|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Đằng sau sự trỗi dậy của điện mặt trời ở phương Tây là hàng núi than đá gây ô nhiễm ở Trung Quốc

07:56 | 06/08/2021
Chia sẻ
Trong nhiều năm qua, điện than giá rẻ của Trung Quốc đã mang lại cho các nhà sản xuất tấm pin mặt trời của nước này một lợi thế cạnh tranh lớn, cho phép họ chiếm lĩnh thị trường toàn cầu. Song, điều này cũng dấy lên nhiều tranh cãi về môi trường.

Khi điện mặt trời không thực sự "sạch"

Công suất điện mặt trời đang tăng lên ở Mỹ và châu Âu trong bối cảnh các nước phương Tây muốn tìm cách giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.

Song, phương Tây lại đang phải đối mặt với một bài toán hóc búa khi mà hầu hết tấm pin mặt trời trên thị trường đều được sản xuất tại Trung Quốc và dưới sự hỗ trợ của điện than gây ô nhiễm môi trường.

Theo nhà phân tích Johannes Bernreuter, các nhà máy tại Trung Quốc đang cung ứng hơn 75% lượng polysilicon trên thế giới. Polysilicon chính là nguyên liệu thiết yếu trong hầu hết tấm pin mặt trời hiện nay.

Thông thường, các nhà máy sẽ sản xuất polysilicon bằng một quy trình tiêu thụ lượng lớn điện năng, do đó tiếp cận được nguồn điện giá rẻ có thể mang lại lợi thế về chi phí cho họ.

Chính phủ Trung Quốc đã xây dựng khá nhiều nhà máy điện than ở các khu vực thưa thớt dân cư như Tân Cương hoặc Nội Mông nhằm hỗ trợ các cơ sở sản xuất polysilicon cũng như một số ngành công nghiệp tiêu thụ nhiều điện năng khác.

Chia sẻ với Wall Street Journal (WSJ), giáo sư Fengqi You của Đại học Cornell (Mỹ) cho biết, sản xuất tấm pin mặt trời ở Trung Quốc tạo ra gấp đôi lượng CO2 so với ở châu Âu.

Do đó, ở một số nước hoặc khu vực không phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch để sản xuất điện, đơn cử như Na Uy hay Pháp thì lắp đặt tấm pin mặt trời do Trung Quốc sản xuất không giảm lượng khí thải nhà kính là bao.

"Đúng là nguồn điện tái tạo của phương Tây rất sạch. Song, quá trình chế tạo những tấm pin mặt trời từ một nước khác, chính là Trung Quốc bây giờ hoặc có thể là một quốc gia nào đó trong tương lai, tạo ra rất nhiều khí thải", ông You nhấn mạnh.

Một số chính phủ và tập đoàn ở phương Tây đang cố gắng đưa ngành điện mặt trời thoát khỏi sự phụ thuộc vào than đá. Khá nhiều doanh nghiệp tiêu thụ năng lượng tái tạo đang kêu gọi các dự án điện mặt trời sử dụng tấm pin của các nhà sản xuất ít phát thải khí nhà kính.

Chính quyền Tổng thống Joe Biden đang phát thảo một chính sách tương tự để mua tấm pin mặt trời sạch từ nước ngoài, phát ngôn viên của Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) cho hay.

Liên minh châu Âu (EU) cũng đang cân nhắc có nên điều chỉnh mức phát thải carbon sản sinh trong quá trình chế tạo các tấm pin mặt trời mà doanh nghiệp bán vào khối kinh tế chung hay không.

Đằng sau sự trỗi dậy của điện mặt trời ở phương Tây là hàng núi than đá gây ô nhiễm ở Trung Quốc - Ảnh 2.

Nhà máy điện than nghi ngút khói xám ở Urumqi, Tân Cương, Trung Quốc. Điện than chính là nguồn năng lượng quan trọng để các nhà máy sản xuất tấm pin mặt trời của Trung Quốc hoạt động.(Ảnh: AP).

