|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Sau 40 năm tăng trưởng thần tốc, kinh tế Trung Quốc đột ngột hãm phanh và chuyển hướng

14:52 | 04/08/2021
Chia sẻ
Bắc Kinh vẫn muốn tăng gấp đôi GDP của Trung Quốc vào năm 2035, nhưng các nhà hoạch định chính sách đang ưu tiên cho sự ổn định và đảm bảo công bằng xã hội.
Sau 40 năm tăng trưởng thần tốc, kinh tế Trung Quốc đột ngột hãm phanh và chuyển hướng - Ảnh 1.

(Hình minh họa: Henry Wong/SCMP)

Theo giới phân tích, Bắc Kinh đang đổi chính sách lớn hướng về quản trị kinh tế và xã hội, có vẻ đang dẫn đến sự suy giảm dài hạn về năng suất doanh nghiệp và tăng trưởng kinh tế của quốc gia.

Đầu tiên, nhà kinh tế trưởng Richard Yetsenga tại ANZ Bank chỉ ra rằng hàng loạt yếu tố hạn chế cho thấy Trung Quốc đang đi xuống con đường tăng trưởng chậm hơn, bao gồm: Giới hạn của nhân khẩu học đến tiêu dùng, hạn chế vĩ mô đến chính sách tiền tệ và tài khóa.

Và các nhà phân tích đều đồng ý rằng cuộc trấn áp lên ngành công nghệ, giáo dục và bất động sản báo hiệu Bắc Kinh đã thiết lập lại các ưu tiên. Cụ thể, giới lãnh đạo Trung Quốc đang đặt trọng tâm vào bình đẳng xã hội và an ninh quốc gia thay vì chỉ tập trung vào tăng trưởng kinh tế.

Sau khi kinh tế Trung Quốc phục hồi mạnh mẽ trong nửa đầu 2021, một số nhà kinh tế dự kiến tăng trưởng trong nửa cuối năm sẽ giảm xuống còn 5 đến 6% so với cùng kỳ. 

Và 5-6% cũng có thể là tốc độ tăng trưởng hàng năm cho 2022 - gần giống với mức tăng trưởng Trung Quốc đã đạt được vào cuối năm 2019, trước đại dịch COVID-19.

Ông Yetsenga nhận xét: "Việc chính sách Trung Quốc đảo chiều 180 độ là mang tính kiến tạo. Nếu công nghệ không thể duy trì tốc độ tăng trưởng cao của Trung Quốc nữa, sự tập trung sẽ chuyển sang sản xuất và tiêu dùng. Nhưng cả hai lĩnh vực này đều đối mặt với những thách thức về cấu trúc riêng".

Ông Larry Hu, nhà kinh tế tại Macquarie Capital lưu ý rằng tăng trưởng kinh tế vẫn là mục tiêu quan trọng do các nhà lãnh đạo Trung Quốc vẫn muốn tăng gấp đôi GDP vào năm 2035. Nhưng sau 40 năm tăng trưởng thần tốc đã nới rộng khoảng cách giàu nghèo ở Trung Quốc, các nhà hoạch định chính sách cảm thấy cần giải quyết những vấn đề xã hội để đảm bảo công bằng.

Theo tờ South China Morning Post (SCMP), mục tiêu đạt "thịnh vượng chung" được nhắc tới trong kế hoạch 5 năm lần thứ 14 của Trung Quốc. Chủ tịch Tập Cận Bình cũng khẳng định thịnh vượng chung "từ lâu đã là lý tưởng cơ bản của người Trung Quốc".

Ông Tommy Xie, trưởng bộ phận nghiên cứu và Trung Quốc tại Ngân hàng OCBC nhận xét: "Con đường đến thịnh vượng chung có nghĩa là kinh tế Trung Quốc nhiều khả năng đang chuyển từ giai đoạn đuổi theo hiệu quả sang giai đoạn theo đuổi sự công bằng".

Trung Quốc đặt mục tiêu nâng thu nhập bình quân đầu người lên 20.000 USD vào năm 2035. Ông Chris Leung, nhà kinh tế tại DBS Group cho biết để làm được vậy, Trung Quốc cần đạt tăng trưởng ít nhất là 4,5% mỗi năm cho 20 năm tới.

