|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Điện mặt trời ở Việt Nam tăng trưởng nhanh đến khó tin

20:43 | 23/05/2021
Chia sẻ
Bình luận về thành công của Việt Nam trong lĩnh vực điện mặt trời, CEO Logan Knox của công ty năng lượng tái tạo UPC Renewables nói: "Tôi chưa từng thấy điện mặt trời bùng nổ ở đâu bằng Việt Nam. Không thể tin được!".

Cuộc cách mạng điện mặt trời tại Việt Nam

Nhìn ánh nắng mặt trời chiếu xuống khu vườn dưa lưới rộng 4 ha, cách TP HCM gần 90 km, anh Nguyễn Tuân nhận ra thứ ánh sáng này có thể tạo ra nhiều giá trị hơn nữa chứ không chỉ là giúp cây trồng của anh phát triển.

Vì lẽ đó, người đàn ông 46 tuổi lắp đặt 40 tấm pin mặt trời ở trang trại dưa lưới. Có cơ chế giá FIT của chính phủ, anh Tuân không chỉ giảm hóa đơn tiền điện hàng tháng mà còn kiếm được khoảng 2 triệu đồng/tháng nhờ bán lượng điện mặt trời dư thừa cho lưới điện quốc gia.

'Tôi chưa từng thấy điện mặt trời bùng nổ ở đâu bằng Việt Nam' - Ảnh 1.

Anh Nguyễn Tuân lắp đặt 40 tấm pin mặt trời bên trên trang trại dưa lưới của mình. (Ảnh: BB Garden).

Trang trại của anh Tuân chỉ là một mảnh ghép nhỏ trong cuộc cách mạng điện mặt trời ở Việt Nam. Trong hai năm qua, công suất điện mặt trời ở nước ta tăng trưởng vượt trội, gấp 100 lần.

Theo tổ chức BloombergNEF, Việt Nam hiện đang xếp thứ 7 thế giới về công suất điện mặt trời. Trong năm 2020, chỉ hai nước Mỹ và Trung Quốc vượt nước ta về công suất lắp đặt mới.

Bloomberg cho rằng, lĩnh vực điện mặt trời tại Việt Nam phát triển mạnh không đến từ nỗ lực giảm khí thải nhà kính của chính phủ. Trên thực tế, Việt Nam không nằm trong danh sách hơn 100 quốc gia đặt mục tiêu đưa phát thải khí nhà kính về mức 0 cho đến năm 2060.

Thay vào đó, thành công của điện mặt trời ở nước ta được thúc đẩy bởi các tổ chức quốc tế. Các ngân hàng nước ngoài đã bắt đầu hạn chế tài trợ cho các dự án nhiên liệu hóa thạch nên các công ty nhiệt điện than tại Việt Nam không có đủ nguồn vốn để xây dựng nhà máy mới.

Hơn nữa, giá tấm pin mặt trời có giai đoạn giảm mạnh, nhờ đó điện mặt trời trở thành một giải pháp năng lượng thay thế rẻ tiền và tiện lợi hơn so với các nhiên liệu hóa thạch như than đá.

'Tôi chưa từng thấy điện mặt trời bùng nổ ở đâu bằng Việt Nam' - Ảnh 2.

Một vài số liệu về nền kinh tế và mục tiêu phát thải của Việt Nam. (Nguồn: Bloomberg).

Ông Logan Knox, Giám đốc phụ trách hoạt động tại Việt Nam của công ty năng lượng tái tạo UPC Renewables, bình luận: "Tôi chưa từng thấy ở đâu có xu thế điện mặt trời bùng nổ như ở Việt Nam. Không thể tin được!".

Để thế giới đạt được mục tiêu đưa phát thải khí nhà kính về mức 0 thì cuộc chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch cần phải diễn ra ở nhiều nước đang phát triển hơn.

Việt Nam là một điển hình đáng khích lệ, cho thấy nỗ lực giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch và thúc đẩy các giải pháp năng lượng thay thế đang tạo ra quả ngọt. "Cuộc cách mạng điện mặt trời ở Việt Nam chứng tỏ chúng ta có thể tăng công suất điện tái tạo chỉ trong thời gian ngắn", nhà phân tích Caroline Chua của BloombergNEF nhận định.

