|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Ngành dầu đá phiến của Mỹ chật vật giành lại niềm tin nơi nhà đầu tư

15:25 | 28/02/2021
Chia sẻ
Trong thập kỷ qua, do thói quen đốt tiền vô tội vạ mà nhà đầu tư dần quay lưng với ngành dầu đá phiến Mỹ. Liệu lời cam kết mới của các nhà khai thác có đủ sức làm lay động nhà đầu tư quay về hay không?

Theo Financial Times, vào tháng 6/2019, Chesapeake, công ty tiên phong trong giai đoạn bùng nổ khai thác đá phiến tại Mỹ, nộp đơn xin phá sản. Để vực dậy từ hố sâu, ông lớn khí đốt Mỹ phải học cách đi chậm hơn, xuống tiền vừa phải hơn và tạo ra nhiều lợi nhuận hơn.

Trong tương lai, giá trị thị trường của Chesapeake sẽ chỉ bằng một phần nhỏ so với con số 35 tỷ USD xác lập hơn một thập kỷ trước, khi nhà sáng lập quá cố Aubrey McClendon rót tiền vô tội vạ vào bất động sản Oklahoma và sân đấu NBA.

Chesapeake dĩ nhiên không phải công ty dầu đá phiến duy nhất tại Mỹ đốt tiền của nhà đầu tư và lụn bại trong 15 năm qua. Và khi cuộc khủng hoảng dầu mỏ tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ xảy ra vào năm ngoái, rất nhiều nhà khai thác đã bị buộc phải giảm chi phí vốn, sa thải hàng chục nghìn công nhân, đóng cửa giếng dầu và hạ sản lượng.

Ngành dầu đá phiến của Mỹ chật vật tìm lại sợi dây cương - Ảnh 1.

Một giàn khoan của Endeavour Energy Resources ở lưu vực Permian. Sau cú sốc giá dầu năm ngoái, các nhà khai thác đã buộc phải cắt giảm chi tiêu vốn, sa thải hàng chục nghìn công nhân, đóng cửa giếng khoan và cắt giảm sản lượng. (Ảnh: Bloomberg).

Không chỉ kinh doanh sa sút, ngành dầu đá phiến Mỹ còn lo sợ tham vọng khởi động một cuộc cách mạng năng lượng xanh của tân Tổng thống Joe Biden. Nếu ông Biden thực hiện được lời hứa tranh cử này, hoạt động khai thác và sản lượng dầu khí tại Mỹ sẽ sụt giảm.

Đối mặt với áp lực lớn, ngành dầu đá phiến Mỹ đang đứng trước một canh bạc rủi ro: kêu gọi nhà đầu tư quay trở lại. Bà Vicki Hollub, CEO Occidental Petroleum, cho hay: "Tôi tin rằng ngành đá phiến Mỹ sẽ phải rất nỗ lực để chứng minh và thu hút nhà đầu tư quay lại".

Để nối lại mối quan hệ với nhà đầu tư, các công ty dầu đá phiến Mỹ dường như đang cam kết giảm chi tiêu, tăng sản lượng vừa phải và phạm vi khai thác sẽ thu nhỏ hơn, chủ yếu là ở các mỏ dầu đá phiến ở bang Texas.

Liệu cam kết mới của ngành dầu đá phiến Mỹ có đáng tin hay không, Financial Times đặt câu hỏi. Một số nhà đầu tư vẫn hoài nghi khi nhớ đến những lời hứa vụn vỡ của các nhà khai thác năm xưa. Trong ngành này có một câu châm ngôn: "Đưa cho thợ dầu một USD, anh ta sẽ lại khoan một cái giếng".

Dấu hiệu cảnh báo sớm

Sau nhiều năm tăng trưởng, mô hình kinh doanh thâm dụng tiền mặt của ngành đá phiến Mỹ đã bắt đầu hụt hơi, ngay cả trước khi cuộc chiến giá dầu giữa Arab Saudi và Nga cũng như đại dịch COVID-19 nổ ra vào năm ngoái.

Tại Mỹ, sản lượng của từng giếng dầu nổi tiếng là sụt giảm rất nhanh chóng, có nơi sản lượng lao dốc 80% chỉ sau một năm khai thác. Để bù lỗ, doanh nghiệp phải khoan giếng mới. Vòng tuần hoàn bù lỗ - khoan giếng mới cứ liên tục lặp lại.

Theo hãng tư vấn Rystad Energy, các nhà khai thác dầu đá phiến Mỹ đã khoan hơn 14.000 giếng dầu trong năm 2019. Nhờ đó, sản lượng dầu thô của Mỹ mới có thể đạt mốc kỷ lục gần 13 triệu thùng/ngày mà thậm chí Arab Saudi và Nga, những nhà khai thác dầu mỏ hàng đầu trên thế giới, cũng không thể làm được.

Tuy nhiên, mô hình kinh doanh trên đòi hỏi một lượng lớn tiền mặt ở mức lãi suất cơ bản, Financial Times lưu ý.

