Thế khó cho nền kinh tế Trung Quốc: Lực lượng lao động già hóa, người trẻ không mặn mà công việc chân tay
Năm nay, ông Yan Zhiqiao, chủ một nhà máy mỹ phẩm ở thành phố Quảng Châu, không thể mở rộng quy mô sản xuất dù nhu cầu đang tăng cao. Nguyên nhân chủ yếu là do nhà máy phải chật vật thuê và giữ chân công nhân, đặc biệt là những người dưới 40 tuổi.
Theo Wall Street Journal (WSJ), ông Yan hiện đề xuất mức lương khoảng 3,9 USD/giờ, cao hơn trung bình trên thị trường, cùng với bữa ăn và chỗ ở miễn phí. Thế nhưng, nhà máy với khoảng 50 công nhân của ông chủ Yan cũng không thể thu hút được nhiều ứng viên trẻ.
Ông Yan cho biết, nhà máy không thể tăng lương hơn nữa do giá nguyên liệu đầu vào năm nay quá cao. Công ty của ông chỉ còn một lựa chọn khác là tăng giá sản phẩm xuất khẩu, nếu đối tác nước ngoài chấp nhận phương án này.
"Khác với thế hệ chúng tôi, người trẻ không còn mặn mà với công việc chân tay", ông Yan (41 tuổi) chia sẻ. "Họ có thể xin bố mẹ giúp đỡ, không thực sự phải chịu áp lực kiếm sống. Rất nhiều người không đến nhà máy tìm việc mà đi tìm người yêu", ông nói.
Foxconn Technology Group (tức Hon Hai Precision Industry) - một trong các đối tác lớn nhất của Apple, cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự.
Tháng trước, Foxconn đã phải nâng tiền thưởng cho nhân viên mới tại một cơ sở ở thành phố Trịnh Châu (tỉnh Hà Nam) lên hơn 9.000 nhân dân tệ (tương đương 1.388 USD) nếu công nhân làm việc liên tục trong 90 ngày, theo tin tuyển dụng trên WeChat của Foxconn.
Ông David Li, Tổng thư ký Hiệp hội Giày dép châu Á tại thành phố Đông Hoản (tỉnh Quảng Đông), cho biết trong bối cảnh biến chủng Delta càn quét khắp các nước châu Á khác khiến sản xuất bị đình trệ, số lượng đơn hàng tại các nhà máy ở Trung Quốc đã tăng lên đáng kể.
Do đó, các công ty Trung Quốc càng phải tuyển thêm công nhân nhưng tăng lương hoặc thưởng quá cao lại làm giảm biên lợi nhuận, đặc biệt là khi nhiều doanh nghiệp đang phải chịu áp lực lớn vì giá nguyên liệu thô và cước vận tải nhảy vọt.
"Nhiều chủ nhà máy đang rơi vào tình thế khó xử. Họ không biết có thể làm ra lợi nhuận nếu nhận thêm đơn hàng mới hay không. Đau đầu nhất là không biết tìm công nhân ở đâu", ông David nhấn mạnh.
Trong vài năm gần đây, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nỗ lực khơi dậy sức sống cho các vùng nông thôn trên khắp cả nước thông qua rót thêm vốn đầu tư cho các tỉnh nhỏ.
Những người lao động từng phải tha hương đến các thành phố lớn để tìm kiếm việc làm bây giờ có thể bám trụ tại quê nhà. Theo giới chuyên gia kinh tế, điều này đang tạo thêm gánh nặng cho nhiều nhà máy.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), năm ngoái là lần đầu tiên trong một thập kỷ mà số lượng lao động nhập cư tại đất nước tỷ dân sụt giảm, từ hơn 290,6 triệu người xuống còn 285,6 triệu người.
WSJ cho biết, ngày càng có nhiều công nhân quyết định ở lại quê hương hoặc tìm việc gần nhà hơn. Khá nhiều người lo sợ sẽ nhiễm COVID-19 ở các thành phố lớn nên vẫn chưa quay trở lại làm việc, các chủ nhà máy nói thêm.
Tại Quảng Châu, gần 33% trong hơn 100 công nhân nhà máy tại công ty túi xách BSK Fashion không trở lại sau Tết Nguyên đán năm nay. Tỷ lệ này cao hơn con số 20% của các năm trước, theo ông Jeroen Herms, đồng sáng lập công ty.
