|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Kỳ vọng gì từ kế hoạch kinh tế 5 năm của Trung Quốc?

10:44 | 04/03/2021
Chia sẻ
Trung Quốc sẽ khai mạc cuộc họp chính trị lớn nhất trong năm vào ngày mai (5/3). Cuộc họp sẽ đề ra các kế hoạch có thể đưa Trung Quốc thành cường quốc kinh tế đứng đầu thế giới trong thập kỷ này.
Kỳ vọng gì trong kế hoạch kinh tế 5 năm hòng hất cẳng Mỹ của Trung Quốc? - Ảnh 1.

Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên thệ tại cuộc họp của NPC sau khi tái đắc cử vào năm 2018. (Ảnh: Tân Hoa Xã).

Cuộc họp thường niên của Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn Trung Quốc (NPC) năm nay mang một ý nghĩa to lớn hơn vì Bắc Kinh dự kiến sẽ công bố kế hoạch kinh tế 5 năm mới - một kế hoạch chi tiết nhằm thúc đẩy thị trường nội địa và giảm sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài.

Các chính sách mới đã được phê duyệt từ trước, song cuộc họp của NPC là một cơ chế quan trọng mà qua đó Bắc Kinh có thể truyền đạt các kế hoạch của chính phủ với thế giới, Bloomberg nhận định.

Sau khi nhanh chóng kiểm soát được đại dịch COVID-19, Trung Quốc là nền kinh tế lớn duy nhất tăng trưởng trong năm 2020.

Hiện tại, khi rủi ro bong bóng tài sản ngày càng lớn, các nhà hoạch định chính sách phải tìm đường giảm bớt các kích thích tài khóa và tiền tệ từng tạo đà cho kinh tế phục hồi vào năm ngoái. Đồng thời, Trung Quốc lại không muốn làm mất ổn định tăng trưởng và khiến các nhà đầu tư - vốn đã lo ngại vì các vụ vỡ nợ doanh nghiệp - càng thêm sợ hãi.

Bloomberg đã tổng hợp một số vấn đề chính đáng quan tâm khi Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường vạch ra kế hoạch kinh tế 5 năm mới vào ngày mai (5/3):

Mục tiêu tăng trưởng

Năm ngoái, chính phủ Trung Quốc không đặt mục tiêu tăng trưởng GDP. Khi đại dịch vẫn còn hoành hành trên khắp thế giới, Bắc Kinh có thể cũng không thiết lập mục tiêu tăng trưởng cho năm nay.

Kinh tế trưởng Zhu Haibin của JPMorgan Trung Quốc nhận định, Bắc Kinh từng nhấn mạnh về tăng trưởng chất lượng nên nếu chính phủ tiếp tục không đề ra mục tiêu tăng trưởng GDP trong năm thứ hai liên tiếp, Bắc Kinh có thể đang quan tâm đến chất lượng hơn tốc độ mở rộng.

Song, cuộc tranh luận này chưa có hồi kết. Tuần trước, nhà nghiên cứu Zhang Liqun của Trung tâm Nghiên cứu Phát triển (thuộc chính phủ Trung Quốc) cho biết, đưa ra một mục tiêu cụ thể là cần thiết để đảm bảo tăng trưởng chất lượng.

Hơn nữa, 3/4 chính quyền cấp tỉnh tại Trung Quốc đã đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2021 trong khoảng 6 - 8%, khá thận trọng so với ước tính trung vị của các nhà kinh tế là tăng 8,4%.

Kỳ vọng gì trong kế hoạch kinh tế 5 năm hòng hất cẳng Mỹ của Trung Quốc? - Ảnh 2.

Ngoài đặt mức tăng trưởng cho năm nay, kế hoạch 5 năm mới cũng sẽ thiết lập mục tiêu tăng trưởng trung bình cho giai đoạn 2021 - 2025. Ông Zhu của JPMorgan ước tính sẽ là khoảng 5,5%/năm - giảm so với mục tiêu 6,5%/năm trong kế hoạch 5 năm trước đó.

Theo dự báo từ Goldman Sachs, trong trường hợp Bắc Kinh không đặt mục tiêu tăng trưởng GDP, các quan chức địa phương sẽ công bố chính sách riêng với mục tiêu tạo việc làm ở thành thị, có thể là khoảng 11 triệu việc làm trong năm nay.

Giảm kích thích tài khóa

Chính phủ Trung Quốc đang thâm hụt ngân sách mỗi năm, một phần vì chính sách tài khóa "chủ động" của Bắc Kinh.

Kinh tế trưởng Liu Peiqian của công ty tư vấn NatWest Markets (Singapore) dự đoán năm nay, Bắc Kinh sẽ đặt mục tiêu thâm hụt ngân sách tương đương mức trước đại dịch là khoảng 3% GDP. Năm ngoái, mục tiêu này là hơn 3,6% GDP.

Bà Liu cho hay: "Chúng tôi dự đoán Bắc Kinh sẽ giảm kích thích tài khóa từ từ và tập trung vào hạn chế tăng trưởng nợ vượt mức".

Kỳ vọng gì từ kế hoạch kinh tế 5 năm của Trung Quốc? - Ảnh 3.

Morgan Stanley dự đoán thâm hụt "đầy đủ" - bao gồm các khoản vay ngoài bảng cân đối kế toán của chính quyền các địa phương - sẽ giảm từ 15% GDP năm 2020 xuống còn 12% GDP trong năm nay. Con số này vẫn còn khá cao so với mức gần 10% trước đại dịch.

