Taliban kiếm đâu ra hàng tỷ USD để nuôi 85.000 tay súng?
Sự trỗi dậy của Taliban
Taliban là một tổ chức Hồi Giáo cực đoan được thành lập vào đầu thập niên 1990 và bắt đầu được biết đến nhiều vào năm 1994.
Sau khi quân đội Liên Xô rút đi vào năm 1989, Afghanistan xảy ra một cuộc nội chiến ác liệt, Taliban là một trong những lực lượng tham gia cuộc chiến này. Đến năm 1996, Taliban thắng thế, chiếm được thủ đô Kabul và nắm quyền kiểm soát Afghanistan.
Taliban tuyên bố Afghanistan là một Tiểu vương quốc Hồi Giáo và bắt đầu áp dụng các quy tắc của Đạo Hồi theo cách diễn giải cực kỳ hà khắc của nhóm phiến quân này. Người dân không được xem phim, không được nghe nhạc, phụ nữ không được đến trường, đàn ông phải để râu đúng kiểu cách, mỗi người phải mặc một loại trang phục theo quy định ...
Sau vụ tấn công 11/9/2001, Mỹ truy lùng gắt gao trùm khủng bố Osama bin Laden và xác định ông ta đang ẩn náu ở Afghanistan với sự trợ giúp của Taliban. Chính quyền Tổng thống Bush khi đó yêu cầu Taliban phải ngay lập tức giao nộp bin Laden nhưng Taliban đòi Mỹ phải đưa ra bằng chứng cho thấy bin Laden đứng sau vụ khủng bố 11/9.
Mỹ lập tức đem quân tiến đánh Afghanistan, lật đổ sự thống trị của Taliban và thành lập một chính quyền lâm thời thân Mỹ. Tuy nhiên, Taliban không bị xóa sổ hoàn toàn mà chỉ phân tán ra thành các nhóm nhỏ. Vài năm sau, Taliban tập hợp lại để đánh trả Mỹ, dẫn tới một cuộc chiến tranh dai dẳng và đẫm máu.
Theo thống kê của Viện Watson thuộc Đại học Brown, trong gần 20 năm giao tranh từ tháng 10/2001 đến tháng 4/2021 tại Afghanistan, đã có tổng cộng khoảng 171.000 – 174.000 người thiệt mạng, trong đó có khoảng 6.300 người Mỹ, 1.144 lính đồng minh của Mỹ, hơn 47.000 dân thường, 66.000 – 69.000 quân đội quốc gia và cảnh sát Afghanistan, khoảng 51.000 tay súng đối lập.
Giao tranh còn lan sang Pakistan làm tổng cộng 67.000 người thiệt mạng, trong đó có 33.000 quân đối lập và 24.000 dân thường.
Mỹ đã đổ rất nhiều tiền của và xương máu vào cuộc chiến chống Taliban nhưng sau 20 năm, tổ chức này vẫn là một lực lượng đáng gờm ở Afghanistan.
Theo tờ Foreign Policy, đến giữa năm nay, Taliban có khoảng 85.000 tay súng và lớn mạnh hơn cả trước khi Mỹ tiến đánh năm 2001. Từ lúc Mỹ chưa rút hoàn toàn khỏi Afghanistan, Taliban đã kiểm soát gần 200 trong tổng số 407 quận ở đất nước này.
Việc quản lý vùng lãnh thổ rộng lớn đó đã mang lại nguồn thu không nhỏ cho Taliban.
Tờ Radio Free Europe/Radio Liberty (RFERL) trích dẫn một báo cáo mật của NATO cho biết Mullah Yaqoob, con trai của nhà lãnh đạo tinh thần Mullah Mohammad Omar đã quá cố của Taliban, đã tiết lộ rằng trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2020, Taliban đã thu về tổng cộng 1,6 tỷ USD.
Để so sánh, trong cùng khoảng thời gian đó, chính phủ Afghanistan thu về 5,55 tỷ USD.
Theo bài viết của nhà phân tích Hanif Sufizada đăng trên tờ The Coversation, nguồn thu chủ yếu của Taliban đến từ thuốc phiện và khai khoáng, ngoài ra còn từ các khoản thuế, viện trợ của nước ngoài, xuất khẩu, ...
1. Thuốc phiện: 416 triệu USD
Theo Báo cáo Ma túy Thế giới 2020 của Liên Hợp Quốc, Afghanistan chiếm khoảng 84% sản lượng thuốc phiện toàn cầu trong 5 năm từ 2016 đến 2020. Đa phần nguồn thu từ ma túy đều chảy vào túi của Taliban do lực lượng này quản lý hoạt động trồng thuốc phiện ở vùng mà họ kiểm soát.
Taliban áp thuế 10% vào mỗi khâu trong quá trình sản xuất ma túy, bắt đầu từ người nông dân trồng cây anh túc, các xưởng sản xuất ma túy và cả những người buôn bán trong nước cũng như xuất khẩu.
