|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Còn nhiều dư địa cho ngành bô xít - nhôm Việt Nam

07:30 | 27/07/2023
Chia sẻ
Trong bức tranh chung trong chuỗi khai thác, chế biến bô xít - nhôm, dù sở hữu trữ lượng bô xít lớn thứ hai thế giới nhưng Việt Nam vẫn chưa khai thác hết tiềm năng và còn rất nhiều dư địa.

Việt Nam sở hữu mỏ bô xít lớn thứ hai thế giới

Ngày 18/7, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký quyết định phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, quy hoạch khai thác bô xít tối đa là 118 triệu tấn nguyên khai/năm. 

Quyết định này đem đến kỳ vọng lớn cho ngành khai thác bô xít và sản xuất alumin của Việt Nam bởi mặt hàng này chưa được khai thác hết tiềm năng trong khi trữ lượng lớn. 

Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ, tính đến năm 2022 Việt Nam có trữ lượng quặng bô xít đạt 5,8 tỷ tấn, tương đương chiếm tỷ trọng gần 19% toàn thế giới, đứng thứ hai sau Guinea.  Tuy nhiên, sản lượng bô xít của Việt Nam ở mức 3,8 triệu tấn, tương đương 1% sản lượng của cả thế giới.

 

  Số liệu: Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (H.Mĩ tổng hợp)

Theo một báo cáo của Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC), Đắk Nông chiếm tới 59% trữ lượng bô xít của cả nước. Đứng thứ hai là Lâm Đồng với 21%.  

Trong Quy hoạch Bô xít giai đoạn 2021 – 2030, cả nước có 19 đề án thăm dò với trữ lượng 1.709 triệu tấn quặng nguyên khai, trong đó riêng tỉnh Đắk Nông có 7 đề án.

  Số liệu: VCSC (H.Mĩ tổng hợp)

Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) hiện là nhà sản xuất bô xít và alumin duy nhất tại Việt Nam và có 2 nhà máy đặt tại Tây Nguyên. Sản lượng alumin của tập đoàn năm ngoái của tập đoàn 1,47 triệu tấn alumin quy đổi và tiêu thụ 1,45 triệu tấn.

Ở phân đoạn chế biến alumin thành nhôm thì Việt Nam lại chưa có doanh nghiệp nào. Do đó, trong quy hoạch lần này cũng đã đề cập đến khâu trung và hạ nguồn. 

Cụ thể, về chế biến, Quy hoạch sẽ nâng công suất nhà máy Alumin Nhân Cơ và Tân Rai lên 2 triệu tấn/năm, đầu tư mới 8 dự án với công suất tối thiểu 1 triệu tấn/năm.

Quy hoạch cũng đề cập việc hoàn thành thí điểm Nhà máy điện phân nhôm Đăk Nông với công suất 300.000 tấn nhôm thỏi/năm; Đầu tư mới các dự án nhôm kim loại tại Đăk Nông, Lâm Đồng, Bình Phước với tổng công suất 1,2 – 1,5 triệu tấn thỏi nhôm/năm.

 Tỷ lệ tiêu chuẩn bô xít: alumin: nhôm để sản xuất nhôm là 4 : 2 : 1, có nghĩa là 4 tấn bô xít sẽ được tinh chế thành 1 tấn nhôm.

Theo Công ty tư vấn McKinsey, dọc theo chuỗi giá trị ngành nhôm, Đắk Nông hiện đang nắm giữ phần thượng nguồn với Nhà máy Alumin Nhân Cơ. Tỉnh đang dịch chuyển vào các khâu giữa trong chuỗi giá trị với việc xây dựng nhà máy luyện nhôm đầu tiên ở Việt Nam, dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2024.

Như vậy, trong bức tranh chung trong chuỗi khai thác, chế biến bô xít - nhôm, dù sở hữu trữ lượng bô xít lớn thứ hai thế giới nhưng Việt Nam vẫn chưa khai thác hết và còn rất nhiều dư địa. 

Thực tế trong nhiều năm qua, đã có nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp nặng, chế biến, chế tạo mong muốn được tham gia.