Hạn ngạch phát hành trái phiếu của chính quyền các địa phương - một động lực quan trọng của đầu tư cơ sở hạ tầng, sẽ giảm từ 3.750 tỷ nhân dân tệ (gần 580 tỷ USD) xuống còn 3.000 tỷ nhân dân tệ trong năm nay, Morgan Stanley dự đoán.

Trọng tâm công nghệ

Bắc Kinh cũng sẽ công bố các mục tiêu kinh tế cho giai đoạn 2021 - 2025. Kế hoạch 5 năm là một tàn dư từ thời kỳ kinh tế hoạch định trước kia. Bản kế hoạch này chỉ là một danh sách tham vọng chung chung, nhưng nó có thể thiết lập đường lối chính sách và một số chỉ tiêu cụ thể.

Trọng tâm của kế hoạch mới sẽ là phát triển công nghệ và giảm phụ thuộc vào nguồn cung linh kiện của các đối thủ địa chính trị như Mỹ, Bloomberg nhận định.

Kỳ vọng gì trong kế hoạch kinh tế 5 năm hòng hất cẳng Mỹ của Trung Quốc? - Ảnh 4.

Theo ông Cao Cong, chuyên gia về chính sách khoa học Trung Quốc tại Đại học Nottingam (Ninh Ba), trọng tâm mới cho thấy Bắc Kinh sẽ phân bổ nhiều nguồn lực cho khoa học và công nghệ hơn. Chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển (R&D) giai đoạn 2021 - 2025 có thể rơi vào khoảng 3,5% GDP, ông Cao dự báo.

Sinh đẻ và hưu trí

Kế hoạch 5 năm mới cũng sẽ tìm cách làm giảm tác động của tỷ lệ sinh giảm nhanh và dân số già hóa lên nền kinh tế Trung Quốc. Bloomberg dự đoán Bắc Kinh có thể sẽ nới lỏng hơn nữa các giới hạn sinh đẻ và tăng tuổi nghỉ hưu.

Ngoài ra, kế hoạch mới nhiều khả năng còn có mục tiêu chuyển dân cư nông thôn lên thành phố và một số biện pháp khác nhằm cân bằng các dịch vụ xã hội giữa hai khu vực. Mục đích là nhằm giảm bớt bất bình đẳng và kích thích chi tiêu tiêu dùng.

"Chính phủ Trung Quốc cần đề ra chính sách để nâng cao niềm tin mong manh của người tiêu dùng và rót thêm tiền vào túi của họ", kinh tế trưởng Shaun Roache của S&P Global Ratinsg khu vực châu Á - Thái Bình Dương gợi ý.

Mục tiêu năng lượng

Nhà đầu tư quốc tế đang theo dõi Trung Quốc sẽ làm thế nào để hoàn thành mục tiêu đạt đỉnh về phát thải khí nhà kính vào năm 2030 và trung hòa carbon vào năm 2060. Bắc Kinh từng khẳng định năng lượng tái tạo sẽ chiếm tỷ trọng lớn hơn trong "miếng bánh" năng lượng của Trung Quốc, thay thế bớt loại nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm nhất là than đá.

Tuy nhiên, Bắc Kinh có khả năng sẽ đưa ra nhiều chính sách hơn chứ không chỉ tập trung vào thị trường năng lượng. Chẳng hạn, họ có thể kiểm soát sản lượng kim loại gây ô nhiễm cao như thép hoặc cải tạo các vùng nông nghiệp rộng lớn.

Song, Trung Quốc cũng cần phải đảm bảo nguồn cung thực phẩm, năng lượng và khoáng chất cho người dân. Mục tiêu này thường thực hiện song song và có thể mâu thuẫn với chính sách năng lượng xanh.

Cải cách tài chính

Kế hoạch 5 năm mới có thể còn bao gồm một số cải cách để mở cửa hơn nữa thị trường tài chính cho các nhà đầu tư nước ngoài và nới lỏng giới hạn chuyển tiền mặt ra nước ngoài cho nhà đầu tư Trung Quốc.

Các cải cách thị trường vốn trong vài năm tới cũng có thể giúp định hướng tài chính cho doanh nghiệp. Quan chức Trung Quốc đang cân nhắc nới lỏng quy định niêm yết trên diện rộng và nghiên cứu tính khả thi của cơ chế giao dịch T+0 trên Thị trường Star của Thượng Hải.

Đồng thời, các nhà chức trách cũng đang siết chặt quy định với những gã khổng lồ công nghệ như Ant Group của Alibaba và WeChat Pay của Tencent nhằm kìm hãm tăng trưởng của họ trong lĩnh vực tài chính.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) hồi đầu năm nay đã đề xuất dự luật chống độc quyền trên thị trường thanh toán trực tuyến.

Ngoài các lĩnh vực nêu trên, Hong Kong - điểm nóng trong căng thẳng Mỹ - Trung, cũng là một vấn đề quan trọng mà Trung Quốc có thể lưu tâm trong kế hoạch 5 năm mới. Bắc Kinh có thể sẽ đưa ra mục tiêu chi tiêu quốc phòng như một phần trong kế hoạch chi tiêu ngân sách.

Yên Khê

Liệu hệ thống KRX có lỡ hẹn với mốc ngày 2/5?
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa đưa ý kiến về hệ thống công nghệ thông tin thuộc dự án đầu tư xây dựng Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (hay còn gọi là hệ thống KRX) trước thời điểm dự kiến chính thức vận hành 2/5 theo như kế hoạch đưa ra trước đó.