Trung Đông có thể trụ vững nếu không có dầu mỏ?
Không bán dầu mỏ thì không có tiền
Hiện tại, các nền kinh tế vùng Vịnh đang phải vật lộn để chấm dứt sự phụ thuộc vào dầu mỏ. Reuters dẫn báo cáo mới của Moody's cho biết, các nước này có thể phải mất ít nhất 10 năm để hoàn thành mục tiêu.
Báo cáo nhấn mạnh, sự phụ thuộc vào nguồn thu từ dầu mỏ là "trở ngại tín dụng hàng đầu" cho 6 thành viên của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), gồm Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar, Arab Saudi và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).
Dự báo của Moody's không thực sự gây bất ngờ cho giới quan sát, oilprice.com cho hay. Các nước vùng Vịnh đã cố gắng đa dạng hóa nền kinh tế khi giá dầu lao dốc vào năm 2014, nhưng họ lại thiếu các nguồn lực cần thiết để đẩy nhanh kế hoạch, nguyên nhân cũng vì giá dầu giảm mạnh làm chính phủ không có nguồn thu.
Để giải quyết cuộc khủng hoảng giá dầu, chính phủ các nước GCC đã phải thắt lưng buộc bụng và đưa ra một số cải cách, nhưng cuối cùng vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của công chúng.
Bây giờ, tình hình thậm chí còn nghiêm trọng hơn vì nhu cầu dầu thô vẫn còn trì trệ do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Năm ngoái, nhu cầu dầu thô lao dốc cùng với tình trạng thiếu kho chứa đã khiến giá dầu rơi xuống mức âm. Điều đó buộc các nước vùng Vịnh phải vay nợ nhiều hơn để củng cố nền kinh tế.
Đầu năm nay, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo rằng doanh thu của các nhà sản xuất dầu mỏ ở Trung Đông và Bắc Phi có thể sụt giảm 270 tỷ USD vào cuối năm 2020. Tại thời điểm đó, IMF cho biết chỉ tính riêng các nền kinh tế GCC, tăng trưởng GDP năm ngoái có thể giảm đến 7,6%.
Nếu không có nguồn thu từ dầu mỏ, đi vay là cách duy nhất để các nền kinh tế này có được nguồn ngân sách cần thiết để vực dậy từ đại dịch. Họ không có thời gian để tâm tới kế hoạch đa dạng hóa nền kinh tế khi bản thân phải tìm cách tồn tại trước đã.
Một đốm sáng le lói
Giá dầu hiện đang phục hồi mạnh mẽ, thậm chí Bank of America còn dự báo dầu thô có thể chạm mốc 100 USD/thùng vào năm 2022.
Đối với các nền kinh tế có mức hòa vốn giá dầu cao như Bahrain và Kuwait, đây sẽ là một giải pháp ngân sách mà họ có thể rất hoan nghênh. Còn đối với các nước có mức hòa vốn thấp hơn như Arab Saudi, giá dầu tăng cao luôn là tin tức tốt.
Arab Saudi đang triển khai một chương trình đa dạng hóa kinh tế tiêu tốn hàng trăm tỷ USD. Chính phủ Arab Saudi không có nơi nào khác để kiếm được khoản tiền khổng lồ này, ngoại trừ từ doanh thu xuất khẩu dầu mỏ.
Song, điều này cũng sẽ khiến các nền kinh tế vùng Vịnh rơi vào vòng luẩn quẩn mà họ phải vật lộn để thoát ra trong cuộc khủng hoảng giá dầu năm 2014. Theo Moody's, giá dầu tăng cao cũng sẽ cản trở nỗ lực đa dạng hóa của các nước GCC.
"Nếu giá dầu đạt trung bình khoảng 55 USD/thùng, chúng tôi tin rằng sản xuất dầu mỏ vẫn sẽ là ngành đóng góp lớn nhất vào GDP của các nền kinh tế GCC. Đó cũng là động lực chính cho sức mạnh tài khóa của các nước này trong ít nhất một thập kỷ tới", Moody's nêu rõ trong báo cáo mới.
Tuy nhiên, các nước vùng Vịnh sẽ phải đau đầu khi mà thế giới ngày càng rời xa dầu mỏ và theo đuổi các công nghệ như xe điện, năng lượng xanh. Theo Moody's, còn có một vấn đề khác: Các nước GCC có thể cạnh tranh nhau xuất khẩu dầu mỏ, cuối cùng cản trở nỗ lực đa dạng hóa nền kinh tế của các thành viên.
Dẫu vậy, thời điểm thế giới quay lưng hoàn toàn với dầu mỏ vẫn còn rất xa, mặc dù có nhiều dự đoán cho rằng chỉ còn vài năm nữa là nhu cầu dầu thô đạt đỉnh. Cho đến hiện tại, giá dầu còn neo cao thì nền kinh tế các nước Trung Đông còn ổn định.