|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

'Cái búng tay' của Trung Quốc nối dài thế thống trị của chứng khoán Mỹ

11:09 | 28/07/2021
Chia sẻ
Các nhà đầu tư dự đoán dòng tiền ra khỏi Mỹ đã quyết định thay đổi chiến lược sau khi chứng kiến cuộc trấn áp cổ phiếu công nghệ của Trung Quốc.
'Cú búng tay' của Trung Quốc níu chân nhà đầu tư lại thị trường chứng khoán Mỹ - Ảnh 1.

Nhà đầu tư ngoại trở tay không kịp trước cú "đánh úp" của Bắc Kinh. (Ảnh: Reuters).

Trong một số nhóm nhà đầu tư Phố Wall, ngày càng có nhiều ý kiến cho rằng thời đại "nước Mỹ trước hết" trên thị trường chứng khoán đang tàn lụi. Nhìn tổng thể mà nói, chứng khoán Mỹ đã trở nên đắt đỏ hơn nhiều so với toàn cầu. Và với tỷ lệ tiêm chủng COVID-19 ở một số nước bắt đầu bắt kịp với Mỹ thì chẳng sớm thì muộn tiền cũng được đổ sang những nền kinh tế đó.  

Nhưng cuộc trấn áp của Bắc Kinh đối với các công ty công nghệ và giáo dục đã gây ra đợt bán tháo khủng khiếp trên thị trường chứng khoán Trung Quốc trong tuần này. Cú "đánh úp" khiến nhà đầu tư thiệt hại nặng nề đến mức một số người đột ngột đánh giá lại kế hoạch chuyển hướng dòng tiền từ Mỹ sang nước ngoài, Bloomberg cho biết. 

Diễn biến trên nhấn mạnh những rủi ro gắn liền với việc chuyển tiền từ một thị trường đã tạo ra lợi nhuận khổng lồ trong suốt nhiều năm đến quốc gia khác có các yếu tố cơ bản yếu kém hơn. Chính sách kinh tế của Mỹ có độ ổn định và khả năng lường trước nhất định – yếu tố rất quan trọng đối với nhà đầu tư vào những thời khắc như thế này.

Ông Tim Ghriskey, Giám đốc đầu tư tại Inverness Counsel so sánh: "Với Trung Quốc, bạn chẳng biết được điều gì sẽ xảy ra vào ngày mai. Dĩ nhiên Mỹ cũng có rủi ro pháp lý nhưng chúng ta có quy trình chuẩn chỉnh. Còn tại Trung Quốc thì mọi chuyện thay đổi bằng một cái búng tay".

Chứng khoán Mỹ đã đứng trên đỉnh thế giới trong suốt nhiều năm, đầu tiên là với sự thống trị của các công ty công nghệ Mỹ, sau đó là bằng việc dẫn đầu nỗ lực phân bổ vắc xin COVID-19 để doanh nghiệp mở cửa trở lại.

Hệ số giá/thu nhập dự phóng (P/E) của chỉ số MSCI USA hiện ở mức 22x, đắt hơn 28% so với chỉ số MSCI World ex-USA.

Cuộc trấn áp mới nhất của Trung Quốc với các công ty dạy thêm là lời nhắc nhở đanh thép rằng có nhiều lý do khiến chứng khoán các nước khác rẻ hơn Mỹ, từ rủi ro địa chính trị cho đến hạn chế về thanh khoản. Chỉ riêng rủi ro pháp lý ở Trung Quốc cũng đã ở tầm cao khác hẳn so với Mỹ.

'Cú búng tay' của Trung Quốc níu chân nhà đầu tư lại thị trường chứng khoán Mỹ - Ảnh 1.

Ông Paul Krake, nhà sáng lập hãng nghiên cứu đầu tư View from the Peak cho biết sự thiếu rõ ràng về việc liệu bao giờ đợt trấn áp pháp lý kết thúc khiến ông không thể xác định khi nào nên nhảy vào bắt đáy cổ phiếu Trung Quốc. Đối với ông Gordon Johnson, CEO hãng cố vấn đầu tư GLJ Research thì lợi nhuận tiềm năng từ cổ phiếu Trung Quốc không hề xứng đáng với rủi ro phải chịu.

Ông Johnson nói với tờ Bloomberg: "Hiện giờ, sở hữu cổ phiếu Trung Quốc niêm yết trên thị trường Mỹ là việc cực kỳ rủi ro. Điều chúng tôi học được là đừng sở hữu gì cả".

Rủi ro cao

Lo ngại pháp lý tăng cao đã thúc đẩy nhà đầu tư Mỹ điên cuồng giảm bớt giá trị chịu rủi ro ở Trung Quốc. Quỹ ETF KraneShares CSI China Internet chuyên đầu tư vào cổ phiếu Internet Trung Quốc đã mất gần 25% giá trị kể từ ngày 22/7.

Giá chứng chỉ của quỹ ETF đầu tư vào cổ phiếu loại H lớn nhất nước Mỹ giảm 11% chỉ trong vòng ba ngày qua. Tính từ đầu tuần, cổ phiếu Alibaba đã giảm gần 10%.

Chỉ số MSCI Asia ex-Japan (cổ phiếu châu Á ngoại trừ Nhật Bản), vốn đặt tỷ trọng 43% vào cổ phiếu Trung Quốc, đang trên đà ghi nhận tháng tồi tệ nhất khi so với S&P 500 kể từ 1998. Trong khi đó, chỉ số MSCI World ex-USA (cổ phiếu thế giới ngoại trừ Mỹ) đang tiến đến năm thứ 4 tụt hậu so với S&P 500, chuỗi thua dài thứ hai trong lịch sử.

Tâm lý nhà đầu tư về Trung Quốc đã trở nên tiêu cực bất chấp dữ liệu cho thấy các yếu tố cơ bản vững chắc về nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Theo dữ liệu chính phủ, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 13% trong nửa đầu năm 2021, cuộc phục hồi kinh tế hậu đại dịch ngày càng vững chắc.

Nhưng đối với ông Roukaya Ibrahim, chuyên gia tại BCA Research, chừng đó vẫn chưa đủ để bù đắp cho rủi ro.

Ông Ibrahim viết trong lưu ý ngày 27/7: "Câu hỏi quan trọng với nhà đầu tư là phải chăng đợt bán tháo mang đến cơ hội hấp dẫn để bắt đáy cổ phiếu Trung Quốc. Câu trả lời của chúng tôi là "không". Chúng tôi dự kiến áp lực từ các nhà quản lý sẽ tiếp tục đè nặng lên cổ phiếu Trung Quốc trong 6 đến 12 tháng tiếp theo".

Giang