Hồi tháng 4/2022, Tập đoàn Hòa Phát đề xuất đầu tư các tổ hợp các dự án gồm tại Đắk Nông: Dự án Alumin, công suất 2 triệu tấn Alumin/năm; Nhà máy tuyển quặng công suất 5 triệu tấn/năm. Địa điểm xây dựng nhà máy tuyển thuộc địa phận xã Đắk D’rung.

Ngoài ra, Tập đoàn đề xuất xây dựng Nhà máy Alumin và Nhôm tiếp giáp 2 xã Nâm N’Jang và Trường Xuân (huyện Đắk Song). 

Dự án Điện phân nhôm, công suất 0,5 triệu tấn/ năm. Ngoài ra, tập đoàn đề xuất xây dựng Dự án Nhà máy điện gió Hòa Phát công suất 1.500MW tại huyện Đắk Song và Tuy Đức. Dự án điện gió này chủ yếu để cung cấp năng lượng cho khu tổ hợp, phục vụ cho việc điện phân, chế biến quặng bô xít. 

“Nếu chỉ dùng điện của EVN thì chi phí rất đắt, mà nguồn cung cũng không đủ. Do đó, phần điện gió này giúp bổ trợ nguồn năng lượng sản xuất. Tổ hợp nhôm của Hoà Phát phải có điện gió. Đây sẽ là tổ hợp sản xuất nhôm khép kín từ khai thác quặng, điện gió, điện phân bô xít, làm ra nhôm”, ông Long chia sẻ tại ĐHĐCĐ năm 2022. 

Tổng kinh phí đầu tư của tổ hợp các dự án trên là khoảng 4,3 tỷ USD.

“Chiến lược dài hạn của Hoà Phát làm nhôm là đúng bởi mảng này sát sườn với những gì tập đoàn đang làm”, ông Long nói. 

Theo kế hoạch Hoà Phát, ngoài việc sản xuất alumin làm nguyên liệu cho các công ty luyện nhôm, công ty còn tính thêm đến việc đầu tư thêm nhà máy để sản xuất sản phẩm từ nhôm như tay vịn ghế, chân bàn…

Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đắk Nông cơ bản đánh giá cao và ủng hộ việc Tập đoàn Hòa Phát có kế hoạch đầu tư các dự án lớn, tổ hợp tại Đắk Nông. 

“Nếu Hòa Phát nêu cao quyết tâm đầu tư vào Đắk Nông, tỉnh cam kết sẽ tạo điều kiện tốt nhất để tập đoàn triển khai dự án thuận lợi, hiệu quả nhất”, Bí thư Tỉnh ủy Ngô Thanh Danh cho biết. 

Theo tổ tư vấn của UBND tỉnh Đắk Nông với sự tham gia của Công ty tư vấn McKinsey, dựa trên công suất của nhà máy alumin và điện phân nhôm, dự tính khai thác 5 triệu tấn quặng tinh của Hoà Phát là hợp lý. Tuy nhiên, với những khó khăn hiện tại, McKinsey đánh giá thời gian thực hiện dự án trong vòng 4 năm là tương đối lạc quan. Nói cách khác, kế hoạch đưa tổ hợp vào hoạt động vào năm 2025 khó có khả năng thành hiện thực. 

Ngoài Hoà Phát, nhiều doanh nghiệp tư nhân lớn khác cũng muốn rót tỷ USD vào cuộc đua này như Thaco, Sovico, Hoá chất Đức Giang,...

Theo đó, cũng trong tháng 4 năm ngoái, Công ty cổ phần Tập đoàn Việt Phương (thuộc Tập đoàn Việt Phương) đề xây dựng tổ hợp bô xít - alumin - nhôm Đắk Glong, diện tích 600 ha nằm trên địa bàn H.Đắk Glong, quy mô 2 triệu tấn alumin/năm; 600.000 tấn nhôm/năm. 7 dự án điện gió nằm trên địa bàn huyện Tuy Đức, huyện Đắk Song và huyện Đắk Glong (tỉnh Đắk Nông), tổng công suất là 690 MW.

