Mỹ đã rút đi, Trung Quốc có thể để mắt tới trữ lượng đất hiếm khổng lồ ở Afghanistan
Cuối tuần qua, sau khi giành được thủ đô Kabul - thành trì cuối cùng của chính phủ Afghanistan, phiến quân Taliban đã chính thức nắm quyền kiểm soát đất nước Nam Á này.
Bà Shamaila Khan, giám đốc cấp cao tại công ty quản lý tài sản AllianceBerntein, cảnh báo rằng Taliban đang nắm trong tay các nguồn tài nguyên đóng vai trò trọng yếu đối với thế giới, trong đó đáng chú ý nhất là trữ lượng đất hiếm.
Vị chuyên gia gợi ý rằng trong tương lai, cộng đồng quốc tế nên gây áp lực với các nước muốn thiết lập quan hệ đồng minh với Taliban, chẳng hạn như Trung Quốc.
Hàng nghìn tỷ USD đất hiếm tại Afghanistan
Tờ The Diplomat dẫn lời ông Ahmad Shah Katawazai - từng là nhà ngoại giao tại Đại sứ quán Afghanistan ở thủ đô Washington (Mỹ), cho biết vào năm 2020, trữ lượng đất hiếm ở quốc gia Nam Á này ước tính trị giá khoảng 1.000 - 3.000 tỷ USD. Đầu năm nay, hãng tin The Hill đưa ra con số xấp xỉ 3.000 tỷ USD.
Theo ông Katawazai, Afghanistan đang sở hữu nhiều nhóm đất hiếm như lanthanum, cerium, neodymium và các mạch nhôm, vàng, bạc, kẽm, thủy ngân cũng như lithium.
Chia sẻ với CNBC, bà Shamaila Khan đề nghị: "Cộng đồng quốc tế nên triển khai một sáng kiến để đảm bảo rằng bất kỳ nước nào đồng ý khai thác khoáng sản tại Afghanistan thay cho Taliban đều phải tuân thủ các điều kiện nhân đạo nghiêm ngặt...".
Bà Khan nói tiếp: "Vì vậy, các nước nên gây áp lực đối với Trung Quốc nếu chính quyền Bắc Kinh muốn liên minh với Taliban... Tức là, Trung Quốc buộc phải tuân thủ quy định quốc tế".
Theo CNBC, bà Khan đang trả lời câu hỏi về động cơ thương mại đằng sau cái gật đầu của Trung Quốc với Taliban chỉ một ngày sau khi lực lượng phiến quân tiếp quản Afghanistan - quốc gia có trữ lượng đất hiếm rất dồi dào.
Trung Quốc sắp nắm giữ vai trò quan trọng hơn ở Afghanistan?
Chỉ vài giờ sau khi Mỹ rút quân hoàn toàn và Taliban chiếm được Afghanistan, bà Hoa Xuân Oánh - phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, thông báo rằng Bắc Kinh đã sẵn sàng "hợp tác hữu nghị với Afghanistan".
"Trên cơ sở hoàn toàn tôn trọng chủ quyền của Afghanistan và nguyện vọng của tất cả các bên, Trung Quốc đang duy trì liên lạc với lực lượng Taliban ở Afghanistan và đóng một vai trò mang tính xây dựng để tìm hướng giải quyết bất đồng chính trị tại đây", bà Hoa Xuân Oánh phát biểu tại một cuộc họp báo hôm 16/8.
Theo vị phát ngôn viên, Taliban đã "nhiều lần" bày tỏ rằng họ "mong đợi sự tham gia của Trung Quốc vào quá trình tái thiết và phát triển của Afghanistan".
"Chúng tôi sẵn sàng duy trì quan hệ láng giềng tốt đẹp và hợp tác hữu nghị với Afghanistan, cũng như giữ vai trò mang tính xây dựng trong nền hòa bình và quá trình tái thiết của đất nước Nam Á này", bà Hoa nhấn mạnh.
Hồi cuối tháng 7, trước cuộc tấn công mới nhất của Taliban trên khắp Afghanistan, tại Thiên Tân, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã gặp mặt một phái đoàn do ông Mullah Abdul Ghani Baradar - phó thủ lĩnh kiêm đồng sáng lập Taliban dẫn dắt.
Trong những ngày gần đây, truyền thông nhà nước Trung Quốc dường như cũng đang tuyên truyền thông điệp tương tự Bộ Ngoại giao. Hôm 15/8, tờ Global Times trích dẫn lời của các chuyên gia trong nước khẳng định, suy đoán rằng Trung Quốc có thể gửi quân đội đến Afghanistan để lấp đầy khoảng trống do Mỹ để lại là "hoàn toàn vô căn cứ".
Tuy nhiên, Global Times cho biết Trung Quốc có thể "góp sức vào công cuộc tái thiết và phát triển sau chiến tranh của Afghanistan thông qua thúc đẩy các dự án trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường".
Vành đai và Con đường là một sáng kiến đầu tư cơ sở hạ tầng khổng lồ của chính quyền Bắc Kinh nhằm xây dựng đường xá, cầu cảng,... Kế hoạch này trải dài từ Trung Quốc đến Trung Á, châu Phi và châu Âu.
Trung Quốc đang thống trị thị trường đất hiếm
Hiện tại, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang chiếm ưu thế trên thị trường đất hiếm toàn cầu. Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ, khoảng 35% trữ lượng đất hiếm trên Trái đất nằm ở Trung Quốc. Đây cũng là tỷ lệ cao nhất thế giới.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng là một cỗ máy khai khoáng khi sản xuất đến 120.000 tấn, tương đương 70% tổng sản lượng đất hiếm năm 2018. Cùng năm, Mỹ chỉ khai thác được khoảng 15.000 tấn.
Trữ lượng đất hiếm của Mỹ cũng khá èo uột so với Trung Quốc. Mỹ đang nắm giữ tổng cộng 1,4 triệu tấn đất hiếm, chỉ tương đương 3% so với tổng 44 triệu tấn của Trung Quốc.
Trong cuộc chiến thương mại với Mỹ vào năm 2019, Bắc Kinh đã sử dụng đất hiếm như một quân bài mặc cả. Đất hiếm thường được sử dụng trong nhiều thiết bị công nghệ cao, xe hơi, năng lượng tái tạo và thiết bị quốc phòng.
Tính đến năm 2019, Mỹ vẫn phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung đất hiếm của Trung Quốc, khi mà quốc gia châu Á xuất khẩu đến 80% sản lượng sang Mỹ, theo một cuộc khảo sát địa chất của chính phủ Mỹ.