|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Thị trường dầu mỏ sắp đón thêm một cú sốc mới?

10:08 | 18/02/2021
Chia sẻ
Ban đầu, đợt lạnh kỷ lục khiến hàng chục bang tại Mỹ rơi vào cảnh mất điện. Song đến giờ, ảnh hưởng của thời tiết cực đoan đang dần trở nên nghiêm trọng hơn, và có nguy cơ trở thành một cú sốc mới cho thị trường dầu mỏ thế giới.

Bloomberg dẫn lời các thương nhân và giám đốc ngành năng lượng cho biết do thời tiết lạnh giá mà đến nay, sản lượng dầu thô tại Mỹ đã giảm hơn 4 triệu thùng/ngày, tương đương gần 40% tổng sản lượng trên toàn quốc.

Hoạt động lọc dầu tại Mỹ cũng đang bị đình trệ. Các tuyến đường thủy giúp vận chuyển dầu thô của Mỹ ra các thị trường quốc tế cũng bị gián đoạn trong tuần qua.

"Thị trường đang đánh giá quá thấp mức giảm sản lượng mà thời tiết xấu gây ra tại bang Texas", ông Ben Luckock, trưởng bộ phận kinh doanh dầu mỏ của tập đoàn hàng hóa Trafigura, cho hay.

Trong phiên giao dịch ngày 17/2, giá dầu thô Brent đã tăng lên 65 USD/thùng, mức chưa từng thấy kể từ tháng 1 năm ngoái. Còn 10 tháng trước, giá dầu Brent thậm chí còn tụt xuống dưới ngưỡng 16 USD/thùng vì cú sốc nhu cầu mà đại dịch COVID-19 tạo ra.

Thị trường dầu mỏ sắp đón thêm một cú sốc mới? - Ảnh 1.

Trong quá khứ, tình trạng gián đoạn mà thời tiết cực đoan gây ra cho hoạt động khai thác dầu thô chủ yếu là vấn đề riêng của nước Mỹ. Song, giờ đây nó đã trở thành mối quan tâm toàn cầu.

Thị trường dầu thô ở châu Âu đã bất ngờ tăng điểm khi các thương nhân tìm đến thị trường này để thay thế nguồn cung bị mất tại Mỹ. Trước tình huống mới, OPEC và các đồng minh sẽ phải quyết định nên tiếp tục giảm sản lượng trong bao lâu.

Giới phân tích đang tính toán thời gian cần thiết để làm tan băng tại các cơ sở khai thác dầu thô, nhưng ước tính của họ có thể sẽ nới rộng dần, đặc biệt là ở những khu vực mà thời tiết băng giá không thường xuyên xảy ra.

Hệ lụy của thời tiết cực đoan

Ban đầu, các thương nhân và công ty tư vấn dự kiến sản lượng dầu thô của Mỹ chỉ giảm trong hai đến ba ngày. Tuy nhiên, tình hình có vẻ không khả quan mấy nên nguồn cung chưa chắc có thể bắt đầu phục hồi đáng kể trước cuối tuần này.

Điều đó có nghĩa là, nguồn cung dầu thô toàn cầu sẽ mất đi một lượng lớn. Citigroup ước tính sản lượng dầu thô sẽ giảm 16 triệu thùng cho đến đầu tháng 3, song ước tính thiệt hại của một số thương nhân hiện gần gấp đôi. Hàng loạt cơ sở khai thác dầu lớn ở lưu vực Permian, trung tâm sản xuất dầu đá phiến của Mỹ, đã phải tạm ngừng hoạt động.

Kết quả là, tình trạng gián đoạn tại Mỹ bất ngờ kéo giá dầu thô ở các thị trường khác đi lên. Trong tuần qua, các thương nhân ở Biển Bắc ra sức mua trữ lượng dầu thô ở khu vực này để thay thế cho xuất khẩu dầu thô của Mỹ. Khi nguồn cung dầu thô của châu Âu trở nên đắt đỏ hơn, khách hàng châu Á đã bắt đầu tìm đến thị trường Trung Đông.

Dù đang neo ở mức cao nhất trong hơn một năm qua, giá dầu thô kỳ hạn vẫn chưa tăng cao hơn do công suất lọc dầu sụt giảm cũng nghiêm trọng không kém. Nhà máy lọc dầu lớn nhất tại Mỹ đã đóng cửa và ít nhất 3 triệu thùng dầu/ngày không được chế biến.

Các thương nhân đang gấp rút chuyển hàng triệu thùng dầu diesel qua Đại Tây Dương đến Mỹ, cho nên với sự gián đoạn cả trong lĩnh vực lọc dầu, bất lợi hiện tại của Mỹ có thể là lợi thế tiềm tàng cho ngành công nghiệp lọc dầu đang đi xuống của châu Âu.

Cuối cùng, lượng tồn kho dầu thô và các sản phẩm từ dầu thô của Mỹ trong những tuần tới sẽ rất khó đoán. Trong khi hoạt động sản xuất xăng bị ảnh hưởng vì nhà máy lọc dầu ngừng hoạt động, số lượng người lái xe trên đường cũng ít hơn so với bình thường vì thời tiết lạnh giá.

Ngoài ra, tồn kho nhiên liệu sưởi ấm như propan và diesel dự kiến sẽ giảm mạnh. Trước khi thời tiết chuyển biến xấu trong tuần này, nhu cầu cho các loại nhiên liệu trên vốn đã tăng cao.

Tất cả yếu tố trên sẽ khiến Arab Saudi và liên minh OPEC+ phải theo dõi sát sao dự báo thời tiết của Texas trong thời gian tới.

Quyết định tháng 4

Liên minh dầu mỏ vẫn chưa quyết định kế hoạch sản xuất cho tháng 4, song Arab Saudi đã gây bất ngờ cho thị trường dầu mỏ vào đầu năm nay khi tự nguyện giảm thêm 1 triệu thùng/ngày trong hai tháng 2 và 3. Điều đó khiến công suất dự phòng bị hạn chế ngay tại thời điểm thị trường cần thêm nguồn cung.

Ông Gary Ross, nhà quản lý quỹ đầu cơ tại Black Gold Investors và từng là nhà tư vấn dầu mỏ kỳ cựu, nhận xét: "Thị trường đang biến động khó đoán, khiến OPEC+ khó lòng kiểm soát. Thời tiết cực đoan tại Mỹ đang tác động rất lớn đến cán cân cung - cầu toàn cầu".

Dù vậy, nhiệt độ tại Mỹ đang dần ấm lên. Vào ngày 19/2, nhiệt độ ở Midland, thủ phủ của lưu vực Permian, dự kiến sẽ tăng lên 7 độ C và tiếp tục nhích lên 13 độ C một ngày sau đó. Nếu thực tế như dự đoán, hoạt động khai thác dầu thô tại Mỹ có thể khởi động lại trong tuần này.

Trước đó, vào ngày 15/2, nhiệt độ tại Midland đã chạm mức -19 độ C, ngưỡng thấp nhất trong hơn 30 năm qua.

Hiện tại, ẩn số lớn nhất vẫn là mất bao lâu thì sản lượng và các cơ sở khai thác dầu tại lưu vực Permian sẽ phục hồi hoàn toàn.

"Theo dữ liệu từ đợt lạnh gần nhất tại lưu vực Permian, hoạt động sản xuất có thể phục hồi rất nhanh. Tuy nhiên, tình trạng hư hại tại các nhà máy lọc dầu nhiều khả năng sẽ kéo dài hơn", chuyên gia cấp cao Paul Horsnell của Standard Chartered cho hay.

Yên Khê