Thỏa thuận hạt nhân Iran kìm chân giá dầu thô?
Thỏa thuận hạt nhân Iran thành công?
Mỹ và Iran đang cố gắng khơi thông bế tắc xoay quanh thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Từ đầu tháng 4, đại diện hai nước cùng một số quan chức châu Âu đã tập trung về thủ đô Vienna (Áo) để đàm phán.
Theo các nguồn tin cấp cao của Oilprice.com, chính phủ Mỹ đã đồng ý dỡ bỏ từ từ các lệnh cấm vận đối với lĩnh vực dầu khí, hóa dầu và ô tô cũng như một số biện pháp trừng phạt khác đối với ngành ngân hàng của Iran.
Tuy nhiên, Lãnh tụ tối cao Ali Khamenei và các nhân vật hàng đầu của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo còn yêu cầu Washington phải loại bỏ một số cá nhân và doanh nghiệp Iran khỏi danh sách trừng phạt và Mỹ thì khó lòng đồng ý.
Theo Oilprice.com, nhà lãnh đạo Khamenei đã nhiều lần khẳng định Iran không muốn và trên cơ sở pháp lý cũng không bắt buộc phải đàm phán lại thỏa thuận hạt nhân mà Mỹ đơn phương từ bỏ vào tháng 5/2018. Song, các nguồn tin từ Iran cho biết Tehran có thể nhượng bộ Washington phần nào.
Tuần trước, một trong các nguồn tin cho hay: "Tehran có thể gặp khó khăn vì tình trạng mất điện, thiếu thốn lương thực, lạm phát gia tăng và đồng rial mất giá. Các yếu tố này đang làm tăng nguy cơ xảy ra bất ổn dân sự trên khắp Iran, có thể buộc Tehran phải nhượng bộ Washington".
Hiện tại, chưa có thông tin chính thức liệu Mỹ và Iran đã "xuống nước" với nhau hay chưa. Sau vòng đàm phán thứ 5 vào ngày 25/5, ông Mikhail Ulyanov - đại diện phái đoàn Nga, đã bày tỏ thái độ lạc quan về khả năng đưa Mỹ trở lại thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Ông Ulyanov cho rằng vòng đàm phán thứ 5 có thể là vòng đàm phán cuối cùng.
Triển vọng giá dầu có bị ảnh hưởng?
Iran vốn là một trong các nhà sản xuất dầu thô lớn nhất của liên minh OPEC+, tuy nhiên xuất khẩu dầu thô của quốc gia Trung Đông này đã lao dốc nghiêm trọng sau khi chính quyền cựu Tổng thống Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 và tái áp dụng các lệnh trừng phạt với Tehran.
Các chuyên gia cảnh báo, nếu chính quyền Tổng thống Biden dỡ bỏ trừng phạt, Iran có thể ồ ạt bơm dầu trở lại thị trường, ước tính khoảng 2,5 triệu thùng/ngày. Điều này có thể tác động đến triển vọng phục hồi của giá dầu.
Song, Goldman Sachs vẫn dự đoán giá dầu Brent sẽ tăng lên 80 USD/thùng vào cuối năm nay, bất chấp các tin tức xoay quanh tiến độ đàm phán giữa Mỹ và Iran.
Đầu tháng 4, Goldman Sachs đưa ra nhận định: "Dù xuất khẩu dầu thô của Iran tăng nhẹ hồi đầu năm nay, về cơ bản chúng tôi tin phải đến mùa hè năm 2022 thì ngành dầu mỏ Iran mới phục hồi hoàn toàn. Tức là, nhiều khả năng Mỹ và Iran sẽ quay lại thỏa thuận hạt nhân vào đầu năm 2022".
"Ngay cả khi hai bên đạt thỏa thuận sớm hơn, chúng tôi cũng không thay đổi dự báo năm 2022, vì liên minh dầu mỏ OPEC chắc chắn sẽ phản ứng để kiểm soát cán cân cung - cầu của thị trường...", Goldman Sachs nhấn mạnh.
Dù vậy, cây bút Simon Watkins của Oilprice.com không đồng tình. Theo ông Watkins, nếu Iran xuất khẩu 2,5 triệu thùng dầu/ngày, theo thời gian giá dầu chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nhưng tác động lần này sẽ đến nhanh hơn so với tưởng tượng của giới phân tích.
Ông Watkins lưu ý, từng có nhiều báo cáo sai lệch rằng xuất khẩu dầu thô của Iran đã giảm xuống mức thấp chưa từng có do các lệnh trừng phạt của Mỹ. Tuy nhiên trên thực tế, Iran vẫn xuất khẩu một lượng lớn dầu thô đến Trung Quốc như Oilprice.com từng đưa tin.
Điều này cho thấy Iran chưa bao giờ thực sự phải đóng các giếng dầu vì cấm vận và đây cũng là lý do tại sao theo các số liệu trong ngành, Iran vẫn bơm được 2,43 triệu thùng dầu/ngày ra thị trường trong tháng 4 năm nay.
Dù vậy, trong bối cảnh nhu cầu dầu thô dần phục hồi, khả năng cao là liên minh OPEC+ vẫn sẽ bám sát tiến độ nới lỏng lệnh hạn chế nguồn cung tại cuộc họp chính sách ngày 1/6.
Tháng 4 năm nay, OPEC+ đã nhất trí bơm 2,1 triệu thùng dầu/ngày trở lại thị trường trong giai đoạn tháng 5 - 7/2021. Sau quyết định của OPEC+, giá dầu tiếp tục kéo dài đà phục hồi và tính từ đầu năm đến nay đã tăng hơn 30% lên mức 70 USD/thùng.
Chia sẻ với Reuters, Tổng thư ký OPEC Mohammad Barkindo cho biết ông tin nguồn cung bổ sung của Iran sẽ không gây ra vấn đề đáng ngại. "Chúng tôi đã lường trước khả năng này, nhưng Iran sẽ xuất khẩu dầu ra thị trường một cách có trật tự và minh bạch".