|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá dầu có thể tăng vọt nếu OPEC+ án binh bất động

10:48 | 01/07/2021
Chia sẻ
Các chuyên gia dự đoán OPEC+ sẽ bơm thêm 500.000 - 1 triệu thùng dầu thô ra thị trường mỗi ngày. Song, trước nguy cơ thị trường xảy ra tình trạng thừa cung vào năm tới, liên minh dầu mỏ có thể sẽ "án binh bất động".

Kịch bản dư cung năm 2022

Liên minh dầu mỏ OPEC+ sẽ chính thức nhóm họp vào ngày 1/7 (theo giờ địa phương). Hiện tại, thị trường đang có nhiều đồn đoán về các động thái của OPEC+ và tác động của chúng đến giá dầu thô.

Trong thời gian tới, OPEC+ được dự đoán sẽ tăng sản lượng khoảng 500.000 - 1 triệu thùng dầu/ngày. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho biết có khả năng OPEC+ sẽ không hành động.

Giá dầu có thể tăng vọt nếu OPEC+ 'án binh bất động' - Ảnh 1.

Hoàng tử Abdulaziz bin Salman Al-Saud, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Arab Saudi. (Ảnh: Reuters).

Theo đưa tin từ Reuters, gần đây OPEC vừa phát hành một báo cáo nội bộ, trong đó chỉ ra khả năng thị trường có thể dư cung nếu OPEC+ chấm dứt thỏa thuận giảm sản lượng vào tháng 4/2022 và bơm thêm dầu thô ra thị trường. 

Bình luận về khả năng OPEC+ siết chặt nguồn cung trước lo ngại mới, bà Helima Croft - trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa tại RBC, cho hay: "Đối với riêng tôi, điểm thú vị là nếu OPEC+ tiếp tục hạn chế sản lượng như hiện tại, giá dầu sẽ tăng cao bao nhiêu".

Bà Croft lưu ý rằng OPEC+ đã trở nên linh hoạt hơn kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát và liên minh này có thể nhanh chóng điều chỉnh khi nhận thấy các yếu tố lớn sẽ ảnh hưởng đến thị trường như thế nào.

"OPEC+ từng chuyển động rất chậm chạp, các bộ trưởng chỉ gặp nhau hai năm một lần", bà Croft cho hay. Song, hiện nay OPEC+ đang hoạt động giống như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), thường xuyên tổ chức các cuộc họp chính sách.

"Họp hành thường xuyên giúp OPEC+ nắm quyền kiểm soát thị trường", vị chuyên gia nhấn mạnh.

Các công ty dầu đá phiến Mỹ

Theo CNBC, OPEC+ đang cố gắng cân bằng lợi ích. Nếu OPEC+ bơm quá ít dầu thô ra thị trường khiến giá dầu tăng cao hơn, các nhà sản xuất dầu đá phiến Mỹ sẽ đổ xô đi hút dầu.

Nếu OPEC+ tăng mạnh sản lượng để giữ giá dầu thấp hơn, Mỹ có thể đạt được thỏa thuận hạt nhân mới với Iran. Nếu như vậy, thị trường có thể tiếp nhận thêm đến 1,5 triệu thùng dầu/ngày từ Iran vào cuối năm nay. Con số này thậm chí có thể tăng cao hơn, tùy thuộc vào lượng dầu thô mà Iran lấy từ kho dự trữ.

"Giá dầu tăng trở lại ngưỡng hiện nay cũng mới chỉ giúp OPEC+ vực dậy phần nào", chiến lược gia Francisco Blanch của Bank of America nhận định. "Theo phán đoán của tôi, OPEC+ có lẽ muốn duy trì mức giá này. Họ chưa muốn đẩy giá dầu lên cao hơn ngay bây giờ".

Hơn nữa, giá dầu tăng quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu ở các thị trường mới nổi. Đơn cử như Ấn Độ - một khách hàng lớn của dầu thô Trung Đông, mức giá 75 USD/thùng đã là quá cao, ông Blanch cho hay.

Giá dầu có thể tăng vọt nếu OPEC+ 'án binh bất động' - Ảnh 2.

Mỹ hiện đang sản xuất khoảng 11 triệu thùng dầu/ngày, ít hơn khoảng 2 triệu thùng so với mức cao trước đại dịch COVID-19. Một số nhà sản xuất dầu mỏ của Mỹ đang gia tăng sản lượng một cách chậm chạp.

Họ bị cản trở vì thiếu vốn, cũng như phải chi trả cổ tức cho cổ đông và giải quyết gánh nặng nợ nần. Ngoài ra, mối quan tâm của chính quyền Tổng thống Joe Biden với các mục tiêu xanh cũng tác động đến hoạt động của các công ty dầu mỏ tại Mỹ.

Giữa tháng 6, một loạt các tổ chức dự báo lớn như Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA), Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Wood Mackenzie, IHS, Argus Media, Energy Intelligence và Energy Aspects báo với OPEC+ rằng sản lượng dầu thô của Mỹ trong năm nay sẽ chỉ tăng khoảng 200.000 thùng/ngày.

Đến năm 2022, sản lượng của các công ty dầu đá phiến Mỹ được dự báo tăng khoảng 500.000 - 1,3 triệu thùng/ngày.

Nếu tốc độ tăng sản lượng của ngành dầu đà phiến Mỹ chững lại như dự báo, OPEC+ sẽ có nhiều dư địa để kiểm soát nguồn cung của các nước ngoài liên minh trong ngắn hạn. Đây là lần đầu tiên trong gần một thập kỷ, OPEC+ có lý do vững chắc để tin rằng họ thực sự có thể kiểm soát cán cân cung - cầu mà không lo sợ bị các công ty dầu mỏ Mỹ cản trở.

Khả Nhân