|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Arab Saudi không khoan nhượng UAE, giá dầu nguy cơ tăng vọt

08:32 | 05/07/2021
Chia sẻ
Cuộc đối đầu căng thẳng giữa Arab Saudi và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đang khiến nền kinh tế toàn cầu phải đoán xem giá dầu sẽ tăng bao nhiêu trong tháng tới.

Lôi nhau lên sóng truyền hình

Cuộc đụng độ gay gắt giữa Arab Saudi và UAE đã buộc OPEC+ phải tạm dừng đàm phán hai lần vào cuối tuần trước, đẩy thị trường dầu mỏ rơi vào bế tắc giữa lúc giá dầu tăng vượt ngưỡng 75 USD/thùng. Theo kế hoạch, liên minh dầu mỏ sẽ mở cuộc họp khác vào hôm nay (5/7).

Trong bối cảnh OPEC+ không chỉ thảo luận chính sách sản lượng cho nửa cuối năm nay mà còn cho năm 2022, giải pháp cho tình thế bế tắc giữa các thành viên sẽ định hình thị trường và ngành công nghiệp dầu mỏ trong năm tới, Bloomberg lưu ý.

Cuộc tranh chấp giữa hai nhà sản xuất dầu thô lớn đã bùng nổ trên sóng truyền hình hôm 4/7. 

Với sự ủng hộ của các thành viên khác, bao gồm Nga, Arab Saudi muốn liên minh dầu mỏ tăng nguồn cung trong vài tháng tới, nhưng cũng phải gia hạn thỏa thuận hạn chế sản lượng cho đến cuối năm 2022 để giữ ổn định cho liên minh.

"Chúng tôi phải gia hạn thỏa thuận", Bộ trưởng Bộ Năng lượng Arab Saudi, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman cho biết trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg vào tối 4/7. "Nếu OPEC+ nới dài thỏa thuận, rất nhiều người được hưởng lợi".

Arab Saudi không khoan nhượng UAE, giá dầu nguy cơ tăng vọt - Ảnh 2.

(Ảnh minh họa: Reuters).

Trong một dấu hiệu cho thấy tính nghiêm trọng của tranh chấp ngoại giao lần này, Hoàng tử Abdulaziz cho rằng UAE đang bị cô lập trong liên minh OPEC+. "Cả một tổ chức đang chống lại UAE. Tôi rất buồn nhưng thực tế là vậy", vị hoàng tử nhấn mạnh.

Vài giờ trước đó, người đồng cấp của Hoàng tử Abdulaziz tại UAE, ông Suhail al-Mazrouei đã một lần nữa từ chối việc gia hạn thỏa thuận. Ông al-Mazrouei chỉ ủng hộ tăng sản lượng trong nửa cuối năm và yêu cầu OPEC+ nâng mức cơ sở để tính hạn mức cho nước này vào năm 2022.

"UAE muốn tăng sản lượng vô điều kiện, thị trường đang cần bơm thêm dầu", Bộ trưởng Bộ Năng lượng UAE chia sẻ với Bloomberg. Theo ông, quyết định gia hạn thỏa thuận đến cuối năm 2022 là "không cần thiết ở thời điểm hiện tại".

Abu Dhabi đang đẩy các đồng minh vào thế khó: chấp nhận yêu cầu của họ, hoặc liên minh OPEC+ có nguy cơ bị rạn nứt. Nếu OPEC+ không thể đạt được thỏa thuận chung, thị trường sẽ bị siết chặt và giá dầu thô có thể tăng vọt.

Tuy nhiên, một kịch bản kịch tính hơn cũng có thể diễn ra. Khi đó, OPEC+ không còn thống nhất, các nước thành viên tự do bơm dầu theo ý muốn và giá dầu lao dốc nghiêm trọng như hồi năm ngoái. Thời điểm đó, sự bất đồng giữa Arab Saudi và Nga đã châm ngòi cho cuộc chiến giá dầu.

Vài tháng sau khi cuộc chiến giá dầu kết thúc bằng một thỏa thuận đình chiến, UAE đã làm cho thị trường bất an thêm lần nữa khi để ngỏ ý tưởng rời bỏ OPEC+. Abu Dhabi không lặp lại lời đe dọa này vào tuần trước, nhưng khi được hỏi liệu UAE có thể rút khỏi liên minh hay không, Hoàng tử Abdulaziz chỉ nói: "Tôi hy vọng là không".

Không thỏa thuận, không có thêm dầu

Hoàng tử Abdulaziz nói rằng, nếu OPEC+ không gia hạn thỏa thuận hiện tại, sản lượng dầu trong tháng 8 và nửa cuối năm sẽ không tăng thêm. Điều này có khả năng thổi bùng áp lực lạm phát do giá dầu tăng đột biến.

Bloomberg đã hỏi liệu liên minh dầu mỏ có thể tăng nguồn cung mà không có UAE hay không, Hoàng tử Abdulaziz khẳng định: "Chúng tôi không thể".

Vị hoàng tử cho biết thêm rằng ông đã không trò chuyện cùng người đồng cấp ở Abu Dhabi kể từ ngày 2/7, dù ông khẳng định hai người vẫn là bạn. "Tôi chưa nghe tin tức gì từ người bạn Suhail", vị hoàng tử cho hay.

Trọng tâm của tranh chấp hiện nay chính là mức cơ sở. Mỗi nước thành viên đo lường mức tăng hoặc giảm sản lượng từ mức cơ sở này. Mức cơ sở càng cao, họ càng được phép bơm thêm nhiều dầu thô hơn.

UAE cho rằng con số hiện tại (khoảng 3,2 triệu thùng/ngày vào tháng 4/2020) là quá thấp và yêu cầu nâng lên 3,8 triệu thùng/ngày khi thỏa thuận chung của OPEC+ được gia hạn vào năm 2022.

Arab Saudi và Nga đã từ chối tính toán lại mức cơ sở cho UAE. Hai nước lo ngại rằng các thành viên khác trong OPEC+ cũng có thể đưa ra yêu cầu tương tự, tạo tiền lệ xấu và khiến thỏa thuận sụp đổ. Năm ngoái, OPEC+ đã phải mất hàng tuần liền để đàm phán, cùng với sự "kết nối" của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump mới có thể chốt được thỏa thuận.

Yên Khê