|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Chạy trường tốt cho con, phụ huynh Trung Quốc phải bám vào bất động sản

07:22 | 25/06/2021
Chia sẻ
Để con cái được theo học tại một trường công lập chất lượng, các bậc phụ huynh tại Trung Quốc phải đầu tư hàng triệu USD để mua nhà gần trường, dành nhiều năm chuẩn bị và chờ vận may đến với các con mình.

Chấp nhận mua căn hộ cũ nát vì tương lai con trẻ

Cách đây vài tháng, cô Wang Xuetao đã mua một căn hộ xuống cấp đến mức tường bê tông bong tróc khắp nơi, giá căn hộ rơi vào khoảng 800.000 USD (tương đương gần 5,2 triệu nhân dân tệ).

Nếu mọi việc suôn sẻ, con cái của Wang có thể nộp đơn vào một trong các trường công lập nổi tiếng nhất ở Bắc Kinh. Đây có thể là con đường để gia đình cô bám trụ lại tầng lớp trung lưu.

Để hoàn thành ước mơ, gia đình cô Wang phải sống 7 năm trong một căn hộ rộng vỏn vẹn 71 m2. Căn hộ này được xây dựng vào những năm 1960, tức là quanh thời điểm xảy ra nạn đói nghiêm trọng dưới thời của nhà lãnh đạo Mao Trạch Đông.

Bước kế tiếp của cô Wang chính là mang thai.

Chia sẻ với Bloomberg, Wang cho biết: "Trong nhiều tuần, chúng tôi liên tục lướt tìm trên các ứng dụng bất động sản, nhiều đến mức suy nhược và bất ngờ chúng tôi tìm thấy căn hộ cũ kỹ này".

"Vị trí của nó có thể giúp con tôi được nhập học ở một trường tiểu học tốt. Chúng tôi phải lập kế hoạch nhiều năm bởi gia đình không hề dư dả", cô Wang nói thêm.

Muốn con hay chữ, phụ huynh Trung Quốc phải bám vào bất động sản - Ảnh 2.

Cô Wang Xuetao, vốn có kinh nghiệm thiết kế nội thất, đang cải tạo căn hộ cũ kỹ mà gia đình cô vừa mua. (Ảnh: Bloomberg).

Wang chỉ là một mảnh ghép trong rất nhiều bậc phụ huynh Trung Quốc muốn chạy trường tốt cho con cái. Tuy nhiên, nỗi niềm của những bậc cha mẹ này đang khiến giá nhà ở tăng vọt trên toàn quốc, đặc biệt là ở những thành phố lớn như Bắc Kinh và Thượng Hải.

Xu hướng mua nhà để "xí" trường cho con cái của phụ huynh Trung Quốc còn đánh động các quan chức chính phủ, buộc lòng Bắc Kinh phải tìm cách can thiệp để hạ nhiệt thị trường.

Bloomberg so sánh, trong khi các gia đình Mỹ rời bỏ thành phố để lui về sống ở những căn nhà ngoại ô, thì người dân Trung Quốc lại hối hả ngược xuôi để mua những khu căn hộ đông đúc gần các trường công lập chất lượng.

Ở Mỹ, bất động sản gần các trường công lập tốt thường có giá cao hơn, nhưng phụ huynh có thể thuê một căn nhà để đảm bảo con cái họ chắc suất nhập học. Còn tại Trung Quốc, nhiều quận hiện đang yêu cầu người dân phải sở hữu nhà trước nhiều năm.

Dân số Trung Quốc sắp chạm ngưỡng 1,4 tỷ người, đồng nghĩa rằng cơn sốt mua nhà để "xí" chỗ học cho con cái của các bậc phụ huynh là rất lớn. Hàng năm, khoảng 18 triệu học sinh sẽ đăng ký vào hệ thống các trường tiểu học công lập, và chỉ khoảng 20% trong số đó vào được đại học.

Giá căn hộ tại khu dân cư Fengniao nằm cạnh Trường Tiểu học số 3 Zhongguancun - một trong 5 trường hàng đầu tại thủ đô Bắc Kinh, đã tăng 31% so với một năm trước, dữ liệu của nền tảng bất động sản Anjuke chỉ ra.

