|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Nhà ở xã hội cũ tăng giá cả tỷ đồng

08:00 | 05/04/2025
Chia sẻ
Dù có niên đại sử dụng gần chục năm, nhiều căn nhà ở xã hội vẫn đang được rao bán với giá 35-40 triệu đồng mỗi m2, tăng gần một tỷ đồng một căn.

Với số tiền dưới 2 tỷ đồng, vợ chồng chị Xuân (quận 11, TP HCM) nhắm đến việc mua nhà ở xã hội, kỳ vọng giá rẻ hơn nhà thương mại. Chị được giới thiệu căn hộ 69 m2 tại dự án trên đường Âu Cơ, quận 11 xây dựng từ năm 2016, đã sử dụng gần 8 năm với giá 2,8 tỷ đồng, tương đương hơn 40 triệu đồng mỗi m2. Giá này tăng gần 1 tỷ đồng mỗi căn so với thời điểm 2020 (tức lúc căn hộ xã hội này được phép bán ra).

Môi giới cho biết đây là căn hộ có giá mềm trong dự án, một số căn còn có giá sang tay lên đến 45-50 triệu đồng mỗi m2. Dù là nhà ở xã hội nhưng chung cư này có vị trí đẹp, cùng trên khu vực đường Âu Cơ, các căn thương mại phát triển cùng năm, cùng diện tích giá đều trên 3,5 tỷ đồng.

"Cứ nghĩ nhà ở xã hội sẽ có giá rẻ nhưng khi tiếp cận không khỏi giật mình", chị Xuân nói.

Anh Minh Tấn (ngụ quận 12, TP HCM) cũng tìm hiểu các dự án nhà ở xã hội đã qua sử dụng, mong mua được một căn với giá vừa túi tiền. Đầu tháng 3, môi giới tư vấn cho anh căn hộ 60 m2 tại dự án Topaz Home tọa lạc trên đường Phan Văn Hớn (quận 12), với giá 2,1 tỷ đồng.

Thời điểm mới ra mắt (năm 2016), giá chung cư tại đây chỉ khoảng 14-16 triệu đồng mỗi m2. Hiện tại, các căn hộ tại dự án này được chào giá 33-35 triệu đồng mỗi m2 (chưa thuế phí), tăng hơn 2,4 lần sau 9 năm.

Khảo sát của VnExpress cho thấy, nhiều dự án nhà ở xã hội cao tầng tại TP HCM dù đã sử dụng nhiều năm vẫn đều đặn tăng giá.

Cụ thể, dự án nhà ở xã hội HQC Bình Trưng Đông (quận 2 cũ nay thuộc TP Thủ Đức) mở bán năm 2017 với giá 18-22 triệu đồng một m2. Sau khi bàn giao năm 2022, giá sang tay thứ cấp tăng lên gần 30 triệu đồng một m2. Đến nay, các căn hộ tại đây có giá từ 33-36 triệu đồng mỗi m2.

Hay dự án nhà ở xã hội tọa lạc trên đường Phan Văn Hớn (quận 12) triển khai từ năm 2016 với giá 14,5 triệu đồng một m2. Giai đoạn 2021-2022, các căn hộ này sang tay với giá 27-29 triệu đồng một m2 và hiện có giá khoảng 33,5 triệu đồng mỗi m2. Chung cư Vĩnh Lộc D'Gold năm 2017 có giá 16 triệu đồng mỗi m2, nay rao bán 24-26 triệu đồng....

Cuộc sống ở khu nhà ở xã hội Lê Thành An Lạc, quận Bình Tân. (Ảnh: Quỳnh Trần). 

Xu hướng tăng giá thứ cấp nhà ở xã hội tại TP HCM được giới chuyên gia đánh giá là tất yếu trong bối cảnh thành phố đang thiếu hụt nguồn cung và giá nhà tăng cao ở cả loại hình thương mại và xã hội mở bán mới.

Báo cáo từ Sở Xây dựng TP HCM cho thấy từ năm 2021 đến nay, thành phố đưa vào sử dụng 6 dự án nhà ở xã hội với quy mô 2.700 căn hộ, hiện chỉ có 4 dự án đang thi công với khoảng 3.000 căn. Về phía nhà ở thương mại, năm 2024, TP HCM chỉ có 6 dự án đủ điều kiện huy động vốn, với 3.845 sản phẩm (3.801 căn chung cư và 44 căn nhà thấp tầng). Toàn bộ số sản phẩm này đều được giao dịch thành công, không có hàng tồn kho.

