Nikkei: Samsung đề nghị được tham gia cơ chế mua bán trực tiếp điện tái tạo của Việt Nam
Tuần trước, Bộ Công Thương đã tổ chức một cuộc họp cùng ông Choi Joo Ho - Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam.
Ông Choi Joo Ho đề nghị Bộ Công Thương hỗ trợ Samsung Việt Nam trong triển khai thí điểm cơ chế DPPA (cơ chế mua bán điện trực tiếp). Hiện tại, Samsung đang được kêu gọi giảm phụ thuộc vào điện than, do đó gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc đã ngỏ mời mua năng lượng tái tạo trực tiếp từ các nhà sản xuất.
Nếu được thông qua, đề xuất thí điểm cơ chế DPPA sẽ cho phép Samsung mua điện từ các công ty sản xuất điện tái tạo thay vì thông qua Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Nikkei cho hay.
Việt Nam mới chỉ bắt đầu thử nghiệm cơ chế DPPA cho năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Do tiến độ triển khai có phần chậm chạp, vào tháng 12 năm ngoái, 29 thương hiệu thời trang quốc tế từ Nike đến Mulberry đã viết thư gửi Thủ tướng để thúc giục Việt Nam triển khai chương trình mua năng lượng tái tạo.
Đến nay, Samsung đã xây dựng 6 nhà máy tại các địa phương Bắc Ninh, Thái Nguyên, TP HCM, trong đó có hai nhà máy lắp ráp điện thoại di động lớn nhất của Samsung trên thế giới. Ngoài ra, ông lớn công nghệ này còn có một trung tâm nghiên cứu lớn nhất Đông Nam Á ở Việt Nam, dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2022.
Năm ngoái, nguyên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đã đề xuất Samsung xem xét đầu tư sản xuất chất bán dẫn, góp phần khép kín "chuỗi sản xuất trong lĩnh vực điện, điện tử" của Tập đoàn tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, ông còn đề nghị Samsung nội địa hóa chuỗi cung ứng tại Việt Nam. Danh sách các nhà cung ứng lớn của Samsung năm ngoái có 25 doanh nghiệp tại Việt Nam, dù hầu hết là các công ty vốn đầu tư nước ngoài.
Trong bản tóm tắt sau cuộc họp, Bộ Công Thương cho biết củng cố chuỗi cung ứng với các gã khổng lồ như Samsung sẽ giúp Việt Nam "cải thiện chất lượng nền kinh tế, phát triển bền vững và tránh bẫy thu nhập trung bình".
Nếu đề nghị của Samsung được chấp thuận, cơ chế thanh toán như thế nào?
Theo dự thảo Thông tư quy định thực hiện thí điểm mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện, đối tượng áp dụng gồm:
Đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo là các tổ chức, cá nhân sở hữu dự án nhà máy điện nối lưới sử dụng công nghệ phát điện từ sức gió hoặc bức xạ mặt trời, có công suất lắp đặt lớn hơn 30 MW, đã có trong quy hoạch phát triển điện lực được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, có thỏa thuận nguyên tắc ràng buộc với khách hàng sử dụng điện để bán điện và được lựa chọn theo quy định.
Khách hàng sử dụng điện tham gia thí điểm mua bán điện trực tiếp là các tổ chức, cá nhân mua điện phục vụ cho mục đích sản xuất công nghiệp tại cấp điện áp từ 22 kV trở lên, có thỏa thuận nguyên tắc ràng buộc với đơn vị phát điện để mua điện và được lựa chọn theo quy định.
Dự thảo còn nêu rõ, nguyên tắc thí điểm mua bán điện trực tiếp là khách hàng được trực tiếp đàm phán, thỏa thuận mua bán điện với đơn vị phát điện thông qua việc ký hợp đồng kỳ hạn.
Khách hàng sử dụng điện sẽ mua điện từ Tổng công ty Điện lực thông qua thị trường điện giao ngay theo Quy định vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh do Bộ Công Thương ban hành.
Ngoài ra, khách hàng sẽ thanh toán cho Tổng công ty Điện lực chi phí dịch vụ mua bán điện trực tiếp cho toàn bộ sản lượng điện tiêu thụ bao gồm các chi phí truyền tải điện, chi phí phân phối điện, chi phí vận hành hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện cũng như chi phí dịch vụ phụ trợ.
Tính chung, tổng chi phí mua điện của khách hàng từ Tổng công ty Điện lực trong kỳ thanh toán theo hợp đồng mua bán điện ký kết giữa hai bên sẽ bằng tổng của chi phí điện năng và thành phần chi phí dịch vụ mua bán điện trực tiếp.