Ông Tập thôi thúc cách mạng công nghệ Trung Quốc, giảm phụ thuộc phương Tây
Tại phiên họp lập pháp hàng năm, các lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc sẽ thông qua kế hoạch chính sách 5 năm nhằm cắt giảm sự phụ thuộc vào phương Tây đối với các thành phần quan trọng như chip máy tính, đồng thời đặt cược lớn vào các công nghệ mới nổi.
Cú thúc để huy động hàng nghìn tỷ USD có thể giúp Trung Quốc vượt mặt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới ngay trong thập kỷ này.
Giáo sư Barry Naughton của Đại học California nhận xét: "Điều quan trọng nhất là tầm vóc của tham vọng – kế hoạch của Trung Quốc lớn hơn bất cứ điều gì Nhật Bản, Hàn Quốc hay Mỹ từng làm. Tham vọng của Bắc Kinh là đẩy nền kinh tế vượt qua cửa ngõ cuộc cách mạng công nghệ".
Cuộc đua nhằm phát triển công nghệ tiên tiến nhất đang thổi bùng lên căng thẳng Mỹ-Trung. Hiện cả hai nước đều đang hướng tới năng lực tự cung tự cấp trong các lĩnh vực chiến lược.
Nhưng Mỹ đang tìm kiếm các đồng minh để giúp cản trở nguyện vọng của ông Tập thông qua việc ngăn chặn Bắc Kinh tiếp cận công nghệ then chốt và củng cố nguồn cung hàng hóa chiến lược của Mỹ.
Tuần trước, Tổng thống Joe Biden công bố kế hoạch đánh giá chuỗi cung ứng trên phạm vi rộng đối với chất bán dẫn, dược phẩm, pin dung lượng cao, một phần của kế hoạch lớn nhằm vượt mặt Trung Quốc.
"Nếu chúng ta không hành động, Trung Quốc sẽ sớm lấy mất miếng ăn của nước Mỹ", ông Biden cảnh báo sau khi có cuộc điện đàm đầu tiên với ông Tập.
Phiên họp quốc hội của Trung Quốc bắt đầu vào ngày 5/3 và kéo dài khoảng một tuần. Thủ tướng Lý Khắc Cường sẽ phác thảo các kế hoạch để giữ cho nền kinh tế tăng trưởng ổn định trong 12 tháng tới, có thể bao gồm biện pháp để thúc đẩy tiêu dùng.
Quan trọng không kém, phiên họp lập pháp sẽ tiết lộ chi tiết kế hoạch dài hạn để phát triển hơn 30 công nghệ thiết yếu mà hiện Trung Quốc không thể sản xuất được, từ thiết bị sản xuất chip đến phần mềm thiết kế máy bay.
Theo Bloomberg, việc tập trung vào công nghệ đã trở nên cấp thiết hơn đối với Bắc Kinh do tính hiệu quả của mô hình kinh tế Trung Quốc đang suy giảm. Thời gian qua, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới dựa nhiều vào việc chuyển tín dụng vào đầu tư bất động sản và cơ sở hạ tầng để thúc đẩy tăng trưởng.
Nhưng với doanh số bán nhà đã đạt đỉnh và chính quyền địa phương khó tìm ra các dự án cơ sở hạ tầng khả thi, Bắc Kinh phải tận dụng công nghệ để đáp ứng mục tiêu năm 2035 là tăng gấp đôi quy mô nền kinh tế so với mức năm 2020.
Một con số quan trọng cần theo dõi là chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển (R&D). Dự kiến Trung Quốc sẽ tiết lộ mục tiêu bằng hoặc vượt quá mức chi tiêu hàng năm của Mỹ cho R&D là khoảng 3% GDP.
Theo ước tính từ Giáo sư Naughton, từ 2014 đến 2019, chính phủ Trung Quốc huy động ít nhất 6.700 tỷ nhân dân tệ (1.000 tỷ USD) trong một loạt quỹ đầu tư mạo hiểm để mua cổ phần các công ty công nghệ cao.
Trung Quốc đã công bố kế hoạch đầu tư 1.400 tỷ USD từ năm 2020 đến 2025 vào cơ sở hạ tầng công nghệ cao, từ trí tuệ nhân tạo đến các trạm 5G.
Nhà nhiên cứu Jude Blanchette tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho biết: "Nếu nỗ lực của Bắc Kinh thành công và ông Tập thiết kế được mô hình tăng trưởng phụ thuộc vào trung ương nhiều hơn thì Trung Quốc sẽ vượt qua được rất nhiều thách thức ở nội địa".
"Nhưng nếu thất bại, Trung Quốc sẽ phí phạm vốn liếng của cả một thế hệ trong lúc theo đuổi giấc mơ đổi mới công nghệ được quy hoạch tập trung".
Lĩnh vực chính mà Trung Quốc gặp khó là sản xuất chip. Kế hoạch 5 năm của Trung Quốc sẽ bao gồm các biện pháp để tăng tài trợ cho ngành chất bán dẫn, chú trọng ưu tiên lĩnh vực này. Nhưng không có gì đảm bảo rằng tham vọng của Trung Quốc sẽ thành công. Sự đổ bộ của đầu tư do nhà nước chỉ đạo có nguy cơ sinh ra nợ xấu gây bất ổn cho nền kinh tế Trung Quốc.
Chiến lược phòng thủ của Trung Quốc
Để giảm lãng phí, Bắc Kinh đã báo hiệu sẽ tiếp tục chủ yếu dựa vào các công ty tư nhân để đáp ứng các mục tiêu công nghệ thông qua giảm thuế, đầu tư trực tiếp vào startup và trở thành cổ đông thiểu số tại các công ty triển vọng nhưng gặp khó khăn về tài chính.
Theo Bloomberg, Bắc Kinh cũng muốn có thêm đầu tư từ các công ty nước ngoài như Tesla, miễn là chúng giúp đáp ứng mục tiêu nâng cấp công nghệ của Trung Quốc.
Trong khi phương Tây coi tham vọng của ông Tập là mối nguy, nỗ lực của Bắc Kinh nhằm đạt được khả năng tự cung ứng chủ yếu được giới lãnh đạo Trung Quốc coi là nước đi phòng thủ, Giáo sư Meg Rithmire của Đại học Kinh doanh Harvard cho biết.
"Nếu giới tinh hoa Trung Quốc không nghĩ rằng có những rắc rối lớn có thể xảy đến trong tương lai rất gần, họ sẽ không mạnh tay đến vậy. Đây là lối tư duy quản lý rủi ro", bà Rithmire nhận xét.