Giá dầu có thể đi hai ngả nếu OPEC+ không khơi thông bế tắc
Hôm 5/7, Arab Saudi và UAE đã gạt phăng cuộc đàm phán mới. Động thái này đang đẩy liên minh dầu mỏ OPEC+ vào thế bế tắc và chưa biết đến khi nào các bộ trưởng có thể nhóm họp trở lại.
Hệ quả trước mặt là OPEC+ không thể tăng sản lượng như dự kiến vào tháng 8 tới, như vậy thế giới có thể thiếu hàng triệu thùng dầu thô mỗi ngày ngay khi đà phục hồi kinh tế tiếp tục tăng tốc.
Sự thiếu đoàn kết bên trong liên minh dầu mỏ cũng gợi lại bóng ma về cuộc chiến giá dầu hồi năm ngoái, khi Arab Saudi và Nga tự bơm dầu theo ý muốn và khiến giá dầu thô lao dốc nghiêm trọng.
Dẫu vậy, thế bế tắc hiện nay vẫn còn có thể tháo gỡ và OPEC+ có thể tổ chức đàm phán trở lại trong vài ngày tới. Bloomberg đã phỏng vấn một số chuyên gia phân tích về tác động của vụ việc đối với thị trường cũng như giá dầu thô.
UBS Group: Giá dầu lên 80 USD/thùng
Chiến lược gia Giovanni Staunovo cho hay, trong bối cảnh OPEC+ chưa thể tăng nguồn cung trong tháng 8, thị trường dầu mỏ có thể thắt chặt hơn nữa và giá dầu Brent có nguy cơ leo lên mức 80 USD/thùng vào tháng 9.
Dù vậy, OPEC+ vẫn có thể đạt được thỏa thuận vì 23 nước thành viên có thể sẽ nối lại các cuộc đàm phán trong vài ngày tới. Tuy nhiên, ông Staunovo không rõ nếu OPEC+ không chốt được thỏa thuận nào, tỷ lệ tuân thủ cam kết của các thành viên có giảm sút vào tháng tới hay không.
Trong vài ngày nữa, Saudi Aramco - tập đoàn dầu mỏ quốc gia của Arab Saudi, sẽ công bố giá bán dầu chính thức cho tháng 8. Mức giá của ông lớn này có thể cung cấp thêm thông tin cho giới chuyên gia.
ING: OPEC+ nên tách thỏa thuận ra làm hai phần
Nếu OPEC+ giữ nguyên sản lượng vào tháng 8, giá dầu sẽ tăng cao hơn và nhiều khả năng là các nước thành viên sẽ tận dụng thời cơ để bơm dầu, ông Warren Patterson - trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa của công ty tư vấn ING (Singapore), nhận định.
Các nước này có thể sẽ bắt đầu bán thêm dầu thô ra thị trường, nếu vậy thì thỏa thuận chung của OPEC+ có nguy cơ sụp đổ. Có khả năng trên thị trường sẽ xuất hiện cuộc chiến giá dầu như đầu năm ngoái, song các bên liên quan dường như đang cố gắng đàm phán để tránh kịch bản này.
Theo gợi ý của nhà phân tích Patterson, OPEC+ có thể tách riêng hai yếu tố của một thỏa thuận tiềm năng. Cụ thể, liên minh dầu mỏ có thể đồng ý tăng sản lượng 2 triệu thùng/ngày từ tháng 8 đến tháng 12 năm nay, và sau đó mới giải quyết vấn đề gia hạn thỏa thuận vào một thời điểm khác trong năm 2022.
FGE: Giá dầu nhảy vọt lên 90 USD/thùng
Chia sẻ với Bloomberg, Chủ tịch Fereidun Fesharaki của công ty tư vấn ngành năng lượng FGE cho biết, nếu sản lượng của OPEC+ không tăng thì giá dầu thô có thể chạm ngưỡng 85 - 90 USD/thùng.
Tuy nhiên, khả năng cao là các nước thành viên OPEC+ sẽ thỏa hiệp với nhau trong một đến ba tuần tới, dù giá dầu có thể sẽ tiếp tục tăng cho đến khi kịch bản này xảy ra.
Không rõ UAE sẽ rời OPEC hay không, nhưng Abu Dhabi rõ ràng đang muốn tự do điều tiết chính sách dầu mỏ hơn. Khi giá dầu neo ở mức cao như hiện nay, các công ty dầu đá phiến Mỹ có thể sẽ bơm thêm dầu ra thị trường vào năm tới.
RBC Capital Markets: Tranh chấp quyền lực
Hai nhà phân tích Helima Croft và Christopher Louney cho biết, dù các quan chức OPEC+ vẫn đang tiếp tục đàm phán đằng sau "cánh gà", trong vài ngày tới công chúng sẽ ngày càng đặt câu hỏi về mong muốn ở lại OPEC của UAE.
Tranh chấp giữa Riyadh và Abu Dhabi dường như không chỉ liên quan đến chính sách dầu mỏ, mà UAE có thể đang muốn thoát ra khỏi cái bóng của Arab Saudi và vạch ra hướng đi riêng trên trường thế giới.
Rystad Energy: OPEC+ có thể nhượng bộ UAE
Chiến lược gia Louis Dickson nhấn mạnh, không thành viên OPEC+ nào muốn liên minh dầu mỏ thất bại trong vòng đàm phán hiện tại. Động lực này có thể thôi thúc các nước thỏa hiệp để đáp ứng yêu cầu của UAE một chút.
Thị trường có thể điều chỉnh giá dầu ngay lập tức nếu OPEC+ đồng ý tăng sản lượng hơn 500.000 thùng/ngày vào tháng 8. Giới thương nhân đang đổ dồn sự chú ý vào các cuộc đàm phán không chính thức giữa các bên.