Ông Ben Dell, đối tác quản lý tại công ty quản lý đầu tư Kimmeridge, nhận xét: "Trong thập kỷ qua, các công ty đá phiến Mỹ chọn theo đuổi tăng trưởng mà bỏ qua tỷ lệ hoàn vốn đã sử dụng (ROCE) hoặc lợi nhuận cho cổ đông. Đây chính là vấn đề cơ bản trong mô hình kinh doanh của họ".

Sau khi giá dầu lao dốc giai đoạn 2014 - 2015, nhà đầu tư hối hả xuống tiền hỗ trợ ngành đá phiến phục hồi. Song, vào năm ngoái, họ đã tháo chạy. Khi thị trường vốn bắt đầu đóng sập cánh cửa với các công ty đá phiến, nhà khai thác buộc phải giảm kế hoạch chi tiêu và hoạt động khoan dầu.

Lợi nhuận lẫn triển vọng tăng trưởng sa sút, ngành đá phiến Mỹ nặng gánh bước sang năm 2020. Sau đó, giá dầu lại bất ngờ lao dốc và thậm chí tụt xuống mức âm vào tháng 4 cùng năm.

"Khi đại dịch COVID-19 khiến nhu cầu dầu thô giảm mạnh và giá dầu sụp đổ, các công ty đá phiến buộc phải giảm vốn đầu tư...Sự thoái trào của ngành dầu mỏ thế giới năm 2020 đã đặt ngành đá phiến Mỹ về lại vạch xuất phát", nhà phân tích Aaron DeCoste của hãng tư vấn Boston Partners lập luận.

Ngành dầu đá phiến của Mỹ chật vật tìm lại sợi dây cương - Ảnh 2.

Một giếng khai thác dầu đá phiến im lìm giữa thời tiết lạnh giá. (Ảnh: Bloomberg).

Sang đầu tháng 2 năm nay, thời tiết lạnh giá tại Mỹ lại một lần nữa giáng đòn đau vào ngành đá phiến. Sản lượng dầu thô của Mỹ lao dốc kỷ lục, ước tính giảm 40% so với thời điểm bình thường. Các giếng dầu đang chật vật tìm cách hoạt động trở lại giữa cái lạnh cực đoan.

CEO Matt Gallegher của Parsley Energy nhận định, chỉ một vài công ty đá phiến cho thấy họ có thể trụ vững sau cú sốc dầu mỏ năm ngoái.

Theo phân tích của hãng luật Haynes and Boone dựa trên dữ liệu của Rystad, tình cảnh của Chesapeake và các nhà khai thác nhỏ hơn đều đang rất nghiêm trọng, hơn 100 nhà khai thác và nhà cung cấp dịch vụ đang gánh khoản nợ 102 tỷ USD.

Lối thoát với M&A

Để tìm đường ra, các công ty đá phiến Mỹ đang đẩy mạnh hoạt động M&A và hợp nhất nhằm gia tăng quy mô doanh nghiệp. Theo đó, số lượng các nhà sản xuất sẽ tiếp tục bị thu hẹp hơn.

Từ khoảng 500 công ty khai thác và sản xuất dầu đá phiến trước cuộc khủng hoảng năm ngoái, chỉ 50 công ty có thể sống sót, Giám đốc Lee Maginniss của công ty tư vấn Alvarez & Marsal dự đoán.

Một số nhà phân tích khác cho rằng chỉ khoảng 10 hoặc các công ty đại chúng lớn mới có thể đứng vững trên thị trường dầu đá phiến Mỹ.

Theo hãng dữ liệu Enverus, hoạt động M&A trong ngành đá phiến Mỹ đang diễn ra rất sôi nổi và chỉ riêng trong năm 2020, ngành này đã thực hiện các thương vụ trị giá khoảng 52 tỷ USD. Chevron tiên phong khi mua lại Noble Energy vào tháng 7/2020. ConocoPhillips mua lại Concho Resources. Devon Energy sáp nhập với WPX Energy.

Ông Scott Sheffield, CEO hãng dầu Pioneer, dự đoán chỉ những công ty có vốn hóa trên 10 tỷ USD mới đủ sức hút với các nhà đầu tư có xu hướng theo đuổi giá trị.

Bất chấp làn sóng M&A và hợp nhất đang diễn ra, khá nhiều nhà phân tích và giới đầu tư vẫn chưa thể bị thuyết phục với cam kết mới của ngành đá phiến. Theo họ, các nhà khai thác sẽ không thể kiềm chế mà lại tăng nguồn cung nếu đợt tăng gần đây của giá dầu tiếp tục.

Bà Hollub, CEO Occidental Petroleum, cho rằng nhà đầu tư khó có thể hỗ trợ ngành đá phiến Mỹ nếu chỉ cam kết chỉ dựa trên niềm tin. Giá dầu tăng cao trong vài tuần gần đây đang thử thách quyết tâm của các nhà khai thác dầu đá phiến tại Mỹ.

Khả Nhân