|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Bank of America: Giá dầu thô có thể chạm ngưỡng 100 USD/thùng vào năm 2022

06:43 | 22/06/2021
Chia sẻ
Ngân hàng Bank of America dự đoán, giá dầu thô có thể tăng lên 100 USD/thùng vào năm tới khi nhu cầu đi lại phục hồi. Dù nhiều tổ chức lớn dự báo giá dầu có thể quay trở lại mức ba con số thì nhận định của Bank of America lại cụ thể và sớm nhất.

Dự đoán cụ thể nhất

Trong báo cáo mới nhất, ngân hàng Bank of America (Mỹ) cho biết, mức tiêu thụ dầu thô toàn cầu sẽ tiếp tục vượt cung vào năm 2022, khi nền kinh tế thế giới vực dậy từ đại dịch và thúc đẩy nhu cầu nhiên liệu, trong khi hoạt động đầu tư khai thác mới bị hạn chế bởi những lo ngại về môi trường.

Ông Francisco Blanch, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu hàng hóa của Bank of America, cho hay: "Nhu cầu năng lượng của nhiều nước bị dồn nén vì ảnh hưởng của đại dịch. Khi nền kinh tế chung khởi sắc, nhu cầu sẽ bùng nổ".

Trong các nhà tổ chức khác, từ tập đoàn thương mại hàng hóa Trafigura Group đến ngân hàng Goldman Sachs, cho rằng giá dầu thô có thể quay lại mức 100 USD/thùng trong điều kiện thích hợp, thì cho đến nay dự đoán của Bank of America là chắc chắn và cụ thể nhất.

Bank of America: Giá dầu thô có thể chạm ngưỡng 100 USD/thùng vào năm 2022 - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: Reuters).

Theo Bloomberg, nếu dự đoán của Bank of America là đúng, đây sẽ là lần đầu tiên giá dầu thô quay trở về mức ba con số kể từ năm 2014, tức trước khi Mỹ ồ ạt bơm lượng lớn dầu đá phiến ra thị trường và khiến giá dầu quay đầu giảm. Đến nay, giá dầu vẫn chưa thể phục hồi hoàn toàn về mốc cũ.

Triển vọng ngày càng tươi sáng của giá dầu đang tạo thêm áp lực cho OPEC+. Liên minh dầu mỏ do Arab Saudi và Nga dẫn dắt dự kiến sẽ nhóm họp vào tuần tới để xem xét khôi phục một phần sản lượng mà họ đã cắt giảm trong thời kỳ dịch bệnh.

Trong khi Riyadh đã phát tín hiệu hành động thận trọng, nguồn cung trên toàn thế giới bị siết chặt có thể thúc đẩy liên minh dầu mỏ bơm thêm sản lượng. Trong tháng 6, giá dầu đã tăng nhẹ khi Iran, một nước thành viên OPEC, không thể đạt được thỏa thuận hạt nhân với Mỹ.

Nhu cầu đi lại

Theo Bank of America, triển vọng ngắn hạn cho liên minh OPEC+ là rất sáng sủa. Năm tới, nhu cầu dầu thô sẽ tăng mạnh khi người dân dần từ bỏ các phương tiện công cộng để sử dụng ô tô cá nhân nhiều hơn.

Hơn nữa, ngay cả khi xu hướng làm việc từ xa tiếp tục, mức tiêu thụ nhiên liệu cũng không thể suy giảm, vì người lao động tại nhà vẫn sử dụng ô tô vào ban ngày để làm việc vặt cá nhân, Bank of America lưu ý thêm.

Đồng thời, ngân hàng có trụ sở tại North Carolina này cho biết, nguồn cung dầu thô mới vẫn còn hạn chế. Cổ đông sẽ gây áp lực buộc các công ty năng lượng lớn phải đầu tư mạnh tay vào năng lượng tái tạo, hoặc buộc các công ty khai thác phải chi trả cổ tức thay vì rót vốn vào các dự án mới.

Tuy nhiên, các tổ chức lớn chưa thực sự đồng thuận về dự đoán nguồn cung dầu thô trong năm 2022. Đầu tháng 6, một báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho thấy, các nước ngoài OPEC, đặc biệt là Mỹ, có thể đáp ứng khoảng 50% nhu cầu tăng thêm trong năm tới.

Điều đó sẽ khiến OPEC và các đối tác rơi vào thế bị động, không thể bơm nhiều dầu thô ra thị trường. Tình hình có thể tồi tệ hơn nếu Iran có thể đạt được thỏa thuận hạt nhân với Mỹ vào năm 2022.

Iran vốn là một trong các nhà sản xuất dầu thô lớn nhất của liên minh OPEC+, tuy nhiên xuất khẩu dầu thô của quốc gia Trung Đông này đã lao dốc nghiêm trọng sau khi chính quyền cựu Tổng thống Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 và tái áp dụng các lệnh trừng phạt với Tehran.

Các chuyên gia cảnh báo, nếu chính quyền Tổng thống Biden dỡ bỏ trừng phạt, Iran có thể ồ ạt bơm dầu trở lại thị trường, ước tính khoảng 2,5 triệu thùng/ngày. Điều này có thể tác động đến triển vọng phục hồi của giá dầu.

Theo cây bút Simon Watkins của oilprice.com, nếu Iran xuất khẩu 2,5 triệu thùng dầu/ngày, theo thời gian giá dầu chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nhưng tác động lần này sẽ đến nhanh hơn so với tưởng tượng của giới phân tích.

Ông Watkins lưu ý, từng có nhiều báo cáo sai lệch rằng xuất khẩu dầu thô của Iran đã giảm xuống mức thấp chưa từng có do các lệnh trừng phạt của Mỹ. Tuy nhiên trên thực tế, Iran vẫn xuất khẩu một lượng lớn dầu thô đến Trung Quốc.

Điều đó cho thấy Iran chưa bao giờ thực sự phải đóng các giếng dầu vì cấm vận và đây cũng là lý do tại sao theo các số liệu trong ngành, Iran vẫn bơm được 2,43 triệu thùng dầu/ngày ra thị trường trong tháng 4 năm nay.

Khả Nhân