Mỹ đốt hơn 2.200 tỷ USD vào Afghanistan, Taliban vẫn đang lớn mạnh hơn bao giờ hết
Cuộc chiến nghìn tỷ USD ở Afghanistan
Có rất nhiều thước đo về thiệt hại của chiến tranh tại Afghanistan – cuộc chiến dài nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Về con người, trong 20 năm từ 2001 đến nay, đã có khoảng 47.000 dân thường Afghanistan, 69.000 cảnh sát và quân đội bản địa cùng khoảng 6.300 binh sĩ và viên chức Mỹ thiệt mạng vì chiến tranh ở đất nước Nam Á này.
Taliban vẫn là phe chiến thắng cuối cùng sau khi tiến vào thủ đô và kiểm soát chính phủ Afghanistan ngày 15/8. Hàng nghìn người dân đổ về sân bay Kabul với hy vọng mong manh rằng sẽ ra được nước ngoài, tránh phải sống trong chế độ hà khắc của Taliban.
Kết cục buồn của cuộc chiến xảy đến bất chấp việc Mỹ đốt cả núi tiền vào Afghanistan trong 20 năm qua.
Theo thống kê của Viện Watson thuộc Đại học Brown, từ tháng 10/2001 đến tháng 4/2021, Mỹ đã chi 2.260 tỷ USD cho cuộc chiến chống khủng bố ở đất nước Nam Á này.
Trong đó, ngân sách của Bộ Quốc phòng lên tới gần 1.400 tỷ USD, tiền trả lãi vay là 530 tỷ USD và chi cho các cựu chiến binh trở về từ Afghanistan là 296 tỷ USD.
Mỹ đã rút hết quân và Taliban đã chiếm được Kabul, nhưng gánh nặng tài chính với nước Mỹ vẫn còn đó. Trong những năm tới, chính quyền Washington sẽ tiếp tục phải trả tiền lãi cho các khoản vay trước đây để tài trợ cho chiến tranh, phúc lợi của các cựu chiến binh, …
"Có thể cho tiền nhưng không thể cho ý chí chiến đấu"
Không phải tất cả tiền bạc đều được đổ vào súng đạn của lính Mỹ. Từ 2001 đến nay, Mỹ đã chi hơn 144 tỷ USD cho quá trình tái thiết Afghanistan. Đa phần tiền chảy vào các nhà thầu tư nhân và tổ chức phi chính phủ để thực hiện các dự án như phát triển lực lượng an ninh Afghanistan, chống buôn bán ma túy, phát triển kinh tế và xã hội, …
Theo hãng tin Aljazeera, thất bại lớn nhất của Mỹ trong lĩnh vực này là việc chi 88,3 tỷ USD để huấn luyện và trang bị vũ khí cho quân đội bản địa từ tháng 5/2002 đến tháng 3/2021. Khi lính Mỹ về nước và mất đi yểm trợ của không quân, lực lượng Afghanistan không hề kháng cự các đợt tấn công của Taliban và nhanh chóng buông súng đầu hàng.
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 16/8 đã bày tỏ sự bất lực trước thất bại nhanh chóng của quân chính phủ Afghanistan sau khi lính Mỹ rời đi:
"Binh sĩ Mỹ không thể và không nên tham chiến rồi đổ máu nếu như chính các lực lượng Afghanistan còn không muốn chiến đấu vì đất nước mình. Chúng ta chi hàng nghìn tỷ USD. Chúng ta đã huấn luyện và trang bị vũ khí tận răng cho 300.000 lính Afghanistan - một đội quân còn lớn hơn cả nhiều đồng minh NATO của Mỹ.
Chúng ta đã cho Afghanistan tất cả những thứ họ cần. Chúng ta trả lương, bảo dưỡng máy bay cho họ. Phiến quân Taliban chẳng hề có không quân. Mỹ cung cấp yểm trợ hỏa lực trên không cho Afghanistan. Chúng ta cho họ mọi cơ hội để tự quyết định tương lai của mình nhưng không thể cho họ ý chí chiến đấu".
