Nhu cầu xăng dầu của châu Á so với trước đại dịch: Bức tranh nhiều gam màu
Trung Quốc
Trung Quốc là thị trường tiêu thụ dầu mỏ và nhiên liệu hàng đầu tại châu Á. Sự phục hồi nhanh chóng của nền kinh tế này đang góp phần củng cố triển vọng kinh tế toàn cầu và giúp giá dầu tăng lên.
Nhà nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới đã nhanh chóng kiểm soát được các cụm dịch trong nước, qua đó người dân có thể tự tin đi làm và du lịch trên toàn quốc. Mức độ đi lại của người dân Trung Quốc đã thúc đẩy giá nhiên liệu quay trở lại mức trước đại dịch COVID-19, Bloomberg cho hay.
Theo bà Sandy Kwa, chiến lược gia cấp cao tại công ty tư vấn năng lượng FGE, Trung Quốc đang dẫn đầu đà phục hồi của giá xăng dầu tại châu Á.
Ấn Độ
Làn sóng COVID-19 mới đang làm tê liệt sức tiêu thụ nhiên liệu và hệ thống chăm sóc sức khỏe của Ấn Độ. Tháng 5 vừa qua, doanh số bán xăng và dầu diesel giảm mạnh so với tháng trước. Dữ liệu của Apple cho thấy hoạt động đi lại đạt trung bình 57% so với mức trước đại dịch, cụ thể là tháng 1/2020. Ngoài ra, hoạt động sản xuất tại nhà máy cũng chững lại đáng kể.
FGE dự đoán nhu cầu xăng dầu của Ấn Độ sẽ giảm khoảng 150.000 thùng/ngày từ quý I năm nay xuống còn khoảng 590.000 thùng/ngày trong quý II.
Tuy nhiên, số ca bệnh mới của Ấn Độ vừa chạm mức đáy hai tháng vào ngày 8/6, trong khi các nhà máy lọc dầu đang tận dụng thời điểm mức tiêu thụ thấp để bảo trì nhằm chuẩn bị cho kịch bản nhu cầu phục hồi.
Nhật Bản
Nhật Bản đang đối mặt với một cuộc suy thoái kép sau khi chính phủ kéo dài tình trạng khẩn cấp đến ngày 20/6, Bloomberg cho hay.
Tuy nhiên, hoạt động đi lại trong tháng 5 của người dân nước này lại cao hơn mức trước đại dịch và hoạt động sản xuất công nghiệp chỉ giảm nhẹ so với tháng 4. Thời gian gần đây, các nhà máy lọc dầu tại Nhật Bản liên tục mua thêm dầu thô, cho thấy nhu cầu nhiên liệu đang khởi sắc.
Malaysia
Đại dịch COVID-19 tái bùng phát ở Malaysia buộc chính phủ phải siết chặt các lệnh hạn chế. Do đó, nhu cầu di chuyển trong tháng Ramadan cũng bị ảnh hưởng theo.
Dữ liệu của Apple cho thấy, mức độ đi lại của người dân đất nước Đông Nam Á này trong tháng 5 đạt khoảng 78,5% so với mức trước đại dịch. Tháng trước đó, tỷ lệ này chạm ngưỡng 97%. Hoạt động sản xuất công nghiệp cũng thu hẹp trong tháng 5.
Hiện tại, Malaysia đã áp lệnh phong tỏa toàn quốc đến giữa tháng 9. Việc tiêu thụ dầu diesel và hoạt động nhà máy dự kiến sẽ bị ảnh hưởng theo, khiến tình trạng thiếu hụt lao động ngày càng trầm trọng hơn.
Song, Giám đốc Kendrick Wee của công ty tư vấn IHS Markit cho rằng nhu cầu nhiên liệu có thể tăng trong thời gian tới khi chương trình tiêm chủng đạt được bước tiến mới.
Indonesia
Khác với Malaysia, mức tiêu thụ xăng và dầu diesel ở Indonesia trong tháng 5 đã giúp cải thiện nhu cầu nhiên liệu nói chung. Theo Pertamina Patra Niaga, một công ty con của nhà bán lẻ và lọc dầu lớn nhất Indonesia PT Pertamina, nhu cầu nhiên liệu trong tháng trước hiện còn chỉ cách con số trước đại dịch khoảng 4 - 5%.
Qua dữ liệu của Apple, nhu cầu lái xe của người dân Indonesia trong tháng 5 còn cao hơn mức trước khi dịch bệnh bùng phát. Hoạt động sản xuất công nghiệp cũng tăng trưởng so với tháng 4.
Australia
Nền kinh tế Australia phục hồi mạnh mẽ trong quý I năm nay vì đất nước châu Đại Dương đã có thể hạn chế ảnh hưởng của COVID-19 thông qua các lệnh phong tỏa nghiêm ngặt.
Dữ liệu của Apple cho thấy hoạt động đi lại tại Australia đã ở mức trước đại dịch kể từ tháng 11 năm ngoái. Dù nhu cầu xăng và dầu diesel có cải thiện nhưng việc đóng cửa các nhà máy lọc dầu cũ kỹ buộc Australia phải nhập khẩu thêm khá nhiều nhiên liệu trong năm nay.
Ông Dominic Schnider, trưởng bộ phận phân tích hàng hóa và ngoại hối khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UBS Global Wealth Management, lưu ý rằng lệnh phong tỏa ở các nền kinh tế nhỏ hơn ít có khả năng ảnh hưởng lớn đến bức tranh nhu cầu năng lượng toàn cầu.
Không tính thị trường Trung Quốc, tiêu thụ các sản phẩm dầu mỏ trên toàn châu Á dự kiến sẽ tăng thêm 14 triệu thùng/ngày trong quý II năm nay, ông Schnider cho biết thêm.