Đáng chú ý, Bắc Kinh và Thượng Hải là hai thành phố xuất hiện trong bảng xếp hạng 80 siêu đô thị đắt đỏ nhất thế giới, theo công ty dịch vụ bất động sản E-House Enterprise Holdings.

Tình hình đặc biệt căng thẳng tại Thượng Hải. Công ty cung ứng dữ liệu bất động sản Urban Surveyors cho biết, giá nhà tại các khu trường học nổi tiếng tại đây tăng trung bình 20% trong giai đoạn 4/2020 - 3/2021.

Theo các công ty bất động sản địa phương, giá chào bán của một căn hộ hai phòng ngủ ở Thượng Hải có thể dễ dàng tăng lên tới 3,6 triệu USD, gần gấp đôi giá trị trung bình của các thị trường bất động ở hai thành phố Kensington và Chelsea của Anh.

Ông Chen Sheng - người đứng đầu tổ chức China Real Estate Data Academy, nhận xét: "Căn hộ gần các trường học công lập chất lượng đang trở thành một loại tiền tệ. Người dân thực sự có nhu cầu mua nhà và coi đây là một khoản đầu tư cho tương lai".

Bắc Kinh siết chặt chính sách

Chính phủ Trung Quốc đang đẩy mạnh một loạt các biện pháp chính sách để kiềm chế giá bất động sản, khiến những người ở tầng lớp trung lưu như cô Wang ngày càng trở nên tuyệt vọng.

Chẳng hạn, chính quyền các thành phố đang yêu cầu người dân phải có giấy phép cư trú tại địa phương, hoặc đóng thuế thu nhập cá nhân trong thời hạn tối thiểu 5 năm để đủ điều kiện mua nhà gần trường học.

Tuy nhiên, giờ đây các nhà chức trách còn cảnh báo các bậc cha mẹ rằng mua bất động sản gần trường chưa chắc con cái họ sẽ chắc suất nhập học, Bloomberg thông tin.

Muốn con hay chữ, phụ huynh Trung Quốc phải bám vào bất động sản - Ảnh 3.

Quang cảnh khu dân cư mà cô Wang vừa chuyển đến. (Ảnh: Bloomberg).

Ngay cả Chủ tịch Tập Cận Bình cũng đã lưu ý về vấn đề trên. Tại đại hội lập pháp hàng năm của Trung Quốc vào tháng 3 vừa qua, ông Tập nói giá bất động sản gần các trường học tốt đang ở mức cao. Cũng tại sự kiện đó, ông cam kết sẽ giải quyết tình trạng bất bình đẳng trong giáo dục cho con em.

"Các biện pháp của Bắc Kinh không chỉ nhằm ghìm cương giá bất động sản, mà còn liên quan đến mục đích cải cách giáo dục", Giáo sư Chen Jie tại Đại học Giao thông Thượng Hải nhận định. "Đó là một thử nghiệm nhằm cân bằng cơ hội học tập cho trẻ em từ nhiều bối cảnh kinh tế - xã hội khác nhau".

Các chính sách mới đang gây thêm phiền não cho những bậc cha mẹ như cô Molly Zhu. Vì cậu con trai ba tuổi, cô Zhu đã đổi một căn hộ lớn ở Thượng Hải để lấy một căn hộ nhỏ và ít tiện ích hơn.

Tuy nhiên, hai tháng sau, giá trị của căn hộ mới đã bị ảnh hưởng bởi các quy định mới của chính quyền địa phương, rằng quyền sở hữu bất động sản không đảm bảo con cô Zhu sẽ được theo học tại một trường công lập chất lượng.

"Đây là lần đầu tiên cuộc sống của tôi biến động còn nhanh hơn phim truyền hình", Zhu cho hay. "Dường như tôi đang sống trong một thế giới nơi mà chính phủ sẽ không ngừng nghỉ ban hành các chính sách mới".

Khả Nhân