|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

8 điều bất ngờ về Oman, quốc gia dầu mỏ phụ thuộc vào Trung Quốc

12:42 | 25/07/2021
Chia sẻ
Oman hiểu rõ mối nguy của việc lệ thuộc kinh tế vào Trung Quốc và đang cố gắng tạo ra đối trọng bằng cách cho phép Hải quân Mỹ sử dụng cảng biển và sân bay của quốc gia.
8 điều bất ngờ về Oman, quốc gia dầu mỏ phụ thuộc vào Trung Quốc - Ảnh 1.

Quốc vương Haitham bin Tariq al-Said của Oman. (Ảnh: Reuters).

Giống như nhiều quốc gia nằm trên Bán đảo Arab, Oman là nước xuất khẩu dầu. Ngành dầu khí đóng góp 34% GDP danh nghĩa và 76% nguồn thu của chính phủ Oman trong năm 2019. 

Tuy nhờ "vàng đen" mà Oman trở thành nước có thu nhập cao, nhưng hệ lụy từ sự thất thường của giá dầu đang thúc đẩy nước này đa dạng hóa kinh tế thông qua du lịch và các ngành công nghiệp dựa vào khí đốt.

Oman là nhà sản xuất dầu và khí tự nhiên lớn nhất ở Trung Đông mà không phải thành viên của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Năm 2020, Oman đứng thứ 14 trong bảng xếp hạng các nhà xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới. Giá trị xuất khẩu dầu thô của Oman năm 2020 đạt 15 tỷ USD, chiếm 2,3% lượng xuất khẩu toàn cầu.

Trung Quốc là điểm đến hàng đầu cho dầu của Oman. Khoảng 78% lượng dầu thô xuất khẩu của Oman được vận chuyển sang Trung Quốc, tiếp theo là Nhật Bản và Ấn Độ với tỷ lệ lần lượt là 8% và 5%. Có thể thấy rõ sự phụ thuộc nguy hiểm của tình hình tài khóa ngắn hạn của Oman vào xuất khẩu năng lượng sang Trung Quốc.

8 điều bất ngờ về Oman, quốc gia dầu mỏ phụ thuộc vào Trung Quốc - Ảnh 2.

Báo cáo thường niên năm 2019 của Oman viết rằng trong 4 năm qua, Trung Quốc là một trong 4 nhà nhập khẩu chính các mặt hàng phi xăng dầu của nước này.

Nhưng theo Viện nghiên cứu các nước Arab ở Washington, dầu thô chiếm đến 92,4% tổng xuất khẩu của Oman sang Trung Quốc vào năm 2018. Sự phụ thuộc quá mức vào dầu thô trong thương mại song phương giữa Oman với Trung Quốc hầu như không thay đổi trong thập kỷ qua, khiến nước này khó đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu và nền kinh tế.

Dưới đây là 8 điều bất ngờ về Oman. 

1. Tiền Trung Quốc và tàu chiến Mỹ

8 điều bất ngờ về Oman, quốc gia dầu mỏ phụ thuộc vào Trung Quốc - Ảnh 3.

Tàu sân bay USS Harry S. Truman và tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường USS Normandy có chuyến thăm cảng đầu tiên tại Duqm vào năm 2020. (Ảnh: Hải quân Mỹ).

Theo Hội đồng Đại Tây Dương, vị trí chiến lược của Oman như một trung tâm logistics rất có giá trị đối với Sáng kiến Vành đai và Con đường. Cảng Duqm có vị thế đặc biệt quan trọng. Năm 2016, một nhóm công ty đầu tư Trung Quốc và chính phủ Oman đã ký kết thỏa thuận trị giá 10,7 tỷ USD để xây dựng khu công nghiệp trong thành phố cảng Duqm.

Mỹ cũng chú ý tới Duqm trong vai trò căn cứ quân sự. Tháng 3/2019, Lầu Năm Góc đạt được thỏa thuận cho phép tàu và máy bay chiến đấu của Mỹ tận dụng các cảng và sân bay của nước này, bao gồm cảng Duqm.

Chính phủ Oman hiểu rõ sự lệ thuộc quá mức vào Trung Quốc. Hải quân Mỹ có thể cung cấp một đối trọng tại Duqm. Tuy nhiên, Oman đang tự đặt mình vào tình thế cân bằng mong manh giữa hai siêu cường căng thẳng sâu sắc với nhau.

