Trung Quốc đang vẽ lại bản đồ năng lượng toàn cầu, có thể khiến cả thế giới phụ thuộc vào mình
Như cầu năng lượng khổng lồ và sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài của Trung Quốc đã làm nền tảng cho chính sách đối ngoại của Bắc Kinh trong suốt hàng thập kỷ.
Giờ đây, nhu cầu này đang thay đổi. Nhà nhập khẩu dầu mỏ và than lớn nhất trái đất muốn sử dụng nhiều năng lượng xanh hơn, tự chủ hơn về năng lượng và đã có bước tiến dài đến mục tiêu đó. Phần còn lại của thế giới sẽ phải chăm chú dõi theo.
Hiện tại, 70% điện của nền kinh tế thứ hai thế giới được tạo ra từ nhiên liệu hóa thạch. Trung Quốc đang nhắm đến năm 2060 sẽ tăng tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo như gió và mặt trời, hydro và nguyên tử lên 90%, Bloomberg cho biết. Kế hoạch này sẽ giúp Trung Quốc giảm sự phụ thuộc vào các nước giàu tài nguyên và tuyến đường biển do những quốc gia khác kiểm soát.
Trên thực tế, sự thống trị của Bắc Kinh về nguyên liệu và sản xuất pin có thể khiến phần còn lại của thế giới phụ thuộc vào Trung Quốc trong nền kinh tế xanh.
Cam kết đạt trung hòa carbon vào năm 2060 của Chủ tịch Tập Cận Bình là mục tiêu môi trường đáng hoan nghênh. Nhưng đa dạng hóa nguồn năng lượng và tăng cường hiệu quả đồng thời là các mục tiêu quan trọng về mặt địa chính trị.
Việc quay lưng với nhiên liệu hóa thạch là sự chuyển hướng sang các lựa chọn mà Bắc Kinh có nhiều khả năng kiểm soát hơn về chuỗi cung ứng.
Dĩ nhiên, Trung Quốc không thể nhanh chóng thay đổi.
Than đá, loại nhiên liệu hóa thạch bẩn nhất sẽ vẫn chiếm hơn một nửa cơ cấu năng lượng của Trung Quốc vào năm 2021. Bắc Kinh sẽ tiếp tục dựa vào nhiệt điện than chừng nào tăng trưởng kinh tế vẫn là ưu tiên hàng đầu.
Tiêu thụ dầu của Trung Quốc cũng đang tăng. Tuy mức tiêu thụ có thể đạt đỉnh trong thập kỷ này, nhưng nó sẽ không nhanh chóng đi xuống. Khí đốt, được Bắc Kinh coi là nhiên liệu chuyển tiếp, thậm chí sẽ mất nhiều thời gian hơn để biến mất.
Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi năng lượng của Trung Quốc có thể diễn ra nhanh hơn nhiều những gì các nhà nhà cung cấp và đối thủ đã chuẩn bị.
Đầu tiên phải kể đến Nga, quốc gia có hệ thống chính trị và kinh tế dựa nhiều vào nhiên liệu hóa thạch. Nga cần châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, tiếp tục tiêu thụ đủ dầu khí để bù đắp cho nhu cầu suy giảm ở những khu vực khác.
Rosneft, nhà sản xuất dầu lớn nhất nước Nga, có quan hệ với các đối tác Trung Quốc. Đầu tư từ đại lục cũng rất quan trọng đối với các kế hoạch khí đốt ở Bắc Cực. Điều gì xảy ra ở Moscow nếu Bắc Kinh chuyển hướng quá nhanh?
Tiếp theo, Arab Saudi cũng đang cạnh tranh với Nga để thành nhà cung ứng dầu mỏ lớn nhất cho Trung Quốc. Tuy sự phụ thuộc ngắn hạn của Trung Quốc vào Arab Saudi có thể tăng lên, nhưng hậu quả chính trị của sự thay đổi nhanh hơn dự kiến từ phía Bắc Kinh sẽ rất lớn.
Cờ đến tay ai người đấy phất
Trong bối cảnh thế giới ngày càng sử dụng nhiều năng lượng xanh hơn, ảnh hưởng của Bắc Kinh sẽ mở rộng. Lấy ví dụ về cobalt, thành phần quan trọng trong pin. Doanh nghiệp Trung Quốc đã đầu tư mạnh vào Congo, nguồn cung cấp cobalt lớn nhất thế giới. Tương tự với lithium, Trung Quốc chiếm gần 3/4 công suất sản xuất pin lithium-ion. Khoảng một nửa số xe điện được sản xuất tại Trung Quốc.
Tăng cường khả năng tự lực không nhất thiết dẫn đến tích trữ hay cắt đứt thương mại. Trung Quốc vẫn sẽ xuất khẩu kim loại và thành phẩm pin cho các nước phương Tây. Nhưng lúc đó vị thế đàm phán của Trung Quốc sẽ cao hơn hẳn hiện nay, Bloomberg nhận định.
Năng lượng là chất kết dính cho các mối quan hệ quốc tế, giống như việc Trung Quốc có thể cân bằng quan hệ với Iran, Arab Saudi và Israel mà không vướng vào căng thẳng chính trị tại Trung Đông.
Tuy nhiên, chất keo này đang thay đổi. Thế giới có thể vẫn cần dầu khí và than trong một khoảng thời gian – nhưng nhu cầu dành cho đồng, kền, cobalt, lithum và các khoáng chất đất hiếm cho năng lượng tái tạo cũng sẽ gia tăng.
Điều này sẽ làm thay đổi liên kết giữa Trung Quốc và các nhà cung cấp, dù trong ngắn hạn Bắc Kinh vẫn cần dựa vào các đại gia dầu khí của Arab Saudi, Nga và Brazil. Một số nước như UAE đã tìm cách đa dạng hóa sang năng lượng mặt trời và củng cố các mối quan hệ khác với Trung Quốc.
Quan hệ giữa Trung Quốc với Mỹ và châu Âu cũng có thể đổi thay. Trung Quốc chiếm khoảng 4% sản lượng dầu và khí tự nhiên của thế giới. Ngược lại, Trung Quốc khai thác gần 60% khoáng chất đất hiếm trên thế giới được sử dụng trong pin sạc của xe điện, laser, tuabin gió.
Trung Quốc đồng thời là nhà sản xuất nhôm lớn nhất và chiếm ưu thế trong hoạt động khai thác graphite được sử dụng trong pin và pin năng lượng mặt trời.
Bắc Kinh cũng có kiểm soát lớn đối với các khoảng sản ít được biết đến hơn như scandium và tungsten (vôn-fram) – tất cả đều nằm trong danh sách tài nguyên quan trọng với kinh tế của Liên minh châu Âu.
Tham vọng năng lượng xanh của Trung Quốc có thể dẫn đến các nguồn xung đột mới. Thủy điện là bộ phận quan trọng với kế hoạch đạt trung hòa carbon vào năm 2060. Xây đập trên sông là cách nhanh chóng để sản xuất năng lượng sạch.
Nhưng vị trí ở thượng nguồn của Trung Quốc trên các con sông ở cao nguyên Tây Tạng có thể trở thành rắc rối đối với những nước láng giềng ở hạ nguồn như Việt Nam.
Trung Quốc đã chuẩn bị cho tương lai của năng lượng. Các nước khác cũng nên làm vậy.