[Infographic] Trữ lượng dầu thô toàn cầu đang nằm trong tay những nước nào?
Dầu thô được coi là huyết mạch của nền kinh tế toàn cầu. Hơn 33% nguồn cung năng lượng của thế giới được sản xuất từ dầu thô, nhiều hơn bất kỳ tài nguyên thiên nhiên nào khác. Do đó, các nước kiểm soát trữ lượng dầu thô lớn thường có ảnh hưởng kinh tế và địa chính trị đáng kể.
Theo báo cáo Đánh giá Thị trường Năng lượng Toàn cầu năm 2020 của gã khổng lồ BP, một nhóm gồm 14 nước đang kiểm soát khoảng 93,5% trữ lượng dầu thô đã được phát hiện trên toàn cầu. Các quốc gia này trải dài khắp 5 châu lục và nắm trong tay từ 25,2 đến 304 tỷ thùng dầu thô.
Ai đang kiểm soát trữ lượng dầu thô toàn cầu?
Cuối năm 2019, trữ lượng dầu thô trên toàn thế giới đạt 1,73 nghìn tỷ thùng. Trong đó, có 14 quốc gia nắm ít nhất 1% trữ lượng dầu đã được thẩm định, gồm:
Thứ tự | Quốc gia | Trữ lượng đã thẩm định (tỷ thùng) | Tỷ trọng so với toàn cầu (%) |
---|---|---|---|
1 | Venezuela | 304 | 17,8 |
2 | Arab Saudi | 298 | 17,2 |
3 | Canada | 170 | 9,8 |
4 | Iran | 156 | 9 |
5 | Iraq | 145 | 8,4 |
6 | Nga | 107 | 6,2 |
7 | Kuwait | 102 | 5,9 |
8 | UAE | 98 | 5,6 |
9 | Mỹ | 69 | 4 |
10 | Libya | 48 | 2,8 |
11 | Nigeria | 37 | 2,1 |
12 | Kazakhstan | 30 | 1,7 |
13 | Trung Quốc | 26,2 | 1,5 |
14 | Qatar | 25,2 | 1,5 |
Dù các nước này phân bố trên khắp hành tinh, một số nước lại sở hữu trữ lượng lớn hơn nhiều so với phần còn lại. Venezuela là quốc gia đang dẫn đầu về trữ lượng dầu thô, với hơn 304 tỷ thùng. Arab Saudi xếp thứ hai với 298 tỷ thùng và Canada đứng thứ ba với 170 tỷ thùng.
Trữ lượng dầu thô vs. sản lượng dầu thô
Theo Visual Capitalist, một quốc gia có trữ lượng dầu thô lớn chưa chắc sẽ sản xuất được lượng lớn xăng, dầu và các sản phẩm phụ khác. Trữ lượng chỉ đơn thuần ước tính khối lượng dầu thô có thể khai thác và tạo ra lợi ích kinh tế tại một khu vực cụ thể.
Mỹ và Nga thường nằm ở vị trí thấp trong danh sách trữ lượng, nhưng họ lại xếp hạng cao về sản lượng dầu thô. Toàn thế giới khai thác được hơn 95 triệu thùng dầu thô mỗi ngày, Mỹ, Arab Saudi và Nga lần lượt nằm trong số các nước có sản lượng nhiều nhất.
Cát dầu đóng vai trò gì?
Từ lâu, Venezuela đã là một nước sản xuất dầu thô, nền kinh tế phụ thuộc nặng nề vào xuất khẩu dầu mỏ. Năm 2011, Bộ Năng lượng Venezuela bất ngờ tuyên bố trữ lượng dầu thô đã được thẩm định của nước này tăng mạnh chưa từng có sau khi phát hiện một lượng lớn cát dầu (oil sand) ở Vành đai Orinoco.
Trong tự nhiên, dầu thô thường tồn tại dưới hai dạng là túi dầu và dầu lẫn trong cát, đất sét, và nước còn gọi là cát dầu. Cát dầu là một hợp chất gồm cát, bitumen, đất sét và nước, có tỷ trọng dầu thô rất lớn, theo Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam.
Từ năm 2005 đến 2015, Venezuela thăng hạng từ vị trí thứ 5 thế giới lên vị trí số một với trữ lượng dầu thô đã biết là gần 200 tỷ thùng. Nhờ đó, trữ lượng dầu thô đã thẩm định của Trung và Nam Mỹ tăng hơn hai lần trong giai đoạn 2008 - 2011.
Năm 2002, trữ lượng dầu thô của Canada cũng tăng từ 5 tỷ lên 180 tỷ thùng dựa theo ước tính trữ lượng cát dầu mới. Hiện Canada chiếm gần 10% trữ lượng dầu thô đã qua kiểm chứng của thế giới, khoảng 170 tỷ thùng.
Liên minh OPEC nằm ở đâu?
Tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) có trụ sở tại Vienna (Áo), là một cơ quan phân phối năng lượng liên chính phủ.
Phần lớn các nước có trữ lượng dầu thô lớn nhất thế giới là thành viên của OPEC. Liên minh dầu mỏ này hiện có 14 quốc gia thành viên, nắm giữ gần 70% trữ lượng dầu thô của toàn thế giới.
Hầu hết các nước OPEC nằm ở Trung Đông, khu vực với trữ lượng dầu thô lớn nhất thế giới với tỷ trọng gần 50%. Tuy nhiên, trong ba thập kỷ qua, tỷ trọng của Trung Đông trong tổng trữ lượng dầu thô toàn cầu đã giảm từ hơn 60% hồi năm 1992 xuống còn 48% vào năm 2019.
Một trong những nguyên nhân chính là do sản lượng dầu thô ít biến động và trữ lượng mới ở châu Mỹ ngày càng tăng. Đến năm 2012, tỷ trọng trữ lượng của Trung và Nam Mỹ đã tăng hơn hai lần và vẫn ổn định ở mức gần 20% kể từ đó.