COVID-19 khoét sâu cách biệt kinh tế vùng miền của Trung Quốc
Mùa hè năm nay, quán cafe của cô Zhang Luoluo kỷ niệm 10 năm thành lập bằng vài điệu nhạc và dăm ba khách hàng. Tọa lạc tại một khu phố nghệ thuật ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, quán cà phê màu hồng của cô Zhang là một trong số ít cửa tiệm vẫn đang hoạt động.
Cô Zhang cho biết khu phố vốn từng chật cứng đám đông giờ đã trở nên tiêu điều sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát đầu năm 2020.
Kể từ khi mở cửa vào tháng 4 năm ngoái sau ba tháng phong tỏa, hy vọng của cô về việc nhanh chóng trở lại bình thường đã tan thành mây khói khi những người thuê xung quanh lần lượt chuyển chỗ ở hoặc đóng cửa vĩnh viễn.
"Những người trẻ tuổi làm việc tại các công ty đó từng là khách hàng chính của chúng tôi, nhưng giờ họ đã ra đi. Chúng tôi đã cố quảng cáo, tân trang cửa hàng, nhưng sự kiên trì, đấu tranh và nỗ lực của chúng tôi đều vô ích", cô Zhang than thở.
Đối với rất nhiều chủ doanh nghiệp nhỏ như cô Zhang, Vũ Hán trong ký ức của họ chưa bao giờ thực sự trở lại và vẫn đang oằn mình với "di chứng" từ COVID-19. Rất nhiều nền kinh tế khu vực tại Trung Quốc cũng đang chịu số phận tương tự.
Trung Quốc là nền kinh tế lớn đầu tiên phục hồi từ đại dịch, nhưng quá trình này diễn ra không đồng đều. Dữ liệu cho thấy sự phân hóa kinh tế giữa các khu vực có tương quan chặt chẽ với phục hồi trong chi tiêu tiêu dùng ở các tỉnh khá giả và tiêu dùng kém ở các tỉnh nghèo hơn.
Ông Zhang Zhiwei, nhà kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management cho biết: "Tác động của đại dịch đối với tăng trưởng kinh tế có thể lâu hơn dự đoán ban đầu. Mọi người từng nghĩ đại dịch đã kết thúc và mọi thứ sẽ trở lại bình thường. Nhưng bây giờ chúng ta có thể thấy điều này không đúng".
Các đợt bùng phát lẻ tẻ của biến thể Delta lan rộng khắp Trung Quốc trong những tuần gần đây khiến chính quyền địa phương áp đặt biện pháp hạn chế, ảnh hưởng đến cả người tiêu dùng lẫn doanh nghiệp. Các khu vực có nền tảng kinh tế mạnh và cân bằng hơn có thể chống chọi với tình thế tốt hơn.
Sự phân hóa kinh tế thể hiện rõ rệt trong số liệu tăng trưởng cấp tỉnh, với 29 trong số 31 đơn vị hành chính cấp tỉnh của Trung Quốc đã công bố số liệu chính thức cho nửa đầu năm 2021.
Theo phân tích của South China Morning Post (SCMP), tăng trưởng GDP của mỗi tỉnh có tương quan chặt chẽ với sự phục hồi của doanh số bán lẻ.
6 trong số 8 tỉnh có tốc độ tăng GDP trung bình hai năm lớn nhất báo cáo tăng trưởng doanh số bán lẻ lớn hơn hoặc bằng nửa đầu năm 2019. Lưu ý là 7 trong số 8 tỉnh này nằm ở miền nam Trung Quốc.
Trong khi đó, tất cả 5 tỉnh tăng trưởng kinh tế chậm chạp nhất báo cáo doanh số bán lẻ tăng trưởng âm trong nửa đầu năm 2021 so với cùng kỳ 2019. Các tỉnh này bao gồm Hồ Bắc, ba tỉnh "vành đai rỉ sắt" Hắc Long Giang, Liêu Ninh, Nội Mông, và tỉnh Hà Bắc.
Tiêu dùng sụt giảm ở Hồ Bắc, Hắc Long Giang và Liêu Ninh một phần có thể do hậu quả của đợt bùng phát COVID-19 hồi quý I dẫn đến phong tỏa một phần. Nhưng Quảng Đông - tỉnh giàu nhất Trung Quốc - cũng chứng kiến số ca nhiễm tăng vào tháng 5 khiến tăng trưởng kinh tế chậm lại, vẫn có doanh số bán lẻ cao hơn so với mức trước đại dịch.
Khoảng cách thu nhập
Chênh lệch giàu nghèo ngày càng tăng giữa miền bắc và nam không phải vấn đề mới mẻ ở Trung Quốc. Tuy nhiên, nhà kinh tế Zhang của Pinpoint nói rằng sự phân hóa trong tiêu dùng khu vực là một xu hướng mới và đáng lo ngại.
Theo giới phân tích, đằng sau khác biệt về mức độ tiêu dùng là khoảng cách về việc làm và thu nhập.
Kể từ khi đại dịch bùng phát, tốc độ tăng trưởng thu nhập của các gia đình nghèo thấp hơn nhiều so với mức trung bình. Khoảng cách ngày càng nới rộng này rất có thể là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tiêu dùng yếu như hiện nay, ông Zhang nhận định.
Trong nửa đầu năm 2021, thu nhập khả dụng bình quân đầu người của các hộ gia đình thành thị Trung Quốc tăng 11,4% so với một năm trước. Trong khi đó, mức tăng trung bình của cả nước chỉ là 9,7%. Khoảng cách 1,7 điểm % là mức lớn nhất trong nhiều năm.
Bức tranh việc làm địa phương cũng có mảng tối mảng sáng. Trong quý II, số lượng việc làm tại miền đông, miền trung và miền tây Trung Quốc lớn hơn số người ứng tuyển, báo hiệu môi trường thuận lợi cho người lao động.
Nhưng ở phía đông bắc và hầu hết các thành phố lớn ở phía bắc như Bắc Kinh và Thiên Tân thì tình hình lại trái ngược, theo khảo sát của Viện Nghiên cứu Việc làm Trung Quốc ở Đại học Renmin và trang web tìm việc Zhaopin.
Sự mất cân bằng trong thị trường việc làm sẽ càng cản trở tiêu dùng ở miền bắc vì nó sẽ cuốn theo dân số trong độ tuổi lao động.
Ông Song Houze, nhà nghiên cứu Trung Quốc tại Viện Paulson giải thích: "Kể từ đại dịch, tình hình việc làm ở nhiều nơi không được tốt. Vì vậy, mọi người chắc chắn sẽ đến những nơi tương đối thịnh vượng để dễ kiếm việc hơn".
Tại các tỉnh miền bắc, đầu tư cơ sở hạ tầng - vốn là động cơ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - nay đã tê liệt. Chiến dịch giảm nợ của chính phủ khiến chính quyền địa phương bó tay trong việc tài trợ cho các khoản đầu tư. Do đó, sự chênh lệch giữa các khu vực dự kiến sẽ trở nên trầm trọng hơn trong nửa cuối năm, ông Song dự đoán.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/