|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Hội đồng bộ trưởng khuyên OPEC+ tăng dần sản lượng trong 6 tháng cuối năm, giá dầu phản ứng

06:37 | 02/07/2021
Chia sẻ
Hội đồng bộ trưởng của OPEC+ khuyến nghị liên minh dầu mỏ nên tăng dần sản lượng trong nửa cuối năm 2021. Động thái này đang mở đường để OPEC+ đạt được một thỏa thuận lớn hơn, giúp giữ nguồn cung ổn định dù giá dầu đang ở mức đỉnh hai năm.

Các bộ trưởng gợi ý tăng sản lượng 400.000 thùng/ngày

Bloomberg dẫn lời một đại biểu cho biết, Ủy ban Bộ trưởng Giám sát Chung (JMMC) của OPEC+ đã khuyến nghị liên minh dầu mỏ nên bổ sung khoảng 400.000 thùng dầu/ngày mỗi tháng trong giai đoạn từ tháng 8 đến tháng 12 năm nay.

Ủy ban này còn đề xuất OPEC+ nên gia hạn thỏa thuận giảm sản lượng đến tháng 12/2022. Thỏa thuận hiện tại của OPEC+ dự kiến sẽ hết hạn vào tháng 4 năm tới, Bloomberg lưu ý.

Năm ngoái, khi đại dịch bùng phát làm nhu cầu dầu thô toàn cầu lao dốc nghiêm trọng, đồng thời đẩy giá dầu xuống mức âm, OPEC+ đã hợp tác hạn chế sản lượng để hỗ trợ thị trường năng lượng phục hồi.

Nếu liên minh dầu mỏ chấm dứt thỏa thuận theo như thời hạn hiện tại, thị trường có thể phải tiếp nhận thêm hàng triệu thùng dầu thô mỗi ngày khi các nền kinh tế vẫn chưa thực sự sẵn sàng mở cửa trở lại.

Hội đồng bộ trưởng khuyên OPEC+ tăng dần sản lượng trong 6 tháng cuối năm, giá dầu phản ứng - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: Reuters).

Giá dầu tăng cao và mối lo lạm phát

Theo ghi nhận của Bloomberg, giá dầu thô tại New York có thời điểm tăng lên gần mức 75 USD/thùng, tức là quanh mức đỉnh hai năm. Giới thương nhân dự đoán nguồn cung sẽ tiếp tục bị thắt chặt ngay cả khi OPEC+ bơm thêm dầu thô ra thị trường.

Phản ứng của thị trường cho thấy những lo ngại xoay quanh vấn đề lạm phát sẽ tiếp tục lớn dần, từ đó ảnh hưởng đến quyết định của các nhà hoạch định chính sách trên toàn thế giới giữa lúc họ phải củng cố đà phục hồi của nền kinh tế.

Ngay khi thông tin sơ bộ về cuộc họp của OPEC+ xuất hiện trên truyền thông, ông Giovanni Staunovo, chuyên gia phân tích hàng hóa tại UBS Group AG, cho hay: "Phản ứng của giá dầu đã nói lên tất cả. OPEC+ sẽ không tăng sản lượng nhiều như thị trường kỳ vọng, và nhu cầu dự kiến sẽ tiếp tục tăng cho đến tháng 8 năm nay".

Chiến lược gia Francisco Blanch của Bank of America trước đó nhận định: "Giá dầu tăng trở lại ngưỡng hiện nay cũng mới chỉ giúp OPEC+ vực dậy phần nào. Theo phán đoán của tôi, OPEC+ có lẽ muốn duy trì mức giá này. Họ chưa muốn đẩy giá dầu lên cao hơn ngay bây giờ".

Từ đầu năm đến nay, giá dầu thô đã tăng khoảng 50% do cung không kịp cầu. Giá dầu nhảy vọt, kết hợp với đà tăng mạnh mẽ của một loạt mặt hàng khác, đang khiến các ngân hàng trung ương lo lắng không yên về lạm phát.

Hai ông lớn trở lại vị trí đầu tàu

Chuỗi ngày tăng giá của dầu thô cũng cho thấy rằng Arab Saudi và Nga đang trở lại ghế dẫn dắt thị trường năng lượng toàn cầu, một sự đảo chiều ngoạn mục so với khi giá dầu rơi xuống mức âm hơn một năm trước.

Liên minh OPEC+ đang trong quá trình phục hồi sản lượng sau khi cắt giảm mạnh nguồn cung dầu thô ra thị trường vào năm ngoái. Liên minh 23 quốc gia đã quyết định bơm thêm khoảng 2 triệu thùng dầu/ngày trong giai đoạn tháng 5 - 7/2021.

Trước cuộc họp ngày 1/7, các bộ trưởng dầu mỏ của OPEC+ đã phải đứng trước một quyết định khó khăn, là liệu liên minh này có nên tiếp tục tăng sản lượng trong những tháng tới hay không.

Hiện tại, dữ liệu của OPEC+ cho thấy tồn kho dầu thô đang quay trở lại mức ổn định khi nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu tiếp tục phục hồi mạnh mẽ. Tổng thư ký OPEC Mohammad Barkindo cho biết, nhu cầu trong nửa cuối năm sẽ tăng 5 triệu thùng/ngày so với 6 tháng đầu năm nay.

Tuy nhiên, vẫn có một số yếu tố có thể cản trở đà tăng của giá dầu và nỗ lực của OPEC+. Một số thành viên như Arab Saudi đã nhiều lần kêu gọi liên minh dầu mỏ phải hành động thận trọng.

Thị trường có nguy cơ dư cung nếu Mỹ đạt được thỏa thuận hạt nhân với Iran. Nếu kịch bản này xảy ra, thị trường có thể nhận thêm đến 1,5 triệu thùng dầu/ngày từ Iran vào cuối năm nay. Con số thậm chí có thể tăng cao hơn, tùy thuộc vào lượng dầu thô mà Iran giải phóng từ kho dự trữ.

Ngoài ra, biến chủng Delta của virus SARS-CoV-2 cũng có thể đe dọa triển vọng phục hồi của nhu cầu dầu thô. Hiện tại, biến chủng nguy hiểm này đã buộc một số nước, trong đó tập trung nhiều tại châu Âu, phải phong tỏa trở lại. Số ca nhiễm liên quan biến chủng Delta cũng đang gia tăng đáng lo ngại.

Hơn nữa, OPEC+ cũng có thể phải đối mặt với sự phản đối của các khách hàng lớn nếu giá dầu tiếp tục tăng. Tuần trước, ông Dharmendra Pradhan, Bộ trưởng Bộ Dầu khí Ấn Độ, đã cảnh báo các quan chức OPEC rằng giá dầu neo cao đang "gây ra áp lực lạm phát lớn". Ấn Độ là nước nhập khẩu dầu thô lớn thứ ba thế giới.

Yên Khê