Taliban ngày nay lớn mạnh hơn nhiều so với 20 năm trước khi Mỹ chuẩn bị đem quân đến Afghanistan. Sau khi Mỹ rời đi, lực lượng Hồi Giáo cực đoan này còn tiếp quản lượng trang thiết bị quân sự, vũ khí trị giá hàng tỷ USD mà Mỹ sắm cho quân đội chính phủ Afghanistan.
Một phần nguyên nhân thất bại là các yếu tố lịch sử và văn hóa đặc thù của Afghanistan. Tuy nhiên, sự thiếu giám sát và đánh giá sai lầm từ phía Mỹ cũng phải chịu một phần trách nhiệm.
Năm 2017, một báo cáo của Quốc hội Mỹ về nỗ lực huấn luyện quân đội Afghanistan cho thấy thời gian biểu "bị giới hạn bởi yếu tố chính trị của Mỹ" đã "thường xuyên đánh giá quá thấp sức chịu đựng của quân nổi dậy ở Afghanistan" và quá đề cao khả năng của lực lượng chính phủ.
Báo cáo này cũng cho thấy Mỹ đã sai khi cố gắng áp đặt các loại vũ khí và hệ thống quản lý hiện đại vào một đội quân đa phần mù chữ, thành ra binh lính Afghanistan phụ thuộc vào Mỹ nhiều hơn chứ không thể tác chiến độc lập như kỳ vọng.
Tháng 7 vừa qua, cơ quan chuyên trách của Quốc hội Mỹ đã công bố báo cáo thứ 10 với tựa đề "Bài học rút ra" từ cuộc chiến ở Afghanistan.
Báo cáo có đoạn: "Trong môi trường hỗn loạn và khó đoán như Afghanistan, sự giám sát lỏng lẻo và cách triển khai không phù hợp có thể đe dọa mối quan hệ với cộng đồng địa phương, đe dọa tính mạng của người Mỹ cũng như người Afghanistan và phá hỏng các mục tiêu chiến lược".
"Nếu nước Mỹ thực hiện một chiến dịch tái thiết quy mô lớn sau vài năm hoặc vài chục năm nữa, những phát hiện và bài học trong báo cáo này vẫn có thể tỏ ra hữu ích". Tuy nhiên, đối với Afghanistan, những bài học này đã đến quá muộn.
Thành quả kinh tế - xã hội khiêm tốn
Ngay cả những hoạt động có vẻ rất thiết thực như xây dựng trường học cũng không hoàn toàn hiệu quả. Nhà báo điều tra Azmat Khan của tờ Truth Out cho biết cô đã đến thăm 50 địa điểm trong danh sách xây trường của Mỹ ở 7 tỉnh của Afghanistan.
Khoảng 10% số trường chưa bao giờ được xây hoặc không còn tồn tại. Đa phần không hoạt động hiệu quả như mong đợi. Nhiều ngôi trường được giao cho người thân của các quan chức tham nhũng địa phương xây dựng, trường xây xong không có trẻ em nào đến học, …
Bất chấp các khoản hỗ trợ khổng lồ của Mỹ. Afghanistan vẫn sở hữu một trong những nền kinh tế chính thức nhỏ bé nhất thế giới. Theo số liệu của Worldometers, xét về dân số, đất nước Nam Á này đứng thứ 37 toàn cầu nhưng GDP hàng năm chỉ xếp thứ 113, đạt chưa đầy 20 tỷ USD.
Năm ngoái, Tổng thống Ashraf Ghani cho biết khoảng 90% người dân đang phải sống với mức thu nhập dưới 2 USD/ngày, Aljazeera cho hay.
Trái lại, nền kinh tế ngầm lại liên tục nở rộ. Sau khi Mỹ lật đổ chế độ Taliban vào năm 2001, Afghanistan ngàng càng giữ vững ngôi quán quân về sản lượng thuốc phiện và heroin toàn cầu. Giờ đây khi Taliban trở lại nắm quyền, Afghanistan nhiều khả năng sẽ tiếp tục là vựa sản xuất ma túy lớn nhất thế giới.