|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Mỹ và Trung Quốc tranh giành đồng minh Đông Nam Á

08:46 | 02/08/2021
Chia sẻ
Tuần trước, trong khi các quan chức Mỹ cấp cao công du Đông Nam Á, Ngoại trưởng Trung Quốc cũng tìm cách củng cố quan hệ với ASEAN. Áp lực buộc các nước Đông Nam Á phải chọn phe đang ngày càng gia tăng.
Mỹ và Trung Quốc đẩy mạnh lôi kéo các đồng minh Đông Nam Á - Ảnh 1.

Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tại Hà Nội ngày 29/7. (Ảnh: EPA-EFE).

Theo South China Morning Post (SCMP), cả Mỹ và Trung Quốc đều đang đẩy mạnh nỗ lực thu hút các nước Đông Nam Á trong bối cảnh quan hệ giữa hai siêu cường vẫn căng thẳng.  

Tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin trở thành bộ trưởng nội các đầu tiên từ chính quyền Biden đến thăm Đông Nam Á. Tuy ông nhấn mạnh rằng Washington "không yêu cầu các nước trong khu vực lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc", ông cũng không hề e dè trong việc chỉ trích Bắc Kinh.

"Đáng tiếc là việc Bắc Kinh không sẵn lòng giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình và tôn trọng pháp quyền không chỉ diễn ra trên biển", ông Austin đề cập đến vấn đề Biển Đông.

Ông Austin tiếp tục nhắc đến xung đột biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ, các hành động gây sức ép lên Đài Loan và cáo buộc vi phạm nhân quyền đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Từ trước, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã bày tỏ lo ngại rằng các nước Đông Nam Á đang bị đặt vào tình thế tiến thoái lưỡng nan giữa Mỹ và Trung Quốc.

Mục đích chuyến thăm của bộ trưởng quốc phòng Mỹ rất rõ ràng: Đẩy mạnh sự hợp tác giữa Mỹ với các nước trong khu vực giữa lúc quan hệ ngoại giao Washington và Bắc Kinh rơi vào bế tắc.

Ông Austin nói với các quan chức, nhà ngoại giao và học giả tại Singapore hôm 27/7: "Mạng lưới liên minh và tình bạn của chúng ta là một tài sản chiến lược không gì có thể sánh được. Và tôi không bao giờ xem nhẹ đồng minh".

Ông Li Mingjiang, Giáo sư tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S Rajaratnam thuộc Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore nhận định mâu thuẫn ngày càng tăng giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ khiến các nước Đông Nam Á lo ngại. Nhiều nguyên thủ quốc gia như Thủ tướng Lý Hiển Long đã nhiều lần tỏ ý không muốn bị ép phải chọn phe.

Mỹ và Trung Quốc đẩy mạnh lôi kéo các đồng minh Đông Nam Á - Ảnh 2.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã nói rằng nhiều quốc gia Đông Nam Á không muốn bị buộc phải chọn giữa Mỹ hoặc Trung Quốc. (Ảnh: South China Morning Post).

Ông Li nhận xét: "Giọng điệu trong toàn bộ bài phát biểu của Bộ trưởng Austin là ông ấy hy vọng rằng các quốc gia Đông Nam Á sẽ tăng cường quan hệ đối tác với Mỹ. Thực chất, ông Austin đang cố gắng thuyết phục các nước chọn phe và các nhà lãnh đạo ở Đông Nam Á hẳn đã hiểu được thông điệp đó".

Một nhà quan sát nói rằng các chuyến công du sang châu Á gần đây của các quan chức Mỹ cấp cao là bằng chứng cho thấy chính quyền Biden đang củng cố các mối liên minh phương đông để kiểm soát thách thức từ Trung Quốc.

Một ngày sau khi Bộ trưởng Austin đến Singapore, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken có chuyến thăm đầu tiên đến Ấn Độ. Ông mô tả quan hệ đối với với Ấn Độ là "một trong những ưu tiên chính sách đối ngoại hàng đầu của Mỹ".

Ở New Delhi, ông Blinken gặp gỡ Thủ tướng Narendra Modi và cùng người đồng cấp Subrahmanyam Jaishankar lặp lại cam kết mở rộng sự hợp tác của nhóm "Bộ Tứ" - Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia. Bắc Kinh coi liên minh 4 nước này là một nỗ lực để giảm thiểu ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.

Động thái của Trung Quốc

Về phần mình, Bắc Kinh đang tìm cách xây dựng chiến lược đối phó với các động thái của Mỹ. Vào ngày Bộ trưởng Austin đến Hà Nội, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến kỷ niệm 30 năm quan hệ chính thức với ASEAN. Ông kêu gọi ASEAN áp dụng "chủ nghĩa đa phương với các đặc điểm châu Á".

Ngoại trưởng Vương Nghị khẳng định: "Trung Quốc luôn coi ASEAN là ưu tiên ngoại giao trong khu vực. Cả hai bên nên tiến hành liên lạc thường xuyên ở tất cả các cấp, đồng thời tiếp tục thấu hiểu và ủng hộ lợi ích cốt lõi của nhau".

Giáo sư Li cho biết Bắc Kinh đang nỗ lực ngăn Đông Nam Á ngả về phía Mỹ.

"Từ góc độ của Bắc Kinh, họ rất khó gây ảnh hưởng thực sự lên các nước như Nhật Bản, Australia hay Ấn Độ. Nhưng tầm ảnh hưởng của Trung Quốc tại Đông Nam Á có thể coi là tương đối lớn hơn và Bắc Kinh đã nỗ lực rất nhiều để kéo Đông Nam Á và ASEAN xích lại gần hơn về phía mình".

Ông Li cho biết Đông Nam Á và Trung Quốc có điểm chung, ví dụ như nhiều nước trong khu vực nghi ngờ về nhóm "Bộ Tứ". Ông chỉ ra mối lo ngại rằng liên minh không chính thức này có thể phát triển thành nhóm quân sự đối đầu với Trung Quốc và kéo khu vực vào cuộc cạnh tranh gay gắt giữa hai siêu cường hàng đầu thế giới.

"Các nước Đông Nam Á hiểu rằng nếu cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung tiếp tục gia tăng, họ sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức và khó khăn hơn khi giải quyết các vấn đề của hai nước và khu vực".

Giang