Nguy cơ tổn hại kinh tế thế giới vì Trung Quốc chống dịch quá nghiêm ngặt
Trung Quốc đã siết chặt các biện pháp chống COVID-19 để hạn chế sự gia tăng ca nhiễm gần đây. Theo ông David Roche, Chủ tịch và chuyên gia đầu tư toàn cầu tại hãng tư vấn Independent Strategy, động thái này có thể kìm hãm tăng trưởng kinh tế và tác động xấu đến thị trường chứng khoán của Trung Quốc.
Tâm lý nhà đầu tư đối với cổ phiếu Trung Quốc đã trở nên tiêu cực sau khi Bắc Kinh trấn áp ngành công nghệ và dạy thêm trực tuyến.
Ông Roche nói với CNBC hôm 10/8: "Các thị trường đã quen với lối suy nghĩ rằng COVID-19 rất tồi tệ. Nhưng để phục hồi kinh tế, các nước đang dỡ bỏ biện pháp phong tỏa và giãn cách xã hội. Đây là công thức chung của thế giới hiện nay".
"Trung Quốc không áp dụng công thức chung vì những lý do chính đáng. Do đó, thị trường cần phải chấp nhận thực tế rằng không chỉ Trung Quốc phải chịu phí tổn kinh tế vì chiến lược chống COVID-19 mà thế giới cũng vậy".
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc báo cáo 143 trường hợp mắc COVID-19 mới ở đại lục vào ngày 9/8. Reuters cho biết 143 là số ca bệnh hàng ngày cao nhất kể từ tháng 1 tại quốc gia này. Truyền thông nhà nước Trung Quốc cho rằng nguyên nhân khiến COVID-19 bùng phát trở lại là biến thể Delta có khả năng lây lan mạnh.
Tuần trước, các nhà chức trách đã ra lệnh xét nghiệm hàng loạt tại Vũ Hán, và áp dụng hạn chế đi lại ở nhiều thành phố lớn bao gồm Bắc Kinh.
Một số nhà kinh tế đã bày tỏ quan ngại về cách tiếp cận "không khoan nhượng" của Trung Quốc đối với COVID-19, ý chỉ việc Trung Quốc mạnh tay dập tắt bất kỳ đợt bùng phát nào.
Cách tiếp cận "không khoan nhượng" bao gồm biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt và xét nghiệm hàng loạt đã giúp Trung Quốc kiểm soát các đợt bùng phát trong quá khứ cho đến khi làn sóng mới nhất xuất hiện.
Nhưng biến chủng Delta dễ lây lan hơn và có thể khó ngăn chặn hơn so với trước đây. Các nhà kinh tế cảnh báo các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt có thể ảnh hưởng đến sự phục hồi kinh tế ở Trung Quốc.
Các nhà kinh tế từ ngân hàng ANZ viết trong báo cáo hôm 10/8: "Nếu việc phong tỏa và tiến độ tiêm vắc xin không cho phép các nền kinh tế địa phương mở cửa trở lại vào giữa tháng 8 hoặc đầu tháng 9, chúng tôi sẽ cần phải xem xét lại dự báo tăng trưởng GDP 8,8% của Trung Quốc năm 2021".
Tác động của Trung Quốc đến kinh tế toàn cầu
Ông Roche cảnh báo bất kỳ sự gián đoạn nào của kinh tế Trung Quốc có thể tác động đến tăng trưởng kinh tế thế giới.
Ông giải thích rằng Trung Quốc tăng thêm các khu vực bị phong tỏa có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu - phần lớn được đặt tại nước này. Rắc rối của chuỗi cung ứng có khả năng làm suy giảm thương mại quốc tế, gia tăng chi phí của một số hàng hóa, kéo theo dự đoán về lạm phát trên toàn thế giới đi lên.
Ông Roche dự kiến tăng trưởng GDP của Trung Quốc sẽ giảm từ 7,9% trong quý II xuống còn 2-3% trong quý III. Về dài hạn, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ ổn định quanh mức 5-6%.
"Tôi nghĩ Trung Quốc đang rời khỏi cuộc phục hồi kinh tế lớn hậu COVID-19, và đang hội tụ với quỹ đạo tăng trưởng dài hạn, thấp hơn nhiều so với những gì mọi người đã quen chứng kiến".
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/