|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chính quyền Biden sẽ dốc toàn lực đối đầu với Trung Quốc về thương mại

20:26 | 02/03/2021
Chia sẻ
CNBC dẫn một báo cáo phác thảo chương trình nghị sự thương mại mới của Washington cho biết, chính quyền Tổng thống Biden sẽ sử dụng "toàn bộ công cụ hiện có" để chống lại hành vi thương mại không công bằng của Trung Quốc.

Theo đưa tin của CNBC, Washington vừa công bố bản báo cáo mới vào hôm qua (ngày 1/3 theo giờ Mỹ). Báo cáo không liệt kê rõ các công cụ mà chính phủ Mỹ sẽ sử dụng, song nó đã chính thức hóa loạt tuyên bố mà Tổng thống Biden và các thành viên nội các đưa ra trong vài tháng qua về hướng xử lý Trung Quốc và các ưu tiên thương mại khác.

Báo cáo có đoạn: "Giải quyết thách thức Trung Quốc đòi hỏi một chiến lược toàn diện và có hệ thống hơn là tiếp cận nhỏ lẻ, từng phần như dưới thời cựu Tổng thống Trump".

"Chính quyền Tổng thống Biden đang tiến hành đánh giá toàn diện chính sách thương mại của Mỹ đối với Trung Quốc như một phần trong quá trình phát triển chiến lược kiềm chế đối thủ lớn này", báo cáo nhấn mạnh.

Báo cáo mới chỉ ra một số "hành động gây bất lợi" từ Trung Quốc, chẳng hạn như thiết lập các rào cản hạn chế doanh nghiệp nước ngoài tiếp cận thị trường tỷ dân, khởi xướng các chương trình lao động cưỡng ép và trợ cấp không công bằng cho doanh nghiệp nhà nước.

"Ngoài ra, Trung Quốc còn cưỡng chế chuyển giao công nghệ, thâu tóm bất hợp pháp và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ, kiểm duyệt và đưa ra các hạn chế khác đối với mạng Internet và nền kinh tế số, và cuối cùng là không đối xử công bằng với các công ty Mỹ trong nhiều lĩnh vực như cách Mỹ đối đãi doanh nghiệp Trung Quốc", báo cáo liệt kê thêm.

Chính quyền Biden dốc toàn lực chống hành vi thương mại không công bằng của Trung Quốc - Ảnh 1.

Bà Katherine Tai, ứng viên cho vị trí Đại diện Thương mại Mỹ dưới thời Tổng thống Biden. (Ảnh: Getty Images).

Hợp tác với các đồng minh

Bản báo cáo mới của Washington cho biết chính quyền ông Biden sẽ hợp tác cùng đối tác và đồng minh để buộc Trung Quốc tuân thủ các nghĩa vụ thương mại. Ngoài ra, chính phủ Mỹ còn xem việc giải quyết các chương trình lao động cưỡng ép đối với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ và một số nhóm thiểu số khác là "ưu tiên hàng đầu".

Bản báo cáo được công bố ngay thời điểm bà Katherine Tai, ứng viên của ông Biden cho vị trí Đại diện Thương mại Mỹ, đang chờ Thượng viện xác nhận, CNBC lưu ý.

Hôm 1/3, Reuters dẫn lời bà Tai - một người Mỹ gốc Đài Loan, cho biết bà sẽ làm việc để giải quyết một loạt vấn đề liên quan đến hoạt động thương mại và kinh tế của Trung Quốc, bao gồm quyền sở hữu trí tuệ, hạn chế tiếp cận thị trường và kiểm duyệt.

Ứng viên cho chức Đại diện Thương mại Mỹ khẳng định sẽ tìm hiểu thêm "nhiều phương án" để xử lý các vấn đề hiện có, trong đó có khả năng đàm phán song phương với Trung Quốc nhưng "sẽ không ngần ngại hành động nếu đàm phán không hiệu quả".

Bà Tai đưa ra những bình luận trên trong văn bản hồi đáp các câu hỏi của Thượng viện sau phiên điều trần xác nhận vào tuần trước.

Thương chiến Mỹ - Trung

Nếu được phê chuẩn, bà Tai sẽ phải đối mặt với một danh sách dài các tranh chấp thuế quan và thương mại chưa được giải quyết từ chính quyền cựu Tổng thống Trump.

Hai trong những điểm còn vướng mắc là các mức thuế quan trừng phạt mà Washington và Bắc Kinh áp lên hàng trăm triệu USD hàng hóa của nhau cũng như việc Trung Quốc chưa mua đủ hàng hóa Mỹ như cam kết trong thỏa thuận thương mại giai đoạn một.

Trong phiên điều trần tuần trước, bà Tai nói thuế quan là một "công cụ hợp pháp" để chống lại mô hình kinh tế do nhà nước Trung Quốc chi phối. Tuy nhiên, bà không đe dọa áp thuế quan mới và nhấn mạnh Bắc Kinh cần tuân thủ các cam kết trong thỏa thuận giai đoạn một.

Theo thỏa thuận thương mại ký vào tháng 1 năm ngoái dưới thời ông Trump, Trung Quốc đã đồng ý mua thêm ít nhất 200 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ của Mỹ trong hai năm 2020 và 2021 so với mốc của năm 2017.

Song, theo số liệu của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, Trung Quốc chỉ nhập khẩu 100 tỷ USD hàng hóa Mỹ trong năm 2020, tương đương khoảng 58% mục tiêu mua hàng trị giá 173,1 tỷ USD của năm đầu tiên.

Khả Nhân