|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Đồng yen tăng lên mức cao nhất 6 tháng do lo ngại thuế quan

08:48 | 05/04/2025
Chia sẻ
Đồng yen Nhật Bản đã tăng giá mạnh so với đồng USD trong bối cảnh lo ngại về một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu tiềm ẩn, xuất phát từ các chính sách thuế quan của Mỹ và nguy cơ trả đũa của các nước.

Đồng tiền mệnh giá 10.000 yen tại thủ đô Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: THX/TTXVN

Tuy nhiên, giới quan sát thị trường tỏ ra hoài nghi về khả năng duy trì đà tăng này.

Trong ngày 3/4, đồng yen có thời điểm chạm mức 145 yen đổi 1 USD, mức cao nhất trong vòng sáu tháng. Đà tăng giá của đồng tiền Nhật Bản được thúc đẩy bởi dự đoán rằng các biện pháp thuế quan có thể kìm hãm nền kinh tế Mỹ, từ đó gây áp lực giảm giá lên đồng USD.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích thị trường cho rằng đồng yen có thể đã đạt đỉnh trong giai đoạn này.

Chênh lệch lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm giữa Nhật Bản và Mỹ, một chỉ báo quan trọng cho tỷ giá hối đoái trung hạn, hiện ở mức khoảng 2,7% và đang có xu hướng thu hẹp. Theo lý thuyết, chênh lệch ít hơn thường hỗ trợ đồng yen mạnh lên so với USD.

Dù vậy, quan điểm về mức chênh lệch này đang bắt đầu thay đổi. Ông Daisuke Karakama, nhà kinh tế thị trường trưởng tại Ngân hàng Mizuho, nhận định trong ngắn hạn, thuế quan sẽ có tác động lạm phát đối với Mỹ. Nhật Bản cũng có thể không còn nhiều dư địa để tăng lãi suất chính sách, và sẽ không ngạc nhiên nếu mức chênh lệch lợi suất này tăng thay vì giảm.

Trong triển vọng kinh tế tháng 3/2025, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) dự báo chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) cốt lõi, thước đo lạm phát ưa thích của ngân hàng này, sẽ tăng 2,8% trong năm nay. Ông Kenji Yamamoto, nhà kinh tế trưởng tại Daiwa Securities, cho biết con số này có thể tăng lên 3,5% hoặc hơn khi tính đến các mức thuế quan có qua có lại.

Điều này làm dấy lên lo ngại về nguy cơ Mỹ rơi vào tình trạng lạm phát kèm suy thoái và tỷ lệ thất nghiệp cao.

Ông Daisuke Uno, chiến lược gia trưởng tại Sumitomo Mitsui Banking, cho biết Fed từng bị chỉ trích vì chậm chạp trong việc tăng lãi suất trước đây, vì vậy lần này họ có thể không còn lựa chọn nào khác ngoài việc hoạch định chính sách tương lai với tâm thế đối phó lạm phát. Điều này có thể khiến việc cắt giảm lãi suất trở nên khó khăn hơn.

Trong khi đó, Nhật Bản cũng đối mặt với nguy cơ kinh tế bị ảnh hưởng tiêu cực do xuất khẩu giảm sút vì thuế quan của Mỹ. Thị trường hiện chỉ dự báo khả năng Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 5/2025 là dưới 10%, giảm mạnh so với mức khoảng 30% của tuần trước. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Nhật Bản (JGB) kỳ hạn 10 năm đã chạm mức thấp nhất trong khoảng một tháng là 1,325% vào ngày 3/4, gây áp lực lên kỳ vọng về việc Nhật Bản tiếp tục bình thường hóa chính sách tiền tệ.

Một yếu tố đáng lo ngại khác là sự sụt giảm mạnh của thị trường chứng khoán sau các thông báo liên quan đến thuế quan. Một nhà giao dịch tiền tệ bình luận "Chính phủ và BoJ có lẽ không lường trước được việc cổ phiếu Nhật Bản giảm sâu như vậy, và BoJ có thể không muốn đẩy thị trường xuống thấp hơn nữa bằng cách tăng lãi suất".

Các quỹ phòng hộ và nhà đầu tư đầu cơ khác đã tích lũy vị thế mua ròng đồng yen lên mức kỷ lục, đặt cược vào việc chênh lệch lợi suất Nhật-Mỹ sẽ tiếp tục thu hẹp. Chuyên gia Karakama của Mizuho Bank chỉ ra việc mua vào mang tính đầu cơ đã đẩy đồng yen lên cao hơn mức hợp lý dựa trên các yếu tố kinh tế cơ bản.

Về mặt cấu trúc, các dòng vốn đầu tư ra nước ngoài và thâm hụt thương mại kỹ thuật số của Nhật Bản vẫn tiếp tục tạo áp lực bán lên đồng yen.

Thuế quan cũng có thể gián tiếp làm gia tăng áp lực này, ví dụ thông qua các khoản đầu tư mới của doanh nghiệp Nhật vào Mỹ để tránh thuế. Giới phân tích cảnh báo rằng nếu các nhà đầu cơ đồng loạt đóng vị thế mua (long position), đồng yen có thể đối mặt với nguy cơ sụt giảm mạnh.

Nguyễn Tuyến