Doanh nghiệp không mặn mà khoan giếng mới, vì đâu sản lượng dầu đá phiến của Mỹ không hao hụt nhiều?
Khai thác dầu thô và khí đốt từ đá phiến là một kỳ tích thời hiện đại, Forbes viết. Ngay từ khi những công ty tiên phong sử dụng công nghệ phá khối đá phiến bằng thủy lực (fracking) để khai thác dầu thô, một số chuyên gia đã ca ngợi tiềm năng to lớn của đá phiến.
Tuy nhiên, những chuyên gia khác lại cho rằng Mỹ không thể sản xuất dầu đá phiến vì các phân tử trong đá phiến lớn hơn phân tử metan, hoặc thành công của các công ty khai thác dầu thô tại mỏ đá phiến Bakken là duy nhất, không thể lặp lại ở nơi khác.
Trái với nhận định của các chuyên gia trên, lĩnh vực sản xuất dầu thô và khí đốt từ đá phiến ở Mỹ đã thành công vượt kỳ vọng. Trong lịch sử, sản lượng dầu đá phiến chỉ giảm khi giá dầu giảm mạnh.
Năm ngoái, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, sản lượng dầu đá phiến của Mỹ có thời điểm giảm khoảng 2,5 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, phần lớn là do các giếng khoan tạm ngừng hoạt động khi giá dầu lao dốc về mức âm vào tháng 4 cùng năm, còn doanh nghiệp thì chờ đợi giá phục hồi để sản xuất trở lại.
Từ sau giai đoạn đó đến nay, sản lượng của các công ty dầu đá phiến Mỹ đã phục hồi thêm 1 triệu thùng/ngày, nhưng nguồn cung vẫn thấp hơn nhiều so với mức trước đại dịch, Forbes lưu ý.
Bí ẩn của ngành dầu đá phiến Mỹ
Điều đáng ngạc nhiên có lẽ là dù hoạt động khoan giếng đã sụt giảm 75% vào mùa xuân năm ngoái và thậm chí đến giờ chỉ mới phục hồi một phần, nhưng sản lượng dầu thô chung của Mỹ không hao hụt bao nhiêu.
Trước đây, các chuyên gia từng cho biết, sản lượng dầu thô của các giếng đá phiến thường suy giảm nhanh hơn rất nhiều so với các giếng dầu thông thường. Tỷ lệ hao hụt trong năm đầu tiên đi vào khai thác là khoảng 70%.
Do đó, các doanh nghiệp thường khoan thêm một lượng lớn giếng mới để bù đắp cho mức sản lượng bị hao hụt. Tại lưu vực Permian, vào năm 2019, các nhà sản xuất đã phải dành gần 80% công suất khai thác mới để lấp vào số thùng dầu thô bị hụt đi ở các giếng cũ.
Hơn nữa, sản lượng dầu đá phiến tại Mỹ không hề lao dốc mà hiện vẫn tương đối ổn định, ngoại trừ một đợt giảm vào tháng 2 năm nay. Trong khi số lượng giàn khoan và tỷ lệ hao hụt cao, điều này dường như hơi phi lý.
Hóa ra, các giếng khoan chưa khai thác chính là đáp án cho câu đố trên. Từ lâu, các chuyên gia đã lưu ý rằng lưu vực Permian có một số lượng lớn các giếng dầu đã được khoan nhưng chưa được khai thác bằng công nghệ fracking. Các giếng khoan đó tạo thành một bể chứa dầu thô chưa được khai phá.
Do chi phí fracking một giếng dầu chỉ bằng một nửa tổng chi phí khoan giếng và fracking nên đối với một ngành công nghiệp đang thiếu thốn nguồn tiền như dầu đá phiến, đây là một trái ngọt rất dễ hái.
Biểu đồ bên dưới sẽ giúp lý giải nhận định của Forbes. Trong năm qua, số lượng giếng khoan mới tại Mỹ giảm mạnh, dù có phục hồi thời gian gần đây nhưng hiện chỉ bằng một nửa so với mức trước đại dịch.
Tuy nhiên, số lượng giếng hoàn thiện (tức là doanh nghiệp đã phá đá và hút dầu từ trong giếng) chỉ giảm khoảng 25%. Điều này giải thích tại sao tỷ lệ hao hụt sản lượng là 80% và hoạt động khoan giếng mới chững lại nhưng sản lượng dầu thô nói chung của Mỹ vẫn ổn định.
Forbes dự đoán, trong bối cảnh giá dầu phục hồi và có thể tăng lên ngưỡng 100 USD/thùng vào năm 2022 như dự báo của Bank of America, hoạt động khoan giếng mới và sản lượng dầu đá phiến của Mỹ sẽ lấy lại đà tăng trưởng trước đây.
Theo nhận định của nhiều tổ chức dự báo như Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA), Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Wood Mackenzie, IHS, Argus Media, Energy Intelligence và Energy Aspects, sản lượng dầu thô của Mỹ có thể tăng khoảng 500.000 - 1,3 triệu thùng/ngày vào năm 2022.
Dù vậy, một số chuyên gia vẫn cho rằng thị trường có vẻ đang quá lạc quan khi tin tưởng sản lượng dầu đá phiến Mỹ có thể tăng cao đến 1,3 triệu thùng/ngày trong năm tới.
Chia sẻ trên Forbes, nhà phân tích David Blackmon nói các công ty khai thác dầu mỏ Mỹ vẫn đang phải đối mặt với áp lực gia tăng lợi nhuận cho các nhà đầu tư thay vì đốt tiền vào những dự án mới như trước đây.