Đối với khu phức hợp của Đức Giang, doanh nghiệp này dự kiến chi tổng vốn đầu tư 2,4 tỷ USD.

Còn tại tỉnh Lâm Đồng, CTCP Tập đoàn Trường Hải (Thaco) đề xuất khảo sát, nghiên cứu đầu tư dự án tổ hợp khai thác và chế biến quặng bô xít tại TP Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm.

Theo đó, dự án tổ hợp này có tổng mức đầu tư khoảng 50.000 tỉ đồng, bao gồm: nhà máy tuyển quặng bô xít (quy mô 500ha, công suất 3,25 triệu tấn quặng tinh/năm); nhà máy chế biến alumin (quy mô 500ha, công suất 1,3 triệu tấn/năm); nhà máy sản xuất nhôm (quy mô 150ha, công suất 300.000 tấn/năm).

Khu vực khai thác mỏ có quy mô 107,66 km2, thuộc địa bàn các xã Lộc Tân, Lộc Quảng (huyện Bảo Lâm), xã Đambri và phường Lộc Phát (TP. Bảo Lộc) với tổng trữ lượng là 573,1 triệu tấn quặng thô.

Theo tính toán VCSC, nếu tất cả dự án này được phê duyệt, công suất alumin của Việt Nam có khả năng tăng gấp 6 lần trong thập kỷ này.

   Nguồn: VCSC

Mối quan tâm lớn về môi trường

Các mối quan tâm chính về môi trường của ngành là bùn đỏ, bùn quặng đuôi và phát thải khí nhà kính, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang trong tiến trình theo đuổi Net Zero. 

Một doanh nghiệp lớn trong ngành công nghiệp luyện kim cho biết: "Vấn đề xử lý môi trường hiện tại không quá đáng ngại bởi công nghệ hiện nay đã xử lý được. Vinacomin đã làm 10 năm nay và chưa có vấn đề gì”.

Theo VCSC, chỉ khoảng 10% hàm lượng bôxit nguyên khai là nhôm. Phần còn lại được chuyển thành khí thải và các chất thải rắn lỏng là bùn quặng đuôi và bùn đỏ. 

Hàm lượng kim loại nặng và chất phóng xạ của các sản phẩm thải này phụ thuộc vào hàm lượng của chúng trong quặng bô xít nguyên khai. 

Ngoài ra, khối lượng lớn của các sản phẩm thải này dẫn đến nhiều rủi ro vì chúng có thể tràn ra khu dân cư, sinh thái, trồng trọt nếu không được lưu trữ kỹ càng hoặc nếu có thiên tai. Màu đỏ của bùn đỏ và bùn quặng đuôi xuất phát từ ôxit sắt, chất này phổ biến trong bô xít và đất bazan. Do đó, 2 loại bùn thải này thường bị nhầm lẫn với nhau.

Bùn quặng đuôi an toàn hơn bùn đỏ về thành phần, nhưng vẫn rủi ro vì khối lượng lớn. Theo Vinacomin và Hiệp hội Kinh tế Môi trường Việt Nam (VIASEE), bùn quặng đuôi ở Việt Nam an toàn về hàm lượng kim loại nặng và phóng xạ rất thấp.

Tương ứng, bùn quặng đuôi cũng cần được hoàn trả lại các điểm khai thác trước khi trồng cây lại, vì chúng có chứa các khoáng chất có lợi cho thực vật. Tuy nhiên, bùn quặng đuôi ở Việt Nam hiện đang được chứa ở các bãi thải gần các địa điểm khai thác.

Bùn đỏ - mối quan tâm môi trường chính của ngành. Theo Vinacomin, bùn của Việt Nam chứa các kim loại nặng có hại nhưng gần như không có chất phóng xạ. Trong khi đó, bùn đỏ chưa qua xử lý có tính kiềm. 

