|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Năm 2020, Trung Quốc thống trị ngành điện gió toàn cầu

08:16 | 19/03/2021
Chia sẻ
Theo báo cáo của Hội đồng Năng lượng Gió Toàn cầu, Trung Quốc đã lắp đặt thêm 52 GW điện gió vào năm ngoái. Thành tích này giúp Trung Quốc giữ vững vị trí hàng đầu trong ngành năng lượng tái tạo nói chung.

Báo cáo của Hội đồng Năng lượng Gió Toàn cầu (GWEC - trụ sở tại Bỉ) cho biết, trong năm 2020, tổng công suất điện gió mới của Trung Quốc đạt 52 GW, cao gấp đôi so với công suất xác lập một năm trước đó.

Financial Times dẫn báo cáo của GWEC cho biết, Trung Quốc đạt công suất điện gió kỷ lục vào năm ngoái có phần liên quan đến các trợ cấp của Bắc Kinh dành cho ngành năng lượng tái tạo.

Năm ngoái là cơ hội cuối cùng để doanh nghiệp có thể tận dụng các khoản trợ cấp và biểu giá ưu đãi của chính quyền trung ương cho các trang trại điện gió trên đất liền, báo cáo lý giải rõ.

Quy mô của thị trường điện gió Trung Quốc đã vượt dự báo của GWEC hơn 70%. Tổng sản lượng điện gió ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới còn cao hơn tổng sản lượng của châu Âu, châu Phi, Trung Đông và Mỹ Latin cộng lại.

Nhờ đó, công suất điện gió của khu vực Đông Á vào năm ngoái chiếm khoảng 3/5 tổng công suất trên toàn cầu, tăng so với tỷ lệ 50% ghi nhận hồi năm 2019. Dù Trung Quốc hiện chiếm khoảng 94% công suất điện gió lắp đặt tại Đông Á, các nước Australia, Nhật Bản, Kazakhstan và Sri Lanka cũng xác lập kỷ lục riêng trong hai năm qua.

Trong khi đó, do các rào cản về quy định, công suất điện gió mới năm 2020 của Ấn Độ lại chạm đáy so với năm 2004. Hai khu vực Bắc Mỹ và Mỹ Latin lắp đặt được khoảng 22 GW công suất điện gió, trong đó Mỹ đóng góp khoảng 17 GW.

Ông Liang Wanliang, Giám đốc khu vực Trung Quốc của GWEC, cho biết thay đổi trong chính sách hỗ trợ của Bắc Kinh đối với ngành năng lượng tái tạo khiến cơ quan có trụ sở tại Bỉ hạ dự báo công suất điện gió năm 2021 của Trung Quốc xuống còn hơn 40 GW.

Năm 2020, Trung Quốc thống trị ngành điện gió toàn cầu  - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Financial Times.

Sau khi ngừng trợ cấp cho các trang trại điện gió trên bờ từ đầu năm 2021, Bắc Kinh chuyển sang kêu gọi doanh nghiệp tích hợp công suất điện gió và điện mặt trời vào lưới điện chung. Chính sách mới có thể thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo của đất nước tỷ dân.

Ông Liang nói thêm: "Giờ đây, các công ty điện cần phải tìm ra giải pháp để sử dụng nhiều năng lượng tái tạo hơn".

Đầu tuần này, chia sẻ với các quan chức hàng đầu chính phủ, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cần một "loại hệ thống điện mới, tập trung trung vào năng lượng tái tạo". Bình luận này được nhiều phân tích coi là một tín hiệu cho thấy Bắc Kinh sẽ tiếp tục hỗ trợ ngành năng lượng tái tạo.

Tính đến cuối năm 2019, trợ cấp cho điện gió và điện mặt trời đã khiến quỹ hỗ trợ năng lượng tái tạo của Trung Quốc thâm hụt 250 tỷ nhân dân tệ. Sau đó, Trung Quốc đã kêu gọi các công ty kinh doanh điện tái tạo trực tiếp cạnh tranh với điện than gây ô nhiễm môi trường.

Vẫn còn phụ thuộc vào điện than là trở ngại chính kiềm chân Trung Quốc hoàn thành mục tiêu đạt đỉnh phát thải khí nhà kính vào năm 2030 và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2060. Đây là hai mục tiêu mà Chủ tịch Tập Cận Bình bất ngờ công bố vào tháng 9 năm ngoái.

Tầm nhìn mới của ông Tập khiến công chúng thế giới lạc quan về một bước đột phá trong lĩnh vực chống biến đổi khí hậu, song các nhà quan sát vẫn đang chờ đợi kế hoạch chi tiết của Trung Quốc. Kế hoạch này dự kiến sẽ được trình bày trong chiến lược kinh tế 5 năm tới.

Đầu tháng 3, Bắc Kinh đã tổ chức phiên họp quốc hội thường niên và thông qua chiến lược kinh tế 5 năm giai đoạn 2021 - 2025. Các nhà môi trường hy vọng Bắc Kinh sẽ đưa ra các hạn chế nghiêm ngặt về điện than trong bản kế hoạch lớn này.

Trong năm 2020, số lượng nhà máy nhiệt điện mà Trung Quốc xây dựng cao gấp ba lần so với phần còn lại của thế giới. GWEC ước tính Trung Quốc cần lắp đặt hơn 50 GW công suất điện gió/năm trong giai đoạn 2021 - 2025 và 60 GW trong giai đoạn 2026 trở về sau để đạt mục tiêu phát thải bằng 0 vào năm 2060.

Khả Nhân