|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Trung Quốc vẫn tăng tiêu thụ than sau lời hứa từ bỏ

07:18 | 03/04/2021
Chia sẻ
Năm ngoái, Trung Quốc đặt ra nhiều mục tiêu lớn lao về giảm phát thải khí nhà kính và đặc biệt cam kết sẽ giảm tiêu thụ than. Tuy nhiên, báo cáo mới của Power Engineering cho thấy tiêu thụ than năm 2020 của đất nước tỷ dân tăng 2%, trái ngược với xu hướng giảm trên toàn cầu.

Vai trò của than - loại nhiên liệu hóa thạch bẩn nhất thế giới, đã suy yếu nghiêm trọng trong nhiều năm nay. Đầu tư vào mặt hàng quan trọng một thời này liên tục giảm, đồng thời các phong trào xã hội liên quan đến môi trường càng đẩy nhanh sự xuống dốc của than.

Giới phân tích không còn đặt câu hỏi liệu giá than có phục hồi hay không, mà thay vào đó họ tự hỏi quốc gia nào sẽ là nước cuối cùng xây dựng một nhà máy khai thác than mới, oilprice.com cho biết.

Trong báo cáo mới công bố, viện chính sách về năng lượng và khí hậu Ember phát hiện công suất điện than toàn cầu năm 2020 đã giảm kỷ lục 4%, trong khi công suất điện gió và điện mặt trời tăng 4%.

Từng là một trong những nguồn nhiên liệu dồi dào và rẻ nhất thế giới, than đá hiện đang chật vật để cạnh tranh với các giải pháp năng lượng sạch và có giá cả cạnh tranh hơn. Ngoài ra, sản lượng khí tự nhiên được tạo ra từ cuộc cách mạng đá phiến ở Mỹ cũng làm giảm nhu cầu tiêu thụ than.

Tuy nhiên, xu hướng trên chỉ diễn ra mạnh mẽ trước khi đại dịch COVID-19 tàn phá nền kinh tế toàn cầu và làm thay đổi những ưu tiên chung của chính phủ các nước trên thế giới.

Trong quá khứ, nhiều nước cũng từng đề ra những mục tiêu lớn về chống biến đổi khí hậu và cam kết từ bỏ than đá, song một số đã nhanh chóng tìm về với nguồn nhiên liệu cũ khi rơi vào khủng hoảng.

Tiêu thụ than vẫn tăng dù Trung Quốc hứa sẽ từ bỏ - Ảnh 1.

Công nhân bốc dỡ than tại một nhà máy ở Tangxian, Trung Quốc. (Ảnh: AP).

Trung Quốc quay trở lại với than đá

Hiện tại, để đảm bảo an ninh năng lượng trong bối cảnh kinh tế suy thoái vì ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Trung Quốc lại quay về với than đá.

Theo báo cáo do Power Engineering công bố hồi đầu tuần này, "Trung Quốc đang trở thành động lực thúc đẩy chính của than đá ở các nền kinh tế đang phát triển". Dù tiêu thụ than đá của thế giới giảm 4% vào năm ngoái, mức tiêu thụ của Trung Quốc lại tăng 2%.

"Tính chung toàn thế giới, Trung Quốc hiện chiếm đến 53% tổng đầu tư trong lĩnh vực sản xuất nhiệt điện than", báo cáo của Power Engineering nhấn mạnh. Đáng chú ý, sản lượng và mức tiêu thụ than của Trung Quốc không chỉ giới hạn ở hoạt động sản xuất trong nước mà còn mở rộng ở các khu vực khác như Đông Nam Á.

Tiêu thụ than vẫn tăng dù Trung Quốc hứa sẽ từ bỏ - Ảnh 2.

Hai năm trước, tạp chí Yale Environment 360 thuộc Đại học Yale (Mỹ) đã dự đoán Trung Quốc cuối cùng cũng sẽ quay lại với than đá. Đồng thời, tạp chí này còn cảnh báo rằng kế hoạch phát triển đầy tham vọng của Bắc Kinh ở nước ngoài sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến các sáng kiến chống biến đổi khí hậu trên toàn cầu.

"Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc (BRI) là một chính sách phát triển cơ sở hạ tầng khổng lồ, có thể tác động sâu sắc đến nền kinh tế của các quốc gia trên thế giới", bài báo của Yale Environment 360 viết.

"Tuy nhiên, BRI lại tập trung vào xây dựng các nhà máy nhiệt điện than. Tham vọng này có thể xóa sạch cơ hội giảm phát thải khí nhà kính của các nước khác và khiến tình trạng biến đổi khí hậu thêm trầm trọng hơn", bài báo tiếp tục.

Ngoài ra, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới còn nắm giữ thế độc quyền với nhiều loại đất hiếm đóng vai trò quan trọng trong chuỗi sản xuất năng lượng sạch. Mỹ cùng các đồng minh phương Tây từng phải điêu đứng khi Trung Quốc có thể cắt đứt nguồn cung đất hiếm vào năm ngoái, khi căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh leo thang.

Tuy nhiên, từ cuối năm ngoái, Bắc Kinh đã đặt mục tiêu đạt đỉnh về phát thải khí nhà kính vào năm 2030 và trung bình carbon vào năm 2060. Hơn nữa, chính phủ Trung Quốc cũng cam kết rằng năng lượng tái tạo sẽ chiếm tỷ trọng lớn hơn trong "miếng bánh" năng lượng của đất nước tỷ dân, thay thế bớt than đá gây ô nhiễm môi trường.

Oilprice.com cho rằng rất khó để xác định liệu Trung Quốc là kẻ phá hoại nỗ lực chống biến đổi khí hậu trên toàn cầu vì tái sử dụng than đá, hay là vị cứu tinh của Trái đất với mục tiêu giảm phát thải quy mô.

Song, là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và cũng là nước phát thải khí nhà kính với tỷ lệ lớn, thành công hay bất bại của Trung Quốc trong việc thực hiện các cam kết về khí hậu vẫn là điều tối quan trọng với toàn thế giới. Việc Trung Quốc trở lại với than đá chỉ là một phần nổi của tảng băng chìm, nhưng dù sao đây cũng là một diễn biến đáng lo.

Khả Nhân

Bách Hoá Xanh lên tiếng vụ nhập hàng từ cơ sở sản xuất giá đỗ ngâm hoá chất
Bách Hoá Xanh cho biết đã lập tức thu hồi và ngưng bán toàn bộ hàng hóa của nhà cung cấp này cũng như tiến hành kiểm nghiệm lại tất cả sản phẩm giá đỗ đang cung cấp cho chuỗi.