|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Fed hứng chỉ trích tại Trung Quốc

10:07 | 25/08/2021
Chia sẻ
Phản ứng chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang bị các đồng nghiệp ở Trung Quốc chỉ trích vì có thể gây tổn hại cho nền kinh tế tỷ dân.

Nguồn cơn của làn sóng chỉ trích

Chính phủ Trung Quốc đã cam kết sẽ "tự chủ hơn nữa" trong các chính sách kinh tế vĩ mô. Điều này chứng tỏ Bắc Kinh sẵn sàng tung thêm các biện pháp kích thích để củng cố đà phục hồi đang bị chững lại của nền kinh tế, ngay cả khi Fed bắt đầu giảm mua trái phiếu.

Ở diễn biến khác, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) lại lo ngại rằng các gói kích thích chưa từng có của Washington kể từ khi đại dịch bùng phát sẽ khiến lạm phát tại Mỹ tăng mạnh, khác với góc nhìn lạc quan của Fed.

Fed hứng chỉ trích tại Trung Quốc  - Ảnh 1.

Chính sách mở cửa lĩnh vực tài chính của Bắc Kinh và kết quả kinh tế khả quan của đất nước tỷ dân trong thời kỳ dịch bệnh đã thu hút một dòng vốn quốc tế lớn chưa từng có chảy vào các thị trường tài sản của nước này.

Theo Bloomberg, dòng tiền quốc tế trên lại làm cho chính sách tiền tệ của hai siêu cường kinh tế thế giới càng thêm phụ thuộc lẫn nhau, vì dòng tiền có thể đảo chiều nếu các nhà đầu tư tìm thấy cơ hội tốt hơn ở Mỹ.

Trước đây và gần nhất là năm 2016, Bắc Kinh có thể kìm hãm dòng vốn tháo chạy bằng các sắc lệnh nhằm hạn chế hoặc thậm chí cấm điều này xảy ra. Tuy nhiên, mục đích chủ yếu là giữ dòng tiền ở lại trong nước, chứ không phải để "nhốt" các nhà đầu tư toàn cầu.

Hiện tại, Bắc Kinh đang không muốn đảo ngược chính sách mở cửa thị trường tài chính mà giới chức phải rất vất vả mới hái được quả ngọt, đặc biệt là khi chủ trương này đóng vai trò quan trọng để hiện đại hóa ngành tài chính trị giá 56.000 tỷ USD của Trung Quốc.

Do đó, chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình ít có khả năng đưa ra các biện pháp hạn chế dòng vốn tháo chạy nghiêm khắc như trước. Thế thì, các quan chức sẽ phải vận dụng một công cụ khác nếu mục tiêu tự chủ tiền tệ đồng nghĩa với việc PBOC phải bơm thêm kích thích dù Fed thu hẹp quy mô chương trình thu mua tài sản.

Theo các nhà phân tích, công cụ mà Bloomberg đề cập có thể chính là đồng nội tệ. Chuyên gia kinh tế Larry Hu của Macquarie Group cho biết: "Trung Quốc có thể sử dụng tỷ giá hối đoái để đối phó với áp lực bên ngoài. Nếu đồng USD mạnh lên, đồng nhân dân tệ có thể yếu đi để giảm bớt cú sốc".

Tuy nhiên, làm suy yếu đồng nội tệ rất rủi ro vì điều đó gây thêm áp lực cho các doanh nghiệp Trung Quốc vốn đang oằn mình gánh núi nợ bằng đồng USD và thậm chí có nguy cơ khiến dòng vốn tháo chạy tương tự như năm 2015.

PBOC: Mỹ đứng trước rủi ro lạm phát nghiêm trọng do tăng trưởng cung tiền

Theo báo cáo chính sách tiền tệ hàng quý của PBOC, trong số các nền kinh tế lớn, Mỹ là nước phải đối mặt với rủi ro lạm phát "nghiêm trọng nhất" do sự chênh lệch giữa tăng trưởng cung tiền và GDP kể từ khi đại dịch nổ ra.

Hôm 24/8, Thống đốc PBOC Dịch Cương đã khẳng định ngân hàng trung ương Trung Quốc sẽ nỗ lực giúp tăng trưởng cung tiền và tăng trưởng GDP danh nghĩa song hành cùng nhau.

"Bơm một lượng lớn tiền mặt vào nền kinh tế chắc chắn sẽ dẫn đến lạm phát", báo cáo nhấn mạnh. Hơn nữa, báo cáo còn đề cập thêm rằng tăng trưởng cung tiền quá nhanh sẽ "phá hoại các nguyên tắc tài chính" và chính sách của Fed cùng các ngân hàng trung ương ở châu Âu và Nhật Bản sẽ gây ra những tác dụng phụ tai hại.

"Từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, các nền kinh tế phát triển đã tung ra nhiều gói kích thích tiền tệ và tài khóa lớn. Điều này không chỉ gây thêm áp lực lạm phát mà còn dẫn đến bong bong tài sản. Thị trường tài chính có thể biến dạng và trở nên mong manh hơn", báo cáo có đoạn.

"Nếu các nước lớn tiến hành bình thường hóa chính sách tiền tệ, động thái đó có thể gây ra sự điều chỉnh trên thị trường tài chính, làm tăng áp lực dòng vốn tháo chạy cũng như làm suy yếu đồng tiền ở hầu hết nền kinh tế mới nổi…", các quan chức PBOC nhấn mạnh.

Theo Bloomberg, bản báo cáo của PBOC đang phản ánh quan điểm chung của các nhà kinh tế Trung Quốc, những người dự đoán Fed sẽ siết chặt chính sách tiền tệ nhanh hơn so với các đồng nghiệp tại Mỹ.

"Nếu bong bóng trong nền kinh tế Mỹ vỡ toang sau đại dịch, nền kinh tế thế giới cũng như của Trung Quốc sẽ phải hứng chịu cú sốc khủng khiếp. Chúng ta cần phải ngăn chặn và chuẩn bị cho kịch bản này", ông Liu Yuanhchun  - Phó Hiệu trưởng Đại học Nhân dân Trung Quốc, cảnh báo. Ông Liu là một trong các cố vấn của Chủ tịch Tập vào năm ngoái.

Nhận xét về thái độ chỉ trích Fed của các chuyên gia Trung Quốc, ông Eswar Prasad, cựu quan chức Quỹ Tiền Tệ Quốc tế và hiện đang giảng dạy tại Đại học Cornell, cho hay: "...đây có thể là kết quả của căng thẳng kéo dài và trao đổi có phần hạn chế giữa hai nước".

Trong tuần này, các nhà hoạch định chính sách hàng đầu thế giới sẽ tề tựu về hội nghị chuyên đề thường niên Jackson Hole. Trong nhiều năm trở lại đây, PBOC không cử đại diện tham dự và trên danh sách diễn giả năm nay cũng không giới thiệu bất kỳ quan chức Trung Quốc nào.

Khả Nhân