một vài ảnh hưởng từ chính sách nghiêm khắc của Bắc Kinh.

Giảm phát thải carbon

Trung Quốc đã đặt ra một mục tiêu đầy tham vọng là trung hòa carbon vào năm 2060, dù nước này thậm chí còn chưa đạt đỉnh phát thải khí nhà kính.

Trong lộ trình đầu tiên để đưa mức phát thải ròng về 0, Bắc Kinh đã cam kết sẽ tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo và phát triển các công nghệ mới để thu giữ lượng khí thải, cũng như giảm lượng khí thải trên một đơn vị GDP.

Hiện tại, ngành công nghiệp thép tạo ra hơn 15% tổng lượng khí thải nhà kính của đất nước tỷ dân. Vì lẽ đó, chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình đã hứa hẹn sẽ giảm sản lượng thép trong nước.

Kết quả là, tháng 7 vừa qua, sản lượng thép của Trung Quốc đã chạm đáy 15 tháng. Sản lượng than cũng giảm xuống mức thấp nhất trong ít nhất 4 tháng.

Liên hoàn chính sách của Trung Quốc đang phá hoại nền kinh tế - Ảnh 2.

Bloomberg dẫn lời các nhà kinh tế lưu ý, chính sách giảm phát thải quá mạnh tay có thể kìm hãm tốc độ tăng trưởng kinh tế nếu nhu cầu thép vượt quá khả năng cung ứng.

Ông Ding Shuang, nhà kinh tế trưởng tại Standard Chartered (Hong Kong), cho hay: "Một số tỉnh tuân thủ nghiêm ngặt đường lối của Bắc Kinh khi cắt giảm lượng khí thải carbon và không có chút linh hoạt nào. Điều này có thể làm tổn hại đến hoạt động kinh tế".

"Tăng trưởng kinh tế là mục tiêu ngắn hạn, trong khi giảm sản lượng thép là mục tiêu dài hạn. Nếu phát sinh xung đột, các nhà hoạch định chính sách nên ưu tiên tăng trưởng kinh tế và việc làm", ông Ding Shuang tiếp tục.

Kiềm chế bất động sản

Chính phủ Trung Quốc đã và đang siết chặt các hạn chế đối với thị trường bất động sản trong nước với những biện pháp như tăng lãi suất vay thế chấp, tạm dừng đấu giá đất ở một số thành phố lớn và cấm các quỹ đầu tư tư nhân huy động tiền để đầu tư phát triển khu dân cư.

Các nhà hoạch định chính sách nhiều lần nhấn mạnh, "nhà được xây để ở, không phải để đầu cơ". Hơn nữa, họ còn tiếp tục kêu gọi ổn định thị trường nhà ở tại cuộc họp của Bộ Chính trị hồi tháng 7 năm nay.

Dữ liệu từ China Real Estate Information cho thấy, các quy định của Bắc Kinh đã ảnh hưởng đến doanh số bán nhà. Trong đó, doanh số tại các đô thị loại một đã giảm hai tháng liên tiếp.

Chuyên gia phân tích Rosealea Yao tại hãng tư vấn Gavekal đã hạ dự báo về số lượng dự án khởi công mới trong năm nay. Thay vì ước tính tăng trưởng 3% trước đó, bà Yao đưa ra dự đoán giảm 4%.

Liên hoàn chính sách của Trung Quốc đang phá hoại nền kinh tế - Ảnh 4.

Nomura Holdings dự báo, các chính sách kìm kẹp ngành bất động sản của Bắc Kinh gây ra hơn một nửa mức giảm của tốc độ tăng trưởng GDP từ 12,7% trong nửa đầu năm xuống còn 4,7% trong nửa cuối năm.

Ngoài làm giảm doanh số bán nhà và đầu tư, các hạn chế đối với thị trường bất động sản còn gây hại cho hoạt động sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng, nội thất và thiết bị gia dụng, cũng như tác động đến các dịch vụ tài chính thế chấp.

Ông Lu Ting, kinh tế trưởng tại Nomura, cho biết: "Thị trường đã phần nào đánh giá thấp áp lực suy yếu đối với ngành bất động sản. Tăng trưởng đầu tư và xây dựng trong 6 tháng đến một năm tới có thể chậm lại hoặc thậm chí thu hẹp. Điều này sẽ tác động tương đối lớn đến lợi nhuận của các ngành liên quan và chính quyền địa phương".

Cải tổ lĩnh vực edu-tech

Trung Quốc đã triển khai một cuộc cải cách sâu rộng trong lĩnh vực công nghệ giáo dục (edu-tech) trị giá 100 tỷ USD. Các công ty dạy thêm bị cấm thu lợi nhuận, huy động vốn hoặc niêm yết cổ phiếu.

Các động thái trên có liên quan đến mục tiêu xã hội cơ bản của Bắc Kinh là giảm bất bình đẳng và hạ chi phí giáo dục để khuyến khích các gia đình có thêm con, bất chấp thực tế là trong ngắn hạn, thị trường vốn và lao động sẽ chịu thiệt hại.

Giới chuyên gia kinh tế cho rằng tác động của cuộc cải cách đến việc làm và tiêu dùng có thể chỉ là tạm thời, vì sự sụt giảm trong chi tiêu tại các công ty edu-tech có thể được bù đắp bằng mức tăng ở một khu vực khác.

"Sau khi việc làm tại các công ty dạy thêm sụt giảm, sẽ có thêm nhiều việc làm mới tại các trường công lập", ông Zhou Hao, nhà kinh tế cấp cao tại Commerzbank (Singapore), dự đoán. Các quy định như vậy sẽ gây ra điều chỉnh cơ cấu trong ngắn hạn nhưng không thể tác động đến tổng cầu, ông Zhou nhấn mạnh.

Hoạt động đi vay chững lại

Trong năm nay, các chính quyền địa phương không bán trái phiếu đặc biệt mạnh như trước, một phần là do thiếu các dự án tốt và quy trình đánh giá dự án nghiêm ngặt hơn. Tốc độ đi vay chậm cho thấy nền kinh tế chung sẽ nhận được ít xung lực từ hoạt động đầu tư hạ tầng hơn so với dự đoán ban đầu.

Liên hoàn chính sách của Trung Quốc đang phá hoại nền kinh tế - Ảnh 5.

Dữ liệu từ công ty phân tích chứng khoán Huachuang Securities cho thấy, đầu tư hạ tầng trong tháng 7 năm nay đã giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức yếu nhất kể từ khi đại dịch bùng phát vào tháng 2/2020.

Nhà kinh tế trưởng Iris Pang của tập đoàn ING Groep (Hà Lan) cho biết, sự sụt giảm trong chi tiêu hạ tầng sẽ khiến tăng trưởng GDP giảm khoảng 0,5 điểm % trong cả năm 2021.

Yên Khê