Sau giáo dục, Trung Quốc tiếp tục ra đòn với ngành bảo hiểm trực tuyến, nhiều lĩnh vực khác trong tầm ngắm
Trung Quốc đang tăng cường giám sát các nền tảng công nghệ bảo hiểm, mở rộng cuộc trấn áp đã xóa sổ hàng chục tỷ USD của nhà đầu tư quốc tế.
Ủy ban Quản lý Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc đã lệnh cho các công ty và cơ quan địa phương hạn chế các hoạt động marketing và định giá không phù hợp, đồng thời tăng cường bảo vệ quyền riêng tư của người dùng, Bloomberg cho biết. Trung Quốc khuyến khích doanh nghiệp giải quyết vấn đề một cách tự nguyện và cảnh báo những ai không tuân thủ sẽ đối mặt với "hình phạt nghiêm khắc".
Kể từ năm ngoái, Trung Quốc đã hành động để kiềm chế một số công ty công nghệ lớn nhất nước, cũng như các nền tảng giáo dục trực tuyến, gọi xe và video.
Động thái mới nhất sẽ cản trở tăng trưởng của lĩnh vực từng được kỳ vọng sẽ đạt quy mô 2.500 tỷ nhân dân tệ (385 tỷ USD) trong vòng 10 năm.
Tính đến cuối năm 2020, hơn 140 doanh nghiệp bảo hiểm ở Trung Quốc đã bắt đầu mở rộng sang kinh doanh trực tuyến, với tổng phí bảo hiểm là 298 tỷ nhân dân tệ mỗi năm (46 tỷ USD), tương ứng 6% toàn ngành, một quan chức chính phủ cho biết. Hãng tư vấn iResearch ước tính nhà đầu tư và doanh nghiệp đã rót gần 45 tỷ nhân dân tệ (7 tỷ USD) vào công nghệ bảo hiểm.
Thông báo của Ủy ban Quản lý Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc viết: "Trong những năm gần đây, bảo hiểm trực tuyến như chiếc xe chạy ào ào trên làn đường cao tốc. Cùng lúc đó, các hành vi vi phạm đã diễn ra tràn lan".
Văn bản chỉ ra vi phạm bao gồm một số nền tảng Internet hoạt động bất hợp pháp trong lĩnh vực bảo hiểm, đánh giá sai rủi ro hoặc sử dụng trái phép thông tin khách hàng.
Sau khi báo chí đưa tin, cổ phiếu nền tảng bảo hiểm Huize Holding đã giảm 5% trên thị trường Mỹ. Fanhua rớt gần 6%. ZhongAn Online P&C Insurance trên thị trường Hong Kong lao dốc hơn 11%.
Nhà đầu tư còn phải sợ dài
Nhà đầu tư trong môi trường Internet của Trung Quốc sẽ phải chuẩn bị sẵn sàng cho hàng loạt chấn động sẽ đến trong vòng 5 năm tới.
Hôm 11/8, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đã công bố kế hoạch chi tiết nhằm siết chặt quản lý nhiều bộ phận rộng lớn của nền kinh tế. Văn bản này viết rằng các nhà lãnh đạo sẽ "tích cực" thảo luận về luật pháp trong nhiều lĩnh vực, bao gồm an ninh quốc gia, công nghệ và độc quyền.
Việc thi hành pháp luật sẽ được tăng cường đối với các lĩnh vực từ thực phẩm và thuốc cho đến dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo.
Ông Gary Dugan, Giám đốc đầu tư tại Global CIO Office nhận xét: "Ít ra thì tài liệu mới nhất cũng cho chúng ta biết quá trình thiết lập lại quy định sẽ kéo dài trong bao lâu. Nhưng 5 năm vẫn là thời gian dài khi nhà đầu tư cứ phải thấp thỏm về những thay đổi sẽ diễn ra".
Trong thời gian qua, nhà đầu tư đã bán tống bán tháo cổ phiếu các ngành bị truyền thông nhà nước chỉ trích, từ game online cho đến bất động sản.
Cổ phiếu liên quan đến rượu là một trong những nạn nhân mới nhất. Cơ quan chống hối lộ của Trung Quốc đã kêu gọi giảm bớt các buổi uống rượu trong làm ăn kinh doanh sau khi xảy ra vụ tấn công tình dục liên quan đến nhân viên của Alibaba.
Một số nhà phân tích hoan nghênh kế hoạch chi tiết và coi đó là nỗ lực của Trung Quốc nhằm giúp nhà đầu tư hiểu được những lĩnh vực đang nằm trong tầm ngắm.
Ông Michael Norris, nhà phân tích của công ty tư vấn AgencyChina cho biết: "Theo quan điểm của chúng tôi, nỗi lo của nhà đầu tư chủ yếu xoay quanh nhịp độ và sự truyền tải của Trung Quốc, chứ không hẳn là nội dung của các quy định. Chúng tôi coi thông báo của Hội đồng Nhà nước là cách làm tốt hơn trước trong việc báo hiệu các điểm nóng về quy định trong tương lai".