|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Tương lai của giá dầu và kim loại cơ bản phụ thuộc vào Trung Quốc?

07:22 | 22/02/2021
Chia sẻ
CNBC dẫn lời một nhà kinh tế cho biết, giá hàng hóa đang tăng nhưng liệu xu hướng này có tiếp tục trong thời gian dài hay không sẽ phụ thuộc phần nhiều vào Trung Quốc.

Chia sẻ trên chương trình "Squawk Box Asia" của CNBC, ông Vivek Dhar, chiến lược gia hàng hóa tại ngân hàng Commonwealth Bank of Australia (CBA), cho biết giá của các hàng hóa như dầu thô và kim loại cơ bản đã phục hồi mạnh mẽ so với mốc tháng 10 năm ngoái nhờ những tin tức tích cực về thử nghiệm vắc xin ngừa COVID-19.

Ông Dhar nhận định, liệu giá hàng hóa có tiếp tục tăng trong một thời gian dài (hay còn gọi là siêu chu kỳ) sẽ phụ thuộc vào Trung Quốc.

"Hiện tại, câu hỏi mà chúng ta đang đặt ra là siêu chu kỳ hàng hóa có xảy ra hay không. Đáp án nằm trong tay Trung Quốc", vị chiến lược gia cho hay.

Siêu chu kỳ gần nhất xảy ra vào giữa những năm 2000 (trước khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu xảy ra) và đạt đỉnh vào năm 2008 khi Trung Quốc phát triển thành cường quốc hàng hóa.

"Trung Quốc hiện chiếm khoảng 50 - 60% nhu cầu hàng hóa toàn cầu. Do đó, nếu chúng ta đề cập đến một siêu chu kỳ hàng hóa khác, tôi nghĩ bạn nên chờ đợi xem Trung Quốc sẽ làm gì trong năm 2021", ông Dhar nói tiếp.

Tương lai của giá dầu và kim loại cơ bản phụ thuộc vào Trung Quốc - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Tân Hoa Xã.

Vị chuyên gia của CBA lý giải, trước đó giá hàng hóa bắt đầu tăng là nhờ Bắc Kinh cam kết tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng trong năm 2020. Liệu động lực này có tiếp tục trong năm 2021 hay không là vẫn chưa rõ.

"Siêu chu kỳ hàng hóa chắc chắn có thể xảy ra, nhưng theo quan điểm của chúng tôi, Trung Quốc mới chính là nước nắm giữ lá bài quyết định", ông Dhar nhấn mạnh.

"Song, trước khi thấy Trung Quốc đưa ra chính sách hỗ trợ tài khóa và kế hoạch kinh tế 5 năm tới thực sự ưu tiên các lĩnh vực thâm dụng hàng hóa thay vì ngành dịch vụ hay tiêu dùng, chúng tôi chưa thể tin tưởng kịch bản siêu chu kỳ này", ông Dhar bày tỏ.

Nhận định của ông Vivek Dhar hoàn toàn trái ngược với dự báo của các ngân hàng đầu tư JPMorgan và Goldman Sachs. Trước đó, các ngân hàng Phố Wall này từng đề cập đến một siêu chu kỳ hàng hóa sắp xảy ra.

Tính đến ngày 19/2, giá các kim loại cơ bản trên Sàn Giao dịch Kim loại London đều tăng, với đồng tăng 2,57% lên mốc 8.606 USD/tấn, nhôm tăng hơn 1,2% lên ngưỡng 2.135 USD/tấn và kẽm tăng hơn 2,1% lên 2.864 USD/tấn.

Giá dầu thô

Giá dầu đã cải thiện đáng kể trong các phiên giao dịch gần đây, một phần nhờ được hỗ trợ bởi nỗ lực giảm sản lượng của liên minh OPEC+ và cuộc khủng hoảng năng lượng do thời tiết cực đoan tại Mỹ.

Theo ghi nhận trên oilprice.com vào chiều ngày 20/2 (theo giờ Việt Nam), giá dầu Brent đã giảm xuống còn 62,9 USD/thùng, trong khi dầu WTI tụt xuống ngưỡng 59,2 USD/thùng. Dù hiện tại giá dầu có sụt giảm nhưng tính từ tháng 11 năm ngoái, giá vẫn tăng gần 69%.

Cuối năm ngoái, CBA dự đoán giá dầu thô sẽ đạt 65 USD/thùng vào cuối năm nay, song khi đó ông Dhar cho đây là một mức dự báo thấp. Đúng như nhận định của vị chuyên gia, giá dầu đã phá ngưỡng 65 USD/thùng trong phiên giao dịch ngày 17/2.

"Những kỳ vọng về vắc xin ngừa COVID-19 chắc chắn rất tích cực cho giá dầu thô. Khoản 2/3 lượng tiêu thụ dầu thô trên thế giới gắn liền với hoạt động vận chuyển và di chuyển, nên bất kỳ tin tức tốt nào trên mặt trận COVID-19 đều sẽ có tác động to lớn đến giá dầu và dự báo nhu cầu dầu thô", ông Dhar lập luận.

Ông Dhar còn nói thêm rằng, quyết định ổn định nguồn cung và giảm sản lượng của các nhà sản xuất dầu thô đã cho phép giá dầu phục hồi.

"Nhu cầu dầu chắc chắn là yếu tố then chốt, nhưng phía cung cũng đóng vai trò quan trọng trên thị trường. Đó là lý do tại sao giá dầu thậm chí có thể vượt mức dự báo và đạt 70 USD/thùng vào cuối năm nay", ông Dhar cho hay.

Khả Nhân