"Chúng tôi hầu như không tuyển được công nhân mới vì nhiều người không chịu rời bỏ quê nhà nữa. Đại dịch COVID-19 khiến xu hướng này trở nên rõ rệt hơn", ông Herms nhấn mạnh.
Theo cuộc khảo sát năm 2018 của NBS, trong bối cảnh người trẻ ngày càng coi công việc chân tay là cực nhọc, ngành dịch vụ đã trở thành lĩnh vực thu hút nhiều lao động nhập cư nhất, vượt qua hai ngành chế tạo và xây dựng.
Tình trạng thiếu hụt công nhân tại các nhà máy xảy ra giữa lúc lao động trong lĩnh vực dịch vụ bị thừa mứa. Các nhà kinh tế dự đoán trong năm nay, hơn 9 triệu sinh viên sẽ tốt nghiệp đại học. Đây là một con số kỷ lục và được cho là sẽ làm trầm trọng thêm sự mất cân bằng trong cơ cấu thị trường lao động Trung Quốc.
Dù tỷ lệ thất nghiệp chung ở thành thị đã giảm từ 5,7% trong tháng 7/2020 xuống còn 5,1% trong tháng 7 năm nay, tỷ lệ thất nghiệp ở những người từ 16 đến 24 tuổi vẫn ở mức rất cao là 16,2%, chỉ thấp hơn một chút so với mức đỉnh mọi thời đại là 16,8% vào tháng 7 năm ngoái.
Chính sách thắt chặt kiểm soát gần đây của Bắc Kinh đối với lĩnh vực dạy thêm có nguy cơ làm tăng tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm lao động trẻ tuổi, WSJ cảnh báo.
"Bây giờ, người trẻ không còn muốn làm việc nặng nhọc. Họ kỳ vọng cao hơn và có thể chấp nhận chờ đợi lâu hơn để tìm được một công việc ưng ý", nhà kinh tế Ding Shuang của Standard Chartered cho hay.
Dù lương đã tăng cao hơn và các đầu việc tại nhà máy cũng đa dạng hơn, Wang Liyou vẫn không trở lại nhà máy sau khi đại dịch được kiểm soát vào năm ngoái. Thay vào đó, anh cùng gia đình chuyển đến Bắc Kinh. Hiện tại, người đàn ông 33 tuổi đang làm nhân viên giao đồ ăn, thu nhập cao hơn trước 10%.
Mục tiêu của Wang là kiếm được hơn 1.500 USD mỗi tháng như một số người bạn. "Tôi muốn thử công việc mới trước khi quá già", Wang chia sẻ.
Các xu hướng đang diễn ra trên thị trường lao động Trung Quốc có điểm tương đồng với Mỹ, nơi mà nhà tuyển dụng cũng chật vật tìm kiếm công nhân dù hàng triệu người vẫn thất nghiệp sau đại dịch, WSJ thông tin.
Tuy nhiên, vấn đề của Trung Quốc còn phản ánh một biến động lớn trên phương diện nhân khẩu học: lực lượng lao động của nền kinh tế tỷ dân đang thu hẹp, một phần là do chính sách một con kéo dài hàng chục năm của Bắc Kinh.
Năm ngoái, dân số trong độ tuổi lao động của Trung Quốc (những người từ 15 đến 59 tuổi) đã tụt xuống còn 894 triệu người, tương đương 63% tổng dân số. Con số này giảm đáng kể so với khoảng 939 triệu người vào năm 2010, hay 70% dân số vào thời điểm đó, theo dữ liệu điều tra dân số của chính phủ.
Theo ước tính chính thức, lực lượng lao động của Trung Quốc dự kiến sẽ giảm khoảng 35 triệu người trong vòng 5 năm tới. Đây là mối đe dọa nghiêm trọng đối với tốc độ tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Hơn nữa, năng lực cung ứng hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc cho thế giới cũng có thể bị ảnh hưởng, có khả năng làm tăng áp lực lạm phát trên toàn cầu.
Để giải quyết bài toán khó, tuần trước, Thủ tướng Lý Khắc Cường cam kết chính phủ sẽ dành nhiều hỗ trợ cho các ngành bị thiếu hụt lao động, trong đó có chính sách đào tạo nghề bổ sung.