Không chỉ thiếu nguồn cung, giá chung cư TP HCM cũng đang trên đà tăng phi mã, trung bình 15-20% mỗi năm. Mỗi m2 căn hộ bình dân năm 2015 có giá 25-35 triệu đồng, đến năm 2023 đã lên 40-60 triệu đồng; căn hộ trung cấp từ 35-50 triệu đồng, đến năm 2023 cũng lên 50-70 triệu đồng; riêng dòng cao cấp từ 50 triệu đồng lên 70-100 triệu đồng...

Nhìn nhận diễn biến này, chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang cho rằng giá đất biến động mạnh tại các đô thị lớn đã đẩy giá căn hộ thương mại trên thị trường lên trên 55 triệu đồng mỗi m2 vào năm ngoái. Trong bối cảnh này, nhà ở xã hội trở thành "vùng trũng" hấp dẫn người mua. Dù giá thứ cấp có tăng 2-3 lần vẫn thấp hơn 20-30% so với nhà ở thương mại.

Được miễn tiền sử dụng đất và giới hạn biên lợi nhuận chủ đầu tư ở mức 10%, nhưng chi phí xây dựng từ năm 2016 đến 2024 đã tăng 30-50%. Điều này khiến giá sơ cấp mở bán mới nhà ở xã hội tăng khoảng 45%, từ 14-17 triệu đồng mỗi m2 (giai đoạn 2016-2018) lên 20-30 triệu đồng mỗi m2 (2023-2024). Giá sơ cấp tăng đã tạo áp lực đẩy giá thứ cấp đi lên, đặc biệt trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm.

Chuyên gia bất động sản Lê Quốc Kiên phân tích thêm, việc các tài sản có giá mua đi bán lại tăng lên theo thời gian do trượt giá là diễn biến bình thường và căn hộ nhà ở xã hội cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, việc sang tay với giá chênh cao sau khi hết thời hạn cấm giao dịch mua bán lại cho thấy nhà ở xã hội đang bị lạm dụng sai mục đích.

Từ "cung cấp nhà ở giá rẻ cho một số người được ưu tiên, đặc biệt là người lao động thu nhập thấp", nhà ở xã hội đang bị lạm dụng thành công cụ đầu tư "chắc chắn lời" khi chỉ cần chờ sau 5 năm được phép bán ra ngoài là có thể tăng giá gấp 2-3 lần.

Theo ông Kiên, nhà ở xã hội được xây dựng từ nguồn lực xã hội nên không thể giao dịch mua bán tự do như nhà thương mại. Giá thứ cấp tăng tự do không chỉ làm loại hình này mất đi ý nghĩa tốt đẹp ban đầu, gây bất công, mà còn biến nhà ở xã hội thành công cụ để toàn xã hội phải phục vụ chia lại tài sản cho một nhóm người, hoặc bị 1 nhóm người lợi dụng trục lợi.

Góp ý về giải pháp để nhà ở xã hội phát huy đúng vai trò của mình, chuyên gia cho rằng cần kiểm soát chặt chẽ giao dịch thứ cấp đúng đối tượng, đúng trần giá, sẽ triệt tiêu đầu cơ và đảm bảo công bằng. Nên có quy định người mua thứ cấp nhà ở xã hội cũng phải là người đủ điều kiện được mua nhà ở xã hội, thay vì mở rộng ra thị trường tự do.

Kiểm soát mức tăng giá thứ cấp chỉ được cao hơn tối đa 20% so với giá mua ban đầu sau mỗi 5 năm để bù vào trượt giá, thay vì tự do tăng 100-150% sau 5 năm đầu ngay khi vừa hết hạn được bán ra ngoài như hiện tại.

"Chỉ khi thực thi nghiêm các biện pháp này, nhà ở xã hội mới thực sự là mái ấm cho người lao động, thay vì kênh kiếm tiền, đầu tư sinh lời", ông Kiên nói.

Phương Uyên