|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Xu hướng bảo hộ của Mỹ sẽ cứng rắn hơn?

06:57 | 11/11/2024
Chia sẻ
Mỹ đang và sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách bảo hộ. Điều này có thể sẽ được thực hiện theo một cách cứng rắn hơn dưới thời ông Donald Trump.

Cảng hàng hóa Long Beach, bang California, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN).

Theo báo Les Echos, chủ nghĩa bảo hộ luôn nhận được sự đồng thuận ở Mỹ từ cả hai phía đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa. Tuy nhiên, trong bối cảnh ông Donald Trump chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa diễn ra, châu Âu lại đối mặt với nhiều lo lắng.

Mỹ đang và sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách bảo hộ. Điều này có thể sẽ được thực hiện theo một cách cứng rắn hơn dưới thời ông Donald Trump.

Cho đến thời điểm hiện tại, “Tổng thống Joe Biden đã chọn một chính sách thậm chí còn quyết liệt hơn đối với Trung Quốc và khiến chính sách thực sự có hệ thống. Đảng Dân chủ hiện muốn theo đuổi một chính sách kinh tế và đối ngoại có lợi cho tầng lớp trung lưu Mỹ”, Giáo sư kinh tế và các vấn đề quốc tế tại Trường Thương mại HEC Paris Jeremy Ghez nhấn mạnh.

Bằng cách ban hành Đạo luật giảm lạm phát (IRA), một chương trình trợ cấp đầu tư công nghiệp ở Mỹ, chính quyền ông Biden đã thu hút một phần đầu tư đáng kể từ châu Âu vào thời điểm khủng hoảng năng lượng.

Bằng đề xuất tăng thuế hải quan 60% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và 10% đối với hàng nhập khẩu từ phần còn lại của thế giới, đội ngũ của ông Trump sẽ đi theo một đường lối cứng rắn hơn. Tuy nhiên, điều này vẫn chưa được nhận thức đầy đủ ở châu Âu.

Tuần trước, cựu Đại diện Thương mại Mỹ dưới thời “Trump 1” Robert Lighthizer, người có thể sẽ tiếp tục đóng vai trò nhất định trong chính quyền đảng Cộng hòa tới đây, đã bày tỏ quan điểm trên tờ Financial Times. 

“Những gì chúng ta được thấy trong những thập kỷ gần đây là các quốc gia đã áp dụng chính sách công nghiệp được thiết kế không nhằm nâng cao mức sống của người dân mà để tăng xuất khẩu. Mục đích là tích lũy tài sản ra nước ngoài và thiết lập lợi thế trong các ngành công nghiệp tiên tiến”, ông Lighthizer nhấn mạnh.

Nhà kinh tế học François Geerolf tại Trung tâm quan sát các điều kiện kinh tế Pháp (OFCE), lý giải: “Có một mối liên hệ cơ học giữa tổng cầu và tỷ trọng của ngành công nghiệp trong Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Một quốc gia có thể thúc đẩy ngành công nghiệp của mình bằng cách hạn chế nhu cầu trong nước, chẳng hạn như thông qua việc điều chỉnh tiền lương, từ đó thúc đẩy các nhà sản xuất tìm kiếm thị trường ở nước ngoài”. Như vậy, ngành công nghiệp có thể phát triển mạnh mẽ hơn, sản phẩm công nghiệp được xuất khẩu.

Việc tăng thuế hải quan sẽ không giúp ích cho “lục địa Già”. Do đó, các nhà sản xuất công nghiệp châu Âu, đặc biệt là các hãng ô tô Đức, được khuyến khích chuyển cơ sở sản xuất sang lãnh thổ Mỹ.

Cam kết của ông Trump về việc giảm thuế doanh nghiệp và giảm giá năng lượng bằng cách khai thác thêm dầu ngay trên đất Mỹ sẽ góp phần vào việc này. “Tất cả những điều này có thể gây tổn hại cho ngành công nghiệp châu Âu”, nhà kinh tế Maxime Darmet cảnh báo.

Nguyễn Tuyên (TTXVN tại Paris)