2. Sở hữu cả vàng trắng lẫn vàng đen

8 điều bất ngờ về Oman, quốc gia dầu mỏ phụ thuộc vào Trung Quốc - Ảnh 4.

Oman còn được biết đến là vùng đất hương trầm. (Ảnh: omanobserver.com)

Trầm hương từng là nguồn của cải chính ở Oman và có giá cao hơn cả vàng. Trong suốt 6000 năm, trầm hương được sử dụng như một loại nước hoa và thuốc chữa bách bệnh. Người địa phương gọi trầm hương là vàng trắng. Những cây trầm hương của Oman được ghi nhận là Di sản Thế giới của UNESCO.

3. Không đánh thuế thu nhập cá nhân

Hiện tại không có bất kỳ loại thuế thu nhập cá nhân nào được ban hành ở Oman. Khoản đóng góp an sinh xã hội 17,5% được áp dụng với lao động là công dân Oman. Người lao động đóng 7% tiền lương, chủ lao động trả 10,5%. Người nước ngoài đến làm việc tại Oman không phải nộp khoản này. Thuế VAT hiện tại là 5%.

4. Cửa ngõ của Qatar

8 điều bất ngờ về Oman, quốc gia dầu mỏ phụ thuộc vào Trung Quốc - Ảnh 5.

(Ảnh: Encyclopaedia Britannica).

Oman theo đuổi chính sách ngoại giao trung lập, độc lập, tìm cách duy trì mối quan hệ tốt với mọi nước Trung Đông. Oman trở thành cửa ngõ trung chuyển chính đến Qatar sau khi một số quốc gia vùng Vịnh Ba Tư cắt các tuyến đường biển tới Qatar năm 2017. 

Có đi có lại, năm 2020, Qatar gửi 1 tỷ USD hỗ trợ Oman trong bối cảnh nước này vật lộn với cuộc khủng hoảng tài chính vì COVID-19 và giá dầu giảm.

5. Chỉ có một tỷ phú

Theo tờ Forbes Middle East, tính đến tháng 4/2021, Oman chỉ có duy nhất một tỷ phú là ông Suhail Bahwan, với tài sản ròng 2,3 tỷ USD. Ông Bahwan là nhà sáng lập và Chủ tịch Suhail Bahwan Group, một trong những doanh nghiệp lớn nhất của Oman. Tập đoàn này là nhà sản xuất phân bón lớn, đồng thời sở hữu các đại lý Nissan và BMW.

6. Không có tàu hỏa và rừng cây

Tờ Telegraph cho biết Oman là một trong 27 quốc gia không có tàu hỏa. Tuy nhiên, đất nước Trung Đông này đang có kế hoạch xây dựng đường sắt lớn. Nhưng một điều còn đáng ngạc nhiên hơn là Oman không có rừng cây nào. Hoàn toàn không.

7. Đất nước cổ xưa

8 điều bất ngờ về Oman, quốc gia dầu mỏ phụ thuộc vào Trung Quốc - Ảnh 6.

Muttrah Corniche, con đường dọc bến cảng ở thủ đô Muscat của Oman. (Ảnh: Shutterstock).

Oman có lẽ đã xuất hiện trên bản đồ thế giới từ thế kỷ thứ 6 trước Công Nguyên – và chắc chắn đã hình thành từ thế kỷ thứ 2 sau Công Nguyên. Oman là quốc gia độc lập lâu đời nhất trong thế giới Arab. 

Oman nổi tiếng với các pháo đài và lâu đài đã được phục hồi. Muscat, thủ đô Oman, thích thể hiện mình là một trong những thành phố văn hóa nhất Trung Đông.

8. Thủ đô Oman từng nằm ở châu Phi

8 điều bất ngờ về Oman, quốc gia dầu mỏ phụ thuộc vào Trung Quốc - Ảnh 7.

Pháo đài Old Fort người Oman xây dựng tại Tanzania. (Ảnh: Wikimedia).

Vị trí trung tâm của Muscat đối với đời sống người dân Oman đã bị tổn hại vào năm 1832. Trên thực tế, đây là năm mà thành phố phải chịu đựng một sự giáng cấp nhục nhã. Vào năm 1698, Oman đã chiếm được hòn đảo phía đông châu Phi (nay là một bộ phận của Tanzania). 

Đến giữa thế kỷ 19, người thống trị Oman lúc đó là Said bin Sultan yêu quý hòn đảo nhiệt đới đến mức quyết định sống ở đó trọn đời. Nhân tiện, ông chuyển luôn cả thủ đô đến nơi mình ở.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Giang

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.