2. Khai khoáng: 400 - 464 triệu USD
Hoạt động khai thác đất hiếm, quặng sắt, đá hoa, đồng, vàng, kẽm cùng nhiều kim loại khác tại Afghanistan đang ngày càng trở thành nguồn thu béo bở cho Taliban. Các công ty lớn cũng như nhỏ đều phải trả tiền cho các tay súng Taliban để có thể được hoạt động yên ổn. Những ai không chịu nộp tiền sẽ bị dọa giết.
Theo Ủy ban về Đá và Mỏ của Taliban, tổ chức này thu về khoảng 400 triệu USD/năm từ hoạt động khai thác mỏ. NATO ước tính con số thực tế cao hơn, khoảng 464 triệu USD. Một thành viên của Taliban cho biết Trung Quốc và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) là những nước mua nguyên liệu thô từ Afghanistan nhiều nhất.
3. Đánh thuế: 160 triệu USD
Giống như nhiều chính phủ khác, Taliban cũng đánh thuế người dân và các ngành công nghiệp hoạt động trong vùng lãnh thổ kiểm soát. Nhóm này thậm chí còn phát biên lai thu tiền thuế cho người dân.
Các ngành bị đánh thuế bao gồm khai thác mỏ, truyền thông, viễn thông và các dự án phát triển được quốc tế viện trợ. Người lái xe qua những con đường do Taliban kiểm soát sẽ phải trả phí, chủ các cửa hàng cũng phải nộp tiền mới được làm ăn.
Taliban còn áp một loại thuế truyền thống của Đạo Hồi gọi là "ushr", tức là 10% giá trị thu hoạch của nông dân, và "zakat", tức là thuế 2,5% đánh vào tài sản.
Theo Mullah Yaqoob, doanh thu từ thuế - hay có thể gọi là khoản tiền cưỡng đoạt của người dân - mang về cho Taliban khoảng 160 triệu USD mỗi năm. Do những người bị đánh thuế bao gồm cả nông dân trồng thuốc phiện nên giữa giữa hai nguồn thu có thể có sự chồng lấn.
4. Ủng hộ từ nước ngoài: 240 triệu USD
Taliban nhận được hỗ trợ tài chính ngầm từ các cá nhân và tổ chức lớn ở nhiều nơi trên thế giới.
Nhiều khoản tiền gửi cho Taliban đến từ các quỹ ủy thác tư nhân tại các quốc gia vùng Vịnh Ba Tư, do khu vực này từ lâu đã có nhiều người ủng hộ tư tưởng thánh chiến của Taliban. Theo Trung tâm Nghiên cứu và Chính sách Afghanistan, các khoản hỗ trợ này trị giá khoảng 150 - 200 triệu USD mỗi năm.
Bộ Tài chính Mỹ coi việc chi tiền ủng hộ Taliban là hoạt động tài trợ khủng bố và đưa ra các biện pháp trừng phạt rất mạnh tay.
Một số công dân Arab Saudi, Pakistan, Iran và các quốc gia vùng Vịnh khác cũng đóng góp khoảng 60 triệu USD mỗi năm cho Haqqani Network - một tổ chức thuộc Taliban. Chính phủ các nước đều phủ nhận việc hỗ trợ Taliban.
5. Xuất khẩu: 240 triệu USD
Theo Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Taliban xuất khẩu và nhập khẩu nhiều loại hàng hóa tiêu dùng hàng ngày, một phần mục đích là để rửa các khoản tiền bất hợp pháp. Một trong các tổ chức có liên quan được biết đến là Noorzai Brothers Limited. Công ty này thường nhập khẩu linh kiện ô tô và bán những chiếc xe đã được lắp ráp cũng như các linh kiện thừa.
Theo trang The Conversation, doanh thu ròng từ xuất khẩu của Taliban được ước tính vào khoảng 240 triệu USD mỗi năm. Con số này bao gồm xuất khẩu thuốc phiện và các khoáng sản cướp được nên có thể trùng lặp một phần với các khoản mục nêu ở trên.
6. Bất động sản: 80 triệu USD
Taliban sở hữu một số bất động sản ở Afghanistan, Pakistan và có thể cả các quốc gia khác, theo thông tin từ Mullah Yaqoob và kênh truyền hình SAMAA của Pakistan. Yaqoob tiết lộ với NATO rằng doanh thu bất động sản hàng năm của Taliban vào khoảng 80 triệu USD.
Ngân sách chiến tranh của Mỹ tất nhiên là khủng hơn Taliban rất nhiều lần. Theo thống kê của Viện Watson, từ 2001 đến nay, Mỹ đã phải chi khoảng 2.260 tỷ USD cho cuộc chiến ở Afghanistan, bao gồm gần 1.400 tỷ USD cho ngân sách của Bộ Quốc phòng, 530 tỷ USD chi phí lãi vay, 296 tỷ USD chăm sóc y tế cho binh sĩ và cựu chiến binh.
Kể cả sau khi đã rút hết quân, Mỹ vẫn sẽ phải trả tiền lãi vay và các khoản phúc lợi cho cựu chiến binh.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/