Tính kiềm của bùn đỏ không phải tự nhiên mà có như phóng xạ hay kim loại nặng, mà là do dư lượng xút trong quá trình sản xuất alumin. Kiềm có hại cho sinh vật nếu bị rò rỉ ra ngoài môi trường. Do đó, bùn thường được lưu trữ trong các hồ chứa có đập được lót bằng vật liệu chống hóa chất để tránh rò rỉ. Sau khi bùn đỏ khô, có thể phủ một lớp đất lên (hoàn thổ).

Công nghệ hiện tại làm giảm đáng kể tác hại tiềm ẩn của bùn đỏ nhưng đắt hơn công nghệ cũ.

Phát thải carbon, chủ yếu gián tiếp thông qua tiêu thụ điện. Carbon được tiêu thụ trong cả quá trình tinh luyện alumin (than nhiệt) và luyện nhôm (than cốc cho điện cực dương), trực tiếp phát thải carbon. Tuy nhiên, lượng phát thải này nhỏ so với lượng phát thải gián tiếp từ việc tiêu thụ điện cho luyện nhôm nếu điện được tạo ra bằng nhiên liệu hóa thạch.

Cần đẩy mạnh xanh hoá trong sản xuất nhôm từ sớm

Trên thế giới, nhu cầu đối với sản xuất nhôm phát thải carbon thấp và sức ép giảm phát thải tăng lên đã định hướng cho ngành công nghiệp nhôm. Với trữ lượng bô xít đứng thứ 2 thế giới, Việt Nam được đánh giá có tiềm năng trở thành một nhà cung cấp lớn trên thị trường nhôm toàn cầu nếu áp dụng các giải pháp năng lượng xanh.

Theo McKinsey, Đắk Nông cần xây dựng và thực hiện chiến lược tăng tốc sản xuất nhôm phát thải carbon thấp ngay từ hôm nay để bảo đảm đầu ra cho sản phẩm nhôm của tỉnh.

Điều đó đồng nghĩa với việc khử carbon cho các hoạt động điện phân nhôm tại thời điểm năm 2030. Quy hoạch hiện tại đề cập đến cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị lên trung nguồn (sản xuất, chế biến) với việc hoàn thành dự án nhà máy điện phân nhôm.

Tuy nhiên, tỉnh cần đặt ra mục tiêu cao hơn việc sản xuất nhôm đơn thuần. Nhằm chuẩn bị ứng phó với việc cấm sản xuất nhôm phát thải carbon cao trong tương lai, Đắk Nông cần có lộ trình sản xuất nhôm phát thải carbon thấp trong 10 năm tới.

Theo McKinsey, trong 5 năm tới các xu hướng tiêu dùng nhôm trên thế giới sẽ chuyển qua nhôm phát thải carbon thấp, nhất là các nước EU hiện đã có chính sách phí phạt cho doanh nghiệp nhập khẩu và sử dụng nhôm phát thải carbon cao ở thị trường EU.

Điều này đồng nghĩa với việc nhôm sản xuất tại Đắk Nông với hàm lượng phát thải carbon cao sẽ chỉ có thể tiêu thụ tại thị trường Việt Nam.

Cùng với việc dự án nhà máy điện phân nhôm có công suất 450.000 tấn mỗi năm sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2024 và nhu cầu nhôm của Việt Nam sẽ đạt 1 triệu tấn mỗi năm, trước mắt sản lượng nhôm của Đắk Nông sẽ có thị trường ổn định trong nước. Tuy nhiên, nếu ngày càng nhiều doanh nghiệp tham gia cuộc chơi, thì ngành nhôm của Đắk Nông sẽ đạt mức bão hòa, tức là cung vượt cầu, đồng nghĩa với việc cần phải xuất khẩu.

Để giúp ngành nhôm của Đắk Nông chuẩn bị sẵn sàng cho tương lai với thị trường xuất khẩu ổn định, McKinsey khuyến nghị tỉnh cần đưa ra các chính sách về sản xuất nhôm phát thải carbon thấp trong giai đoạn này (2021-2030) để sẵn sàng xuất khẩu vào năm 2030 hoặc sớm hơn. 

 

 

H.Mĩ