Chặng đường đã qua và chông gai phía trước

Chính phủ Việt Nam bắt đầu nghiên cứu điện mặt trời từ nhiều năm trước, khi tình trạng thiếu điện đe dọa làm suy yếu động lực kinh tế trong nước. Nhiều năm tăng trưởng mạnh mẽ đồng nghĩa rằng nhu cầu điện của các nhà máy thuộc hệ sinh thái của các tập đoàn đa quốc gia như Samsung Electronics và Apple rất cao.

Để đáp ứng nhu cầu năng lượng lớn, Việt Nam có kế hoạch tăng công suất nhiệt điện than. Song, kế hoạch bị chậm tiến độ, chủ yếu do chính phủ lo ngại về chất lượng không khí và các ngân hàng quốc tế siết chặt dòng vốn tài trợ.

Chuyên gia phân tích Thu Vũ của Viện Kinh tế Năng lượng và Phân tích Tài chính chia sẻ với Bloomberg: "Chính phủ Việt Nam từng ưu tiên nhiệt điện than trong một thời gian dài, nhưng họ nhận ra than không còn đáng tin cậy".

"Cùng lúc, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng quá nhanh, buộc chính phủ phải tìm kiếm các giải pháp năng lượng thay thế. Do đó, Việt Nam chuyển sang năng lượng tái tạo", bà Thu Vũ tiếp tục.

Việt Nam chỉ tạo ra khoảng 0,7% lượng khí thải nhà kính trên thế giới và tỷ lệ phát thải bình quân đầu người còn thấp hơn nhiều.

'Tôi chưa từng thấy điện mặt trời bùng nổ ở đâu bằng Việt Nam' - Ảnh 3.

Dẫu vậy, nhảy vào lĩnh vực năng lượng tái tạo quá nhanh cũng gây ra nhiều vấn đề mới cho Việt Nam. Tiến sĩ Lê Việt Phú - chuyên gia kinh tế môi trường tại Đại học Fullbright (TP HCM), cho biết việc kết hợp giữa điện mặt trời và lưới điện quốc gia khiến một số nơi dư thừa điện năng, trong khi một số khu vực khác có thể thiếu điện vào mùa hè năm nay cũng như trong những năm tới.

Ngoài ra, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang mua điện mặt trời với giá cao hơn đáng kể so với giá điện bán ra, làm dấy lên lo ngại về lợi nhuận của tập đoàn.

Hơn nữa, sau một thời gian đi xuống, giá tấm pin mặt trời đột ngột tăng trở lại trong năm nay do nhu cầu lắp đặt lớn làm giá vật liệu polysilicon tăng gấp ba lần. Điều này đang gây ra một trở ngại mới cho việc lắp đặt điện mặt trời.

'Tôi chưa từng thấy điện mặt trời bùng nổ ở đâu bằng Việt Nam' - Ảnh 4.

Một nhà máy sản xuất tấm pin mặt trời tại Việt Nam. (Ảnh: Bloomberg).

Bloomberg gợi ý, chính phủ Việt Nam nên tập trung giải quyết các vấn đề liên quan đến lưới điện trong dự thảo Quy hoạch điện VIII. Trong đề xuất hiện tại, Viện Năng lượng Việt Nam tính toán, tổng vốn đầu tư phát triển điện lực giai đoạn 2021 - 2030 cần khoảng 128,3 tỷ USD, trong đó 95,4 tỷ USD cho nguồn điện, và 32,9 tỷ USD cho lưới điện. Trước ngày 15/6, Bộ Công thương sẽ trình Thủ tướng Phạm Minh Chính bản điều chỉnh của dự thảo Quy hoạch điện VIII.

Đối với anh Tuân và trang trại dưa lưới của gia đình, lắp đặt thêm các tấm pin mặt trời không chỉ mang lại lợi nhuận mà còn là một công cụ tiếp thị hiệu quả. Mỗi tháng, anh Tuấn bán được khoảng 6 tấn dưa, mỗi quả dưa được dán một sticker mô tả cảnh mặt trời chiếu xuống sườn đồi và một ngôi nhà kính.

"Tôi có thể cho khách hàng thấy trang trại của mình là một cơ sở sạch, sử dụng công nghệ trồng cây an toàn và năng lượng sạch", anh Tuân chia sẻ với Bloomberg.

Khả Nhân