WSJ dẫn lời một số giám đốc cấp cao cho biết, các chính sách mới còn giúp xây dựng lại ngành công nghiệp điện mặt trời của phương Tây. Các công ty phương Tây từ lâu đã không thể cạnh tranh được với các nhà sản xuất tấm pin mặt giá rẻ của Trung Quốc.

Trong hai năm qua, công suất điện mặt trời của Mỹ đã tăng 48%, trong khi của châu Âu nhích khoảng 34%, theo dữ liệu của Wood Mackenzie. Điều đó đồng nghĩa rằng mỗi năm phương Tây cần hàng chục nghìn tấm pin mặt trời từ nước ngoài.

Tình thế tiến thoái lưỡng nan càng trở nên rõ rệt hơn khi các nhà lãnh đạo thế giới chuẩn bị nhóm họp tại thành phố Glasgow (Scotland) vào tháng 11 năm nay để thúc đẩy chiến dịch giảm phát thải khí CO2. Một phần trong nỗ lực này là thuyết phục Trung Quốc, nước phát thải khí nhà kính số một thế giới, từ bỏ điện than.

Tại cuộc họp của khối G20 hồi tháng 7, Trung Quốc và Ấn Độ đã chặn đứng thỏa thuận loại bỏ dần nhiệt điện than ra khỏi nguồn cung năng lượng thế giới.

Tìm nguồn thay thế hàng Trung Quốc không dễ

Theo WSJ, tìm kiếm các giải pháp thay thế cho tấm pin mặt trời của Trung không hề dễ dàng. Năng lực sản xuất polysilicon giá rẻ của đất nước tỷ dân buộc các nhà sản xuất ở Mỹ phải đóng cửa những nhà máy phát thải khí nhà kính thấp hơn đối thủ Trung Quốc.

Hóa đơn tiền điện mà Wacker Chemie, công ty sản xuất polysilicon chuẩn tấm pin mặt trời lớn nhất ở phương Tây, phải trả để vận hành các nhà máy ở Đức cao gấp 4 lần con số mà các đối thủ ở Tân Cương bỏ ra, phát ngôn viên Christof Backmair cho hay.

Trung Quốc đã ép giá tấm pin mặt trời giảm mạnh đến mức ở nhiều nơi trên khắp thế giới, điện mặt trời hiện còn rẻ hơn điện sản xuất từ nhiên liệu hóa thạch. Nhờ đó, các tế bào quang điện dùng để lắp ráp tấm pin mặt trời ồ ạt xuất sang Mỹ và châu Âu.

Các lô hàng này không trực tiếp đến từ Trung Quốc thì cũng chứa thành phần quan trọng được sản xuất ở Trung Quốc.

Đằng sau sự trỗi dậy của điện mặt trời ở phương Tây là hàng núi than đá gây ô nhiễm ở Trung Quốc - Ảnh 3.

Công nhân lắp đặt các tấm pin mặt trời ở Pháp. (Ảnh: Bloomberg).

Ông Robbie Andrew, chuyên gia cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Khí hậu Quốc tế ở Osla (Áo), cho biết: "Nếu Trung Quốc không thể tiếp cận nguồn than đá thì điện mặt trời không thể rẻ như bây giờ".

Trước nhu cầu lớn của phương Tây đối với các tấm pin mặt trời ít phát thải khí nhà kính, một số nhà sản xuất polysilicon của Trung Quốc cũng sẵn sàng đáp ứng. Tongwei, công ty sản xuất polysilicon lớn nhất thế giới, đã triển khai một số nhà máy hoạt động bằng thủy điện.

Ngoài ra, sự thống trị của Trung Quốc đối với chuỗi cung ứng ngành điện mặt trời cũng gây khó khăn cho các công ty đang cố gắng xây dựng lại ngành này ở phương Tây. Trung Quốc hiện là quê nhà của hầu hết doanh nghiệp có thể cắt polysilicon thành tấm wafer, đóng gói tấm wafer thành tế bào điện quang và lắp ráp tế bào điện quang thành các tấm pin.

Yên Khê