Dẫu tranh cãi nảy lửa tại Thiên Tân, quan chức Mỹ - Trung vẫn chừa đường lui cho tương lai
Trung Quốc đưa ra hai danh sách yêu cầu
Sáng ngày 26/7, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman đã gặp mặt người đồng cấp Trung Quốc Tạ Phong tại thành phố Thiên Tân trong khuôn khổ chuyến thăm đầu tiên của bà tới đất nước tỷ dân.
Cuộc gặp mặt này cũng đánh dấu chuyến công du đầu tiên của một quan chức cấp cao trong chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Trung Quốc. Tại đây, Thứ trưởng Tạ Phong cho biết mối quan hệ giữa hai siêu cường "đang đi vào bế tắc và phải đối mặt với những trở ngại nghiêm trọng".
Ông Tạ đã trình bày với người đồng cấp đến từ Mỹ hai danh sách yêu cầu mà ông cho là cần thiết để ổn định mối quan hệ. Trung Quốc muốn "Mỹ phải dừng các hành vi sai trái" cũng như "những vụ việc riêng lẻ mà Bắc Kinh quan ngại", theo tờ Xinhua.
Trong danh sách trên, Bắc Kinh yêu cầu Washington phải thu hồi các biện pháp trừng phạt đối với quan chức và các cơ quan chính phủ Trung Quốc, đồng thời chấm dứt nỗ lực dẫn độ CFO Mạnh Vãn Chu của Huawei Technologies từ Canada sang Mỹ.
Chia sẻ với báo chí sau cuộc hội đàm, các quan chức cấp cao của chính quyền Biden cho biết chuyến thăm của bà Sherman tập trung vào việc thiết lập chừng mực cho mối quan hệ song phương, hơn là đàm phán các vấn đề cụ thể.
Dù mô tả cuộc trò chuyện giữa ông Tạ và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Sherman là thẳng thắn và chuyên nghiệp, các quan chức Mỹ cũng lưu ý rằng đây là một cuộc hội đàm nảy lửa, Bloomberg cho biết thêm.
Theo lời của các quan chức chính phủ Mỹ, tại cuộc họp, bà Sherman đã bày tỏ lo ngại của Washington về các chính sách của Bắc Kinh ở Hong Kong cũng như Tân Cương. Ngoài ra, vị thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ còn thúc giục đất nước tỷ dân ngừng chèn ép kinh tế đối với các đồng minh.
Song, các cuộc đàm phán tại thành phố Thiên Tân có thể là bước đầu tiên để tổ chức một cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình, có thể là tại cuộc họp của khối G20 vào tháng 10 năm nay.
Trong cuộc họp báo cùng ngày tại thủ đô Washington, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki đã được hỏi liệu những bất đồng tại Thiên Tân có ngăn cản cuộc gặp giữa hai nguyên thủ quốc gia hay không.
Đáp lại, bà Psaki nhấn mạnh rằng Tổng thống Biden vẫn "tin tưởng vào đường lối ngoại giao trực tiếp" và hy vọng hai nhà lãnh đạo có thể sớm gặp nhau "ở một thời điểm nào đó".
Giáo sư Zhu Feng của Đại học Nam Kinh (Trung Quốc) nhận xét, bình luận của Thứ trưởng Tạ Phong cho thấy cuộc đàm phán "thực sự rất cam go" và "giống như phần tiếp theo" của cuộc gặp căng thẳng tại Alaska (Mỹ) hồi tháng 3 năm nay.
"Hơn nữa, thông qua bình luận của mình, ông Tạ còn muốn trấn an công chúng Trung Quốc rằng chính phủ sẽ không khuất phục trước áp lực ngày càng lớn từ phía Mỹ", giáo sư Zhu nói thêm.
Đầu tháng 7 này, nhà lãnh đạo Tập Cận Bình đã báo hiệu rằng Bắc Kinh sẽ quyết liệt hơn trên trường thế giới. Trong bài phát biểu kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông nhấn mạnh dân tộc Trung Hoa sẽ "không bao giờ cho phép bất kỳ thế lực nước ngoài nào bắt nạt, ép buộc và nô dịch".
Thách thức mà Washington và Bắc Kinh phải đối mặt chính là hai bên phải giải quyết bất đồng nhưng không được để dư luận trong nước cho rằng họ đang nhượng bộ đối phương.
Đây là một trở ngại lớn khi mà nhiều quan chức trong chính phủ Trung Quốc vẫn còn cảm thấy chua chát sau cuộc chiến thương mại nổ ra dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump cũng như do những mâu thuẫn về các vấn đề Tân Cương, Đài Loan và Hong Kong.
Chuyến thăm của bà Sherman là một phần trong chính sách ngoại giao của Washington tại châu Á. Tuần này, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken dự kiến sẽ đến thăm Ấn Độ, trong khi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lloyd Austin sẽ công du Singapore, Việt Nam và Philippines.