Tuy nhiên, rạn nứt trong quan hệ Mỹ-Trung đã buộc giới chức trách chuyển hướng khi xây dựng chính sách, tính đến các ưu tiên khác ngoài kinh tế và tài chính, ông Leung cho biết.

Ví dụ, quyết định ngăn các trường dạy thêm tư thục huy động vốn hay nhận đầu tư từ công ty nước ngoài được cho là kết quả trực tiếp của những lo ngại về an ninh của Bắc Kinh về Washington.

Ông Leung nói thêm: "Chính phủ Trung Quốc nay rất nhạy cảm về sự tham gia của nước ngoài vào tất cả các ngành kinh tế. Họ lo các hệ tư tưởng phương Tây sẽ ảnh hưởng đến suy nghĩ của giới trẻ".

Không thể tránh khỏi

Ông Chris Kushlis, nhà phân tích các thị trường châu Á tại T. Rowe Price nhận xét sự giảm tốc của nền kinh tế số hai thế giới là không thể tránh khỏi vì các yếu tố cấu trúc. Ông lưu ý: "Duy trì tỷ lệ hoàn vốn đầu tư cao trở nên khó khăn hơn khi Trung Quốc dần bắt kịp các quốc gia phát triển".

"Cải cách trong hệ thống tài chính có thể đi liền với sự hy sinh về tăng trưởng", ông Kushlis nói thêm.

Trong cuộc họp của tuần trước, Bộ Chính trị Trung Quốc tái khẳng định kế hoạch duy trì "tính liên tục, ổn định và bền vững của chính sách vĩ mô" cho đến hết năm, bao gồm các hạn chế đối với tăng trưởng tín dụng và kiểm soát bất động sản chặt chẽ.

Bộ Chính trị Trung Quốc cũng cảnh báo tốc độ phục hồi kinh tế có thể sẽ ở mức vừa phải trong nửa cuối năm, tương tự dự báo của các nhà phân tích và kinh tế, tờ SCMP cho biết. 

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc sẽ chậm lại từ 8,1% trong năm nay xuống 5,7% vào năm 2022 và tiếp tục giảm còn 5,1% vào năm 2025.

Ông Mark Williams, nhà kinh tế trưởng của Capital Economics nghi ngờ rằng cải thiện năng suất có thể không còn là một trong những mục tiêu chính của Bắc Kinh. Ông nói: "Thay vào đó, giới lãnh đạo quan tâm đến việc duy trì quyền kiểm soát đối với các bộ phận quan trọng của nền kinh tế. Vì vậy khu vực kinh tế nhà nước sẽ vẫn được bảo vệ".

Trước nguy cơ chia tách với Mỹ ngày càng tăng, Trung Quốc đang thúc đẩy năng lực độc lập về chuỗi cung ứng, tăng cường an ninh quốc gia, đồng thời giảm sự phụ thuộc vào công nghệ nhập khẩu.

Theo thời gian, các hành động này sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng kém hiệu quả kinh tế, theo ông Nick Marro, chuyên gia thương mại toàn cầu của The Economist Intelligence Unit.

Trung Quốc đã tuyên bố sẽ làm cho doanh nghiệp nhà nước "mạnh hơn và lớn hơn", chỉ ra xu hướng nhà nước đóng vai trò lớn hơn trong nền kinh tế, đặc biệt là trong các lĩnh vực liên quan đến 5G và trí tuệ nhân tạo.

Tuy nhiên, doanh nghiệp nhà nước nhìn chung không xuất sắc trong việc quản lý hoạt động hiệu quả, phân bổ nguồn lực thận trọng hoặc ra quyết định dựa trên thị trường. Do vậy ông Marro cho rằng tăng cường vai trò của doanh nghiệp nhà nước có nguy cơ làm giảm năng suất và khả năng tối ưu hóa.

Ông Marro dự kiến tăng trưởng GDP Trung Quốc sẽ dao động quanh 3% vào cuối thập niên này.  

Giang