Châu Á chìm trong sóng COVID-19 mới, đe dọa triển vọng nhu cầu dầu mỏ
Châu Á trong làn sóng COVID-19 mới
Phần lớn các nước tại Đông Nam Á chưa thực hiện tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 trên diện rộng và biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 đang lây lan nhanh chóng tại khu vực này. Người dân Đông Nam Á buộc phải hạn chế công việc và đi lại. Điều này đang đe dọa khả năng phục hồi nhu cầu năng lượng của toàn châu Á, Bloomberg đưa tin.
Indonesia, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, đang chìm trong làn sóng COVID-19 nghiêm trọng nhất. Hiện tại, người dân phải hạn chế di chuyển tại trung tâm công nghiệp Java và thiên đường du lịch Bali.
Malaysia cũng đang trong giai đoạn phong tỏa toàn quốc, trong khi Thái Lan vừa tăng cường các biện pháp giãn cách trong thời kỳ dịch bệnh.
Dữ liệu của Apple Mobility và tính toán của Bloomberg cho thấy, mức độ giao thông đi lại hàng ngày ở Indonesia đã giảm khoảng 20% trong tháng 7 so với hồi tháng 6.
Theo Bloomberg, sự lây lan của biến chủng Delta ở Đông Nam Á, khu vực có dân số đông gấp đôi Mỹ, là một trở ngại mới cho các nhà máy lọc dầu châu Á vốn đang chật vật với biên lợi nhuận thấp.
Trong khi đó, nhu cầu năng lượng của Ấn Độ vẫn chưa phục hồi hoàn toàn sau làn sóng COVID-19 vào tháng 4 và tháng 5 năm nay, còn tại Trung Quốc, đà phục hồi kinh tế theo mô hình chữ V đang chững lại.
Sự giảm tốc đáng kể của nền kinh tế Trung Quốc có thể khiến các cường quốc thương mại khác phải cân nhắc lại về triển vọng phục hồi của nền kinh tế toàn cầu, Bloomberg nhấn mạnh.
Dù vậy, nhà nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới đã nhanh chóng kiểm soát được các cụm dịch trong nước, qua đó người dân có thể tự tin đi làm và du lịch trên toàn quốc. Mức độ đi lại của người dân Trung Quốc đã thúc đẩy giá nhiên liệu quay trở lại mức trước đại dịch COVID-19 vào tháng 5.
Xa hơn, tại châu Đại Dương, Australia dường như không bị ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh đáng ngại ở các nước láng giềng châu Á, nhưng Sydney - thành phố lớn nhất của Australia, vẫn đang bị phong tỏa và hoạt động đi lại đã giảm sút đáng kể.
Nhu cầu xăng dầu bị đè nén
Nhà phân tích dầu khí Peter Lee của Fitch Solutions cho hay: "Các điều kiện tại châu Á đang đè nặng lên triển vọng tiêu thụ nhiên liệu". Ba nước Indonesia, Malaysia và Australia chiếm tổng cộng 17% nhu cầu xăng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và khoảng 14% nhu cầu diesel, ông Lee thông tin thêm.
Tình trạng hạn chế di chuyển và chính sách chống dịch chưa thể kiểm soát biến chủng Delta đang khiến các tổ chức phải điều chỉnh giảm dự báo về tiêu thụ nhiên liệu của châu Á, đặc biệt là nhu cầu xăng.
Theo phỏng đoán của hãng tư vấn FGE, so với tháng 5 - thời điểm biến chủng Delta bắt đầu tác động lớn đến nền kinh tế, nhu cầu xăng của Indonesia sẽ giảm 8% trong quý III. Trong cùng giai đoạn tại Malaysia, nhu cầu xăng sẽ lao dốc đến 17%.
Đồng thời, FGE dự báo rằng so với tháng 5, nhu cầu tiêu thụ dầu diesel của Malaysia sẽ giảm 15% trong quý III, trong khi của Indonesia gần như ổn định.
Chuyên gia phân tích thị trường dầu mỏ Grayson Lim của FGE giải thích, các lệnh hạn chế sẽ không ảnh hưởng nhiều đến mức tiêu thụ dầu diesel vì hầu hết hoạt động công nghiệp ở Indonesia vẫn được duy trì.
Trên thực tế, hình ảnh chụp nhanh về hoạt động đi lại tại châu Á cho thấy tình hình tiêu thụ xăng còn tồi tệ hơn. Từ đầu tháng 7 cho đến nay, mức độ tham gia giao thông hàng ngày tại Indonesia đã giảm 21% so với mức trung bình của tháng 6. Trong cùng giai đoạn, mức giảm của Australia là khoảng 3%.
Ông Irto Ginting, quyền phát ngôn viên của công ty dầu khí Pertamina Patra Niaga (một đơn vị của tập đoàn nhà nước Indonesia PT Pertamina), cho biết tác động của các lệnh hạn chế di chuyển và phong tỏa sẽ thể hiện rõ ràng hơn trong một tuần nữa.