Những điều ít biết về Tân Cương, vùng đất giàu tài nguyên và lắm tranh cãi của Trung Quốc
Tân Cương là khu vực giàu tài nguyên. Trong 122 mỏ khoáng sản đã được phát hiện ở đây, có thể kể đến than, sắt, kẽm, crom, niken và đồng. Vàng được khai thác từ sườn phía nam của dãy núi Altai.
Tài nguyên mang tầm ý nghĩa quốc gia ở Tân Cương là than đá, dầu mỏ và khí tự nhiên. Theo Trung tâm Thông tin Internet Trung Quốc, than đá của Tân Cương ước tính chiếm khoảng 38% tổng trữ lượng cả nước. Trữ lượng dầu mỏ và khí tự nhiên vào khoảng 30 tỷ tấn, chiếm hơn 25% tỷ trọng toàn quốc.
Từ năm 2014, Trung Quốc đã đẩy mạnh khai thác năng lượng tại đây, với dự định biến khu vực tây bắc Tân Cương thành trung tâm quốc gia về dầu, khí đốt và than đá, tờ New York Times cho biết.
Đối với Trung Quốc, Tân Cương từ lâu đã có ý nghĩa kinh tế quan trọng. Con đường tơ lụa nổi tiếng chạy qua khu vực này và cho phép Trung Quốc kết nối với các đối tác thương mại quan trọng trên khắp châu Á và châu Âu.
Ngày nay, Tân Cương vẫn đóng vai trò là cầu nối giữa Trung Quốc với các thị trường Trung Á, Trung Đông và châu Âu. Tân Cương là trung tâm logistics lớn nhất đối với các nước tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường.
Tân Cương đồng thời là điểm nóng địa chính trị của Trung Quốc. Nhiều nước phương Tây, bao gồm Mỹ, Anh, châu Âu và Canada, cáo buộc Bắc Kinh vi phạm nhân quyền với những dân tộc thiểu số ở Tân Cương và áp lệnh trừng phạt lên các quan chức Trung Quốc.
Bắc Kinh phủ nhận mọi cáo buộc và khẳng định các trại cải tạo ở Tân Cương đóng vai trò quan trọng để chống lại chủ nghĩa cực đoan.
Dưới đây là 8 sự thật không phải ai cũng biết về Tân Cương.
1.Tân Cương rất lớn
Tân Cương là đơn vị hành chính cấp tỉnh lớn nhất Trung Quốc với diện tích khoảng 1,6 triệu km2. Tân Cương chiếm khoảng 17% lãnh thổ Trung Quốc song chỉ chiếm chưa đầy 2% dân số.
Diện tích Tân Cương lớn hơn cả Pháp, Đức và Tây Ban Nha cộng lại, đồng thời lớn gấp gần 5 lần Việt Nam.
Trong các tiểu thuyết kiếm hiệp của cố nhà văn Kim Dung, Tân Cương thường được gọi với cái tên Tây Vực.
2. Đa sắc tộc
Tên đầy đủ của Tân Cương là Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương. Nhưng thực chất, Tân Cương là nơi sinh sống của hơn 40 nhóm dân tộc khác nhau, trong đó lớn nhất là người Duy Ngô Nhĩ và người Hán.
Ngoài người Hui (người Hồi giáo Trung Quốc), các nhóm dân tộc khác bao gồm người Mông Cổ, người Khalkha, người Kazakhstan, người Uzbek, người Tatars, người Nga và người Tahurs.
3. Tân Cương tiếp giáp 8 nước
Tân Cương có đường biên giới tiếp giáp với tận 8 quốc gia, bao gồm: Mông Cổ, Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Afghanistan, Pakistan và Ấn Độ. Ngoài ra, Tân Cương còn giáp với hai tỉnh Cam Túc, Thanh Hải và khu tự trị Tây Tạng.
Vị trí địa lý nhạy cảm là một trong những nguyên do Trung Quốc chi nhiều tiền để bảo vệ biên giới Tân Cương.
