Các công ty lọc dầu kiểu mới của Trung Quốc hưởng ưu đãi lớn từ chính sách của ông Tập Cận Bình
"Ấm trà 2.0"
Tại Trung Quốc, các cơ sở lọc dầu tư nhân thường được biết đến với biệt danh "ấm trà", trong khi các công ty lọc dầu kiểu mới được gọi là "ấm trà 2.0", theo Bloomberg.
Hiện tại, thế hệ "ấm trà 2.0" đang hưởng lợi lớn nhờ mô hình hoạt động tiệm cận với nỗ lực của nhà lãnh đạo Tập Cận Bình trong việc theo đuổi một ngành công nghiệp năng lượng sạch và hiệu quả hơn.
Dù chưa có tiếng tăm trong lĩnh vực thương mại quốc tế, các công ty lọc dầu Trung Quốc như Jiangsu Eastern Shenghong và Hengli Petrochemical có thể sắp sửa nâng tầm ảnh hưởng trên thị trường dầu mỏ thế giới.
Các công ty trên đã xây dựng những cơ sở lọc dầu quy mô, thân thiện với môi trường hơn và đang tập trung vào sử dụng dầu thô để sản xuất nhựa và hóa chất, thay vì các nhiên liệu gây ô nhiễm như dầu diesel.
Cụ thể, các "ấm trà 2.0" chủ yếu sản xuất paraxylene, một loại hóa dầu được sử dụng trong một loạt sản phẩm thiết yếu như chai lọ, quần áo thể thao,... Đây vốn là các mặt hàng có nhu cầu tăng lớn, song song với đà bùng nổ của nền kinh tế Trung Quốc.
Trong một tuyên bố, Shenghong cho biết các kỹ thuật mới giúp công ty này chế biến hơn 70% lượng dầu thô thành sản phẩm hóa dầu. Do đó, Shenghong chỉ dùng khoảng 30% lượng dầu thô còn lại để sản xuất các nhiên liệu như dầu diesel.
Trái lại, các ông lớn dầu mỏ Trung Quốc như Sinopec Group và PetroChina tinh chế khoảng 60% dầu thô thành nhiên liệu diesel, và tỷ lệ này ở các "ấm trà" kiểu cũ là khoảng 85%.
Kết quả là, một số "ấm trà 2.0" bắt đầu nhận được ưu đãi thuế của chính phủ Trung Quốc hoặc được phép nhập khẩu lượng lớn dầu thô trực tiếp từ các nhà sản xuất có ảnh hưởng như Arab Saudi.
Hồi tháng 6, Shenghong đã lắp đặt tháp lọc dầu lớn nhất đất nước và dành riêng cơ sở trị giá 10,5 tỷ USD này cho lễ kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc. Trước kia, Shenghong từng là một nhà sản xuất sợi tổng hợp.
Đến nay, cổ phiếu của Shenghong đã tăng hơn 4 lần kể từ khi dự án tháp lọc dầu bắt đầu hai năm trước. Cổ phiếu của Hengli cũng tăng gấp ba lần kể từ khi công ty này triển khai cơ sở lọc dầu đầu tiên vào cuối năm 2018.
Nương theo chính sách của Bắc Kinh để hưởng lợi
Thời gian gần đây, chính quyền ông Tập Cận Bình đã thẳng tay kiểm soát các doanh nghiệp tư nhân bị coi là phát triển quá mạnh hoặc không phù hợp với tầm nhìn của Bắc Kinh.
Trong lĩnh vực năng lượng, chính phủ đang hỗ trợ các công ty đi sát với mục tiêu của ông Tập, đồng thời kiềm chế các nhà máy lọc dầu gây ô nhiễm đã tồn tại hàng thập kỷ, tức các "ấm trà 1.0".
Ông Michal Meidan, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Năng lượng Trung Quốc tại Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford, cho hay: "Các ấm trà 2.0 có mô hình hoạt động và kinh doanh rất khác. Trên lý thuyết, mô hình này phù hợp với tầm nhìn của Bắc Kinh trong lĩnh vực năng lượng - tích hợp và hiệu quả".
Trong năm nay, chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình đã tăng cường trấn áp các nhà máy lọc dầu lâu đời ở Sơn Đông bằng cách bịt một số lỗ hổng về thuế. Động thái này, kết hợp cùng sự giám sát chặt chẽ hơn từ chính phủ, đã làm giảm hạn ngạch dầu thô mà các "ấm trà 1.0" được phép nhập khẩu. Điều này càng mang lại lợi thế cho những "ấm trà 2.0".
Do đó, các cơ sở lọc dầu kiểu mới như Hengli và Zhejiang Petroleum and Chemical vẫn còn dư dả hạn ngạch để nhập khẩu thêm dầu thô từ nước ngoài. Riêng Shanghong còn xin phép thêm hạn ngạch cho cơ sở lọc dầu mới của công ty này.
Một số "ấm trà 2.0" đang xây dựng nhà máy ở các đảo hoặc bán đảo biệt lập, có thể cập cảng tàu chở dầu nhưng vẫn cách xa các khu đô thị đông đúc, nơi mà chính quyền Bắc Kinh muốn giảm thiểu tình trạng ô nhiễm.
Trong chuyến tham quan nhà máy lọc dầu Đại Liên của Hengli vào năm 2019, Thủ tướng Lý Khắc Cường từng khen ngợi: "Đây là vị trí hoàn hảo cho một cơ sở hóa dầu".
Tuy nhiên, các công ty lọc dầu kiểu mới cũng có bài toán riêng của họ, khi mà theo thời gian, chính quyền Bắc Kinh sẽ tăng cường giám sát lượng khí thải carbon mà các cơ sở này thải ra môi trường.
Song, Bloomberg lưu ý rằng nhiều "ấm trà 2.0" thường có lợi thế về môi trường, vì họ sở hữu công nghệ quản lý chất thải và nước tiên tiến hơn.