|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Biến chủng Delta khiến kinh tế Trung Quốc nhanh chóng hụt hơi

16:34 | 16/08/2021
Chia sẻ
Hoạt động kinh tế của Trung Quốc trong tháng 7 chậm lại nhanh hơn dự kiến. Các đợt bùng phát COVID-19 mới gây ra thêm rủi ro cho cuộc phục hồi vốn đã chịu tác động tiêu cực bởi lũ lụt và nhu cầu thế giới sụt giảm.
Biến chủng Delta khiến kinh tế Trung Quốc nhanh chóng hụt hơi - Ảnh 1.

Nhân viên y tế khử khuẩn một khu phố mua sắm ở Bắc Kinh ngày 13/8. (Ảnh: Bloomberg).

Mọi dữ liệu kinh tế chính trong tháng 7 của Trung Quốc đều thua kém dự báo: So với năm ngoái, doanh số bán lẻ tăng trưởng 8,5%, kém xa mức 10,9% mà các nhà kinh tế dự đoán, sản lượng công nghiệp đi lên 6,4% trong khi ước tính trung vị là 7,9%, đầu tư tài sản cố định tăng 10,3% trong 7 tháng đầu năm, thấp hơn ước đoán 11,3%. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp lại ngóc lên 5,1%.

Biến chủng Delta khiến kinh tế Trung Quốc nhanh chóng hụt hơi - Ảnh 2.

Lưu ý: Trong mọi năm, dữ liệu tháng 1 và 2 luôn được cộng gộp với nhau.

Sự giảm tốc của Trung Quốc là dấu hiệu mới nhất cho thấy cuộc phục hồi toàn cầu đang chững lại. Niềm tin của người tiêu dùng Mỹ vào đầu tháng 8 đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần một thập kỷ. Dữ liệu thời gian thực cho thấy các nền kinh tế châu Á đang chao đảo khi người tiêu dùng hạn chế chi tiêu và chuỗi cung ứng bị gián đoạn.

Ông Raymond Yeung, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Australia and New Zealand Banking Group (ANZ) cho biết: "Dữ liệu tháng 7 cho thấy kinh tế Trung Quốc đang hụt hơi rất nhanh. Sự xuất hiện của chủng Delta cũng làm tăng thêm rủi ro cho các hoạt động kinh tế tháng 8".

Đợt bùng phát COVID-19 lan rộng nhất ở Trung Quốc kể từ năm ngoái đang đè nặng lên cuộc phục hồi kinh tế vốn đã bắt đầu chậm lại. Tuy số ca nhiễm của Trung Quốc vẫn còn thấp khi so với nhiều nước khác, chính phủ đã kích hoạt một đợt phong tỏa có chọn lọc, hạn chế đi lại và xét nghiệm hàng loạt trên toàn quốc kể từ giữa tháng 7.

Tiêu dùng đang chịu cú đánh mạnh từ biện pháp phong tỏa. Giới chức trách vội vàng đóng cửa địa điểm du lịch, ngừng các sự kiện văn hóa và hủy bỏ các chuyến bay trong kỳ nghỉ lễ cao điểm để ngăn chặn virus lây lan.

Biến chủng Delta khiến kinh tế Trung Quốc nhanh chóng hụt hơi - Ảnh 3.

Các động thái quyết liệt nhằm đạt mục tiêu ca nhiễm COVID-19 bằng 0 có thể khiến kinh tế phải trả giá đắt. Các tổ chức tài chính quốc tế như Nomura, Goldman Sachs và JPMorgan đã hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc trong quý III và cả năm 2021. Trung Quốc cũng chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng khiêm tốn là trên 6% trong năm nay.

Công nghiệp giảm tốc

Sản lượng nhà máy đối mặt hàng loạt trở ngại trong tháng 7, bao gồm gián đoạn vì mưa lớn và lũ, tình trạng thiếu hụt chip máy tính, nhu cầu sụt giảm và các quy định môi trường mới.

Theo tính toán của Bloomberg, sản lượng ô tô Trung Quốc giảm tháng thứ 4 liên tiếp và sản lượng thép giảm trong tháng 7 rơi xuống mức thấp nhất trong 15 tháng.

Ông Tommy Xie, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu Trung Quốc tại Oversea-Chinese Banking cho biết: "Chúng tôi đang chứng kiến tác động chồng chất của các nỗ lực giảm thiểu phát thải của Trung Quốc, sự không chắc chắn từ COVID-19, và tình trạng thiếu chip toàn cầu. Lĩnh vực sản xuất vẫn có nhiều triển vọng. Nhưng có thể không đủ để đưa Trung Quốc thoát khỏi chu kỳ kinh tế đang đi xuống".

Những khó khăn bủa vây kinh tế Trung Quốc còn bao gồm tăng trưởng xuất khẩu suy yếu, giá xuất xưởng từ nhà máy leo thang và thị trường nhà đất nguội lạnh vì các kiểm soát chặt chẽ đối với bất động sản. Chính quyền địa phương cũng chậm chạp trong việc phát hành trái phiếu năm nay, báo hiệu mức chi tiêu khiêm tốn cho cơ sở hạ tầng.

Ông Fu Linghu, phát ngôn viên Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc thừa nhận: "Sự phục hồi kinh tế trong nước vẫn còn nhiều thách thức, do hạn chế sản xuất gia tăng và một số vấn đề về cơ cấu ngày càng trở nên nổi cộm".

Động thái chính sách

Các nhà hoạch định chính sách đã báo hiệu sẽ có thêm động thái hỗ trợ cho nền kinh tế. Tại cuộc họp Bộ Chính trị tháng trước, các nhà lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc cam kết sẽ có tăng cường giúp đỡ doanh nghiệp nhỏ, thúc đẩy chi tiêu tài khóa và bổ sung thanh khoản cần thiết thông qua chính sách tiền tệ.

Các nhà kinh tế hiện nhận định có khả năng Trung Quốc sẽ hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho ngân hàng trong những tháng tới sau đợt cắt giảm bất ngờ vào tháng 7.

Một số nhà kinh tế thậm chí còn kêu gọi ngân hàng trung ương Trung Quốc giảm lãi suất. Tuy nhiên, báo cáo quý gần nhất của ngân hàng này viết rằng lãi suất đang "ở mức hợp lý" và cam kết sẽ không bơm thanh khoản tràn ngập nền kinh tế.

Hôm 15/8, ngân hàng trung ương Trung Quốc thậm chí còn giảm thanh khoản với việc chỉ đảo hơn 600 tỷ nhân dân tệ (93 tỷ USD) trong số 700 tỷ nhân dân tệ trái phiếu một năm đã tới hạn. Đồng thời, lãi suất cho các khoản vay cũng giữ nguyên ở mức 2,95%.

Giang

Yagi là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua, Hà Nội gió mạnh nhất từ khoảng 19h ngày 7/9 đến 1h ngày 8/9
Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, cho biết Hải Phòng – Quảng Ninh gió mạnh nhất còn kéo dài đến khoảng 19h ngày 7/9, sau giảm nhanh; Thái Bình – Nam Định gió mạnh nhất từ khoảng 16-22h; Đồng bằng Bắc Bộ (trong đó có thủ đô Hà Nội) gió mạnh nhất từ khoảng 19h ngày 7/9 đến 1h ngày 8/9.