Phố Wall dự báo giá dầu trong nửa cuối năm 2021: Dẫu lạc quan nhưng vẫn thận trọng
Các chuyên gia cho biết đà tăng hiện nay của giá dầu có liên quan tới tới nhiều yếu tố. Chính phủ các nước đang đẩy mạnh chương trình tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19, đồng thời nới lỏng dần các lệnh phong tỏa và OPEC+ đã cắt giảm mạnh sản lượng để điều chỉnh cung - cầu.
Trong nửa cuối năm, Phố Wall tin tưởng giá dầu có thể tăng cao hơn nữa, dẫu không phải tổ chức nào cũng có cùng nhận định.
Giá dầu về đâu trong nửa cuối năm 2021?
Goldman Sachs nhận thấy giá dầu Brent có thể đạt trung bình trên 80 USD/thùng trong quý III năm nay, thậm chí có thể vượt mốc này nếu nhu cầu bật tăng mạnh mẽ hơn. JPMorgan thận trọng hơn khi dự báo rằng giá dầu thô sẽ tiến sát mốc 80 USD/thùng trong ba tháng cuối cùng của năm 2021.
Các nhà phân tích tại Bank of America lạc quan hơn. Họ cho rằng giá dầu Brent có thể đạt 100 USD/thùng vào mùa hè năm sau. Khá nhiều tổ chức lớn từng dự báo giá dầu có thể quay trở lại mức ba con số, song nhận định của Bank of America lại cụ thể và sớm nhất.
Phỏng đoán của các ngân hàng Phố Wall được công bố trong bối cảnh ba cơ quan dự báo năng lượng chính của thế giới, gồm OPEC, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) và Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) đều tin rằng nhu cầu dầu thô sẽ tăng tốc trong nửa cuối năm 2021.
Ông Tamas Varga, chuyên gia phân tích dầu khí tại PVM Oil Associates, cho biết tồn kho dầu thô trên toàn thế giới cũng như trong khu vực đã giảm đáng kể trong năm nay, từ đó góp phần củng cố giá dầu. "Xu hướng này sẽ tiếp diễn trong phần còn lại của năm 2021", ông Varga nói thêm.
Đà tăng của giá dầu chỉ có thể đột ngột kết thúc nếu các ngân hàng trung ương bất ngờ tăng lãi suất do lo ngại lạm phát hoặc trong tường hợp OPEC+ tăng sản lượng vượt nhu cầu của thị trường.
Ngoài ra, nếu OPEC+ không thể kiểm soát nguồn cung khi Iran bơm thêm dầu ra thị trường thì giá dầu cũng có thể bị ảnh hưởng. Dù vậy, ông Varga lưu ý, ở thời điểm hiện tại có vẻ rất khó xảy ra kịch bản OPEC+ mất khả năng khống chế cung - cầu nếu Iran xuất khẩu thêm dầu thô.
Cẩn tắc vô ưu
CNBC cảnh báo, một số yếu tố bất ổn có thể làm lu mờ triển vọng phục hồi của thị trường dầu mỏ. Sự lan rộng của biến chủng Delta trên toàn thế giới đang làm các nhà phân tích lo ngại về khả năng nhu cầu sụt giảm. Hơn nữa, việc Iran có thêm bơm đến 1,5 triệu thùng dầu trở lại thị trường cũng là một vấn đề khác.
Ông Martijn Rats, trưởng bộ phận phân tích dầu mỏ của Morgan Stanley, cho biết thị trường năng lượng đang dò tìm mức giá có thể gây hại cho triển vọng nhu cầu dầu thô. "Rất khó để tìm thấy mức giá này, riêng Morgan Stanley đưa ra con số khoảng 80 USD/thùng", ông Rats chia sẻ với CNBC.
"Khi giá dầu vượt lên trên mốc 80 USD/thùng, nhu cầu có thể bị chững lại", ông Rats tiếp tục. "Tiềm năng tăng trưởng kinh tế có thể bị cản trở vì nếu nhu cầu dầu thô không tăng nhanh hơn nữa thì rất nhiều hệ lụy sẽ xảy ra".
Morgan Stanley tin rằng giá dầu Brent sẽ giao dịch trong khoảng 75 - 80 USD/thùng cho đến giữa năm 2022.
Hiện tại, kế hoạch tăng sản lượng trong các tháng cuối năm 2021 của OPEC+ đang gặp trục trặc. Tại cuộc họp ngày 1/7, liên minh OPEC+ đã gần như đạt được thỏa thuận tăng sản lượng 400.000 thùng/ngày mỗi tháng trong giai đoạn tháng 8 đến tháng 12 năm nay.
Tuy nhiên, gần phút chót, UAE đã lên tiếng phản đối và yêu cầu liên minh dầu mỏ phải điều chỉnh hạn mức của nước này. Diễn biến mới buộc OPEC+ phải tiếp tục nhóm họp trong hôm nay (ngày 2/7) để khơi thông bế tắc.
Ông Chris Midgley, trưởng bộ phận phân tích của S&P Global Platts, cho biết cuộc họp của OPEC+ sẽ "tác động mạnh mẽ" đến giá dầu vì kết quả cuộc họp sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn cung dầu thô từ tháng tới.
"Chúng tôi tin rằng giá dầu có thể thử nghiệm mức trên 70 USD/thùng trước khi nhu cầu dầu thô của châu Âu suy yếu vào cuối tháng 7 và khả năng hàng triệu thùng dầu của Iran trở lại thị trường. Khi đó, giá dầu có thể lùi về mức dưới 70 USD/thùng", ông Midgley làm rõ.