Theo bình quân đầu người, năm 2017, Trung Quốc chi 2.417 nhân dân tệ cho an ninh tại Tân Cương, trong khi đó bình quân cả nước là 763 nhân dân tệ. Số liệu này là ước tính của ông Adrian Zenz, nhà nghiên cứu Trung Quốc tại Trường Văn hóa và Thần học Châu Âu ở Đức.
4. "Vạn lý Trường thành thép"
Năm 2017, Chủ tịch Tập Cận Bình nói với các đại biểu Tân Cương về việc cần thiết phải tạo ra "Vạn lý Trường thành bằng thép" để bảo vệ an ninh khu tự trị này. Đầu năm 2018, chính quyền tỉnh Tân Cương tuyên bố sẽ xây "Vạn lý Trường thành" để ngăn các tay súng bên ngoài xâm nhập.
Vào giai đoạn này, khu vực phía nam Tân Cương đã xảy ra tình hình bạo lực khiến hàng trăm người chết. Chính phủ Trung Quốc cho rằng tình hình này là lỗi của các thành phần ly khai và nhóm Hồi giáo cực đoan có liên hệ với nước ngoài.
5. Từng là nơi đặt cơ sở thử nghiệm hạt nhân của Trung Quốc
Vào tháng 10/1964, Trung Quốc tiến hành vụ thử vũ khí hạt nhân đầu tiên tại khu vực Lop Nur, Tân Cương. Trong vài thập kỷ tiếp theo Căn cứ Thử nghiệm Hạt nhân Lop Nur được mở rộng và có diện tích lên tới 100.000 km2, trở thành căn cứ thử nghiệm hạt nhân lớn nhất trên thế giới. Trước khi đóng cửa vào năm 1996, căn cứ Lop Nur đã diễn ra 45 vụ thử hạt nhân.
Vào năm 2013, Trung Quốc khiến thế giới chấn động khi thông báo ý định biến căn cứ Lop Nur thành trung tâm giải trí. Tuy nhiên, có vẻ như ý tưởng này đã không thành hiện thực.
6. Một trong những vựa bông lớn nhất thế giới
Trung Quốc là một trong những nước sản xuất bông lớn nhất trên thế giới, cung cấp hơn 1/5 lượng bông được sử dụng trên toàn cầu. Trong đó, khoảng 87% sản lượng bông của Trung Quốc đến từ Tân Cương.
Một số tổ chức nhân quyền cáo buộc bông Tân Cương được sản xuất dựa trên lao động cưỡng bức. Năm 2021, một số thương hiệu phương Tây đã loại bỏ bông Tân Cương khỏi chuỗi cung ứng và vấp phải làn sóng tẩy chay của người tiêu dùng Trung Quốc.
7. Khan hiếm nước
Tân Cương chủ yếu là những vùng sa mạc hoang vu. Tình trạng khan hiếm nước và mối nguy tình trạng sa mạc hóa trầm trọng hơn nữa có ảnh hưởng lớn đến trồng bông, ngành hao tốn nhiều nước.
Việc khôi phục kênh, cải thiện hệ thống thoát nước và chuyển sang tưới nhỏ giọt đã giúp cải thiện các hoạt động bảo tồn nước trong khu vực. Tuy nhiên, Viện Tài nguyên Thế giới vẫn xếp một phần lớn Tân Cương là "rủi ro cao" về thiếu nước.
8. Có "Thủy quái Hồ Loch Ness"
Hầu hết mọi người đều nghe đến cái tên "Quái vật Hồ Loch Ness" nhưng ít người biết rằng Tân Cương cũng có thủy quái truyền thuyết. Người dân địa phương tin rằng có quái vật lớn sống ở hồ Kanas, hồ nước phía bắc Tân Cương gần biên giới với Nga.
Cứ vài năm một lần, các du khách lại đăng tải vài video nhòe dường như quay cảnh một con vật lớn trong hồ Kanas, nhưng chưa